Quốc hội thảo luận Dự án Luật Đấu giá tài sản

24/10/2016
Ngày 24/10, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Đấu giá tài sản. Nhiều Đại biểu đồng tình với các nội dung tại báo cáo tiếp thu, chỉnh lý, giải trình dự án Luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đồng thời đề xuất thêm một số vấn đề liên quan.
2 phương án xử lý nợ xấu
ĐBQH Trần Văn Minh - Quảng Ninh cho rằng việc quy định một số nguyên tắc về đấu giá nợ xấu và tài sản đảm bảo của khoản nợ xấu được thực hiện theo một trình tự, thủ tục phù hợp với tình hình thực tiễn xử lý nợ xấu nhưng vẫn tuân thủ các nguyên tắc quy định của Luật đấu giá tài sản một cách công khai, minh bạch và chịu sự kiểm soát của cơ quan quản lý có thẩm quyền sẽ tạo được một hành lang pháp lý đủ mạnh, góp phần giúp cho việc xử lý nợ xấu cũng như xử lý tài sản đảm bảo của khoản nợ xấu được nhanh chóng, hiệu quả hơn. Tuy nhiên, ĐB Minh đề nghị lưu ý sự thống nhất của các điều khoản luật cũng như kỹ thuật văn bản. Đồng tình với ĐB Minh, ĐB Vương Ngọc Hà (Hà Giang) đề xuất thêm “cần bổ sung thêm hình thức đó là hành nghề tại các tổ chức nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu”. ĐB Hoàng Văn Cường, Hà Nội cũng đồng ý với tờ trình về ý kiến đưa tổ chức VAMC là tổ chức mà có thể sử dụng nhiều hình thức để thực hiện chuyển đổi nợ xấu, tuy nhiên ĐB không đồng tình việc giao cho VAMC là một tổ chức thực hiện việc đấu giá tài sản giống như các tổ chức khác khi bán nợ xấu, bởi lẽ nếu giao cho VMC cơ quan vừa quản lý tài sản nợ xấu vừa bán nợ xấu sẽ tạo ra sự không bình đẳng.
Trước đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết nhiều ý kiến đề nghị bổ sung quy định về đấu giá nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) và của các công ty quản lý tài sản khác. Một số ý kiến đề nghị không quy định về đấu giá nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của VAMC trong dự án Luật. Ý kiến khác cho rằng việc quy định xử lý nợ xấu tại dự án Luật là không phù hợp, không đảm bảo linh hoạt và đề nghị giao Chính phủ quy định về vấn đề xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu.
Theo Ủy ban thường vụ Quốc hội: Việc xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm của các tổ chức tín dụng trước đây được các ngân hàng thương mại cổ phần thực hiện theo Luật các tổ chức tín dụng và trong giai đoạn trước tháng 5/2013, tình hình nợ xấu ở nước ta là rất nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến an toàn hệ thống tiền tệ quốc gia. Ngày 18/5/2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 53/2013/NĐ-CP về thành lập, tổ chức và hoạt động của Công ty VAMC, quy định một số cơ chế đặc thù trong xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu nhằm góp phần xử lý nhanh nợ xấu, lành mạnh hóa tài chính, giảm thiểu rủi ro cho các tổ chức tín dụng và các doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng hợp lý cho nền kinh tế. VAMC được thực hiện nhiều phương thức để xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu, trong đó bán đấu giá tài sản chỉ là một trong các phương thức đó. Theo quy định của pháp luật hiện hành, VAMC có thể thực hiện cơ cấu lại khoản nợ xấu, hỗ trợ khách hàng vay, thỏa thuận với khách hàng vay về việc chuyển nợ thành vốn góp, vốn cổ phần để tham gia cơ cấu lại tài chính và hoạt động của khách hàng vay, bán nợ cho các tổ chức, cá nhân... Tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu mà VAMC đã mua được xử lý theo thỏa thuận của các bên; nếu không có thỏa thuận thì tài sản bảo đảm được bán đấu giá thông qua tổ chức đấu giá tài sản chuyên nghiệp hoặc VAMC tự bán đấu giá phù hợp với các quy định của pháp luật và bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch.
Đối với các công ty Quản lý tài sản (AMC) do các tổ chức tín dụng thành lập, quyền và nghĩa vụ của các AMC thực hiện theo ủy quyền của tổ chức tín dụng, theo đó việc mua bán các khoản nợ và tài sản bảo đảm của các khoản nợ thực hiện theo thỏa thuận hoặc theo quy định tại điểm d khoản 1 điều 3 của dự thảo Luật. Đối với công ty Trách nhiệm hữu hạn mua bán nợ Việt Nam (DATC), được thành lập và chính thức đi vào hoạt động từ ngày 01/01/2004 với mục tiêu góp phần lành mạnh hoá tình hình tài chính doanh nghiệp, thúc đẩy quá trình sắp xếp và chuyển đổi các doanh nghiệp nhà nước. Cũng như các AMC, trường hợp DATC thực hiện bán đấu giá các khoản nợ và tài sản qua hình thức đấu giá thì thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu giá tài sản.
Tuy nhiên, do vấn đề này còn có các loại ý kiến khác nhau, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin đề xuất 2 phương án như sau để xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội:
Phương án 1: Dự thảo Luật quy định một số nguyên tắc về việc đấu giá nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu được thực hiện theo trình tự, thủ tục phù hợp với tình hình thực tiễn xử lý nợ xấu nhưng vẫn phải đồng thời tuân thủ các nguyên tắc, quy định của Luật đấu giá tài sản một cách công khai, minh bạch, chịu sự quản lý của cơ quan có thẩm quyền. Tại khoản 9 Điều 4 của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp đã sử dụng cụm từ “tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng Việt Nam” để sử dụng cho VAMC. Do vậy, để đảm bảo tính phổ quát xin sử dụng cụm từ này để tiếp thu bổ sung Mục 3 (gồm 2 Điều) về đấu giá nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu tại Chương IV, bao gồm: Điều 64 về đấu giá nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu và Điều 65 về đấu giá nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu trong trường hợp tự đấu giá tài sản. Đồng thời, bổ sung tại một số điều, khoản quy định chung trong Luật như khoản 2 Điều 2 về đối tượng áp dụng, điểm o khoản 1 Điều 3 về tài sản đấu giá...
Dự thảo Luật đấu giá tài sản hiện đang trình Quốc hội theo phương án 1.
Phương án 2: Không quy định về việc đấu giá nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu cũng như các quyền, nghĩa vụ liên quan đến đấu giá nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu tại dự án Luật này để đảm bảo cơ chế thị trường và nguyên tắc đấu giá theo quy định của Luật này. Sau đó, sẽ đề nghị Chính phủ sửa đổi Nghị định số 53/2013/NĐ-CP theo tinh thần của Luật này nhằm tránh các hệ lụy pháp lý về mặt tài chính sau khi xử lý nợ và đảm bảo tính phổ quát của Luật.
Đề nghị có chế tài ngăn tình trạng “quân xanh, quân đỏ”
Về xử lý vi phạm, hủy kết quả đấu giá, bồi thường thiệt hại , Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết: một số ý kiến đề nghị phải có các quy định chế tài chặt chẽ để ngăn chặn tình trạng “quân xanh, quân đỏ”, tránh gây thất thoát cho ngân sách nhà nước, đồng thời, xác định rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến tính hợp pháp của tài sản đưa ra đấu giá, xử lý trách nhiệm những trường hợp tham gia đấu giá có hành vi vi phạm, người trúng đấu giá không nhận được tài sản.
Ủy ban thường vụ Quốc hội đã tiếp thu, chỉnh lý như quy định tại Chương III, Chương IV và Chương VI theo hướng quy định chặt chẽ hơn trình tự, thủ tục đấu giá tài sản, tách bạch những vấn đề liên quan đến trước và sau khi tổ chức cuộc đấu giá như niêm yết việc đấu giá tài sản, đăng ký tham gia đấu giá, xác định giá khởi điểm, xử lý tiền đặt trước và chuyển quyền sở hữu tài sản...; bổ sung tại khoản 4 Điều 72 quy định hủy kết quả đấu giá tài sản theo quyết định của người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong trường hợp đấu giá tài sản thuộc sở hữu Nhà nước khi có căn cứ về hành vi vi phạm trong quá trình tổ chức đấu giá tài sản. Đồng thời, bổ sung các quy định tại Điều 8 về các hành vi bị nghiêm cấm đối với đấu giá viên, tổ chức đấu giá tài sản, Hội đồng đấu giá tài sản, người tham gia đấu giá, cá nhân, tổ chức có liên quan làm cơ sở áp dụng chế tài xử lý mạnh mẽ hơn đối với các hành vi vi phạm trong hoạt động đấu giá tài sản
Để đảm bảo hoạt động đấu giá thực sự công khai minh bạch tính chịu trách nhiệm cao, ĐB Nguyễn Thanh Xuân – TP Cần Thơ đề nghị phải có chế tài chặt chẽ để ngăn chặn tình trạng quân xanh quân đỏ hay tay trong, nhằm hạn chế mức độ thiệt hại trong thất thoát ngân sách nhà nước. Đồng thời, xác định rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến tính hợp pháp của tài sản đưa ra đấu giá. Xử lý trách nhiệm những trường hợp tham gia đấu giá có hành vi vi phạm, người trúng đấu giá không nhận được tài sản.
Còn ĐB Phạm Văn Tuân Thái Bình thì đề nghị quy định chặt chẽ các hành vi bị nghiêm cấm trong đấu giá để hạn chế tình trạng các tổ chức cá nhân cùng thông đồng hợp lý hồ sơ và tập trung một số đơn vị hoặc một người trúng đấu giá gây thất thoát tài sản của nhà nước, tổ chức cá nhân. ĐB Phạm Thị Thu Trang, Quảng Ngãi dẫn quy định tại khoản 1, Điều 38, quy định người tham gia đấu giá phải nộp tiền đặt trước tối thiểu 5% và tối đa 20% giá khởi điểm của tài sản đấu giá và cho rằng tỷ lệ tiền đặt trước 5% giá khởi điểm khá thấp. “Thực tế hiện nay đang áp dụng cho thấy có tình trạng người tham gia đấu giá không có nhu cầu về tài sản đấu giá nhưng vẫn mua hồ sơ tham gia đấu giá để mục đích yêu sách người tham gia đấu giá khác phải chung chi. Do vậy, để hoạt động đấu giá trung thực, khách quan, công bằng, bảo vệ quyền lợi của người tham gia đấu giá của nhà nước. Tôi đề nghị nâng tỷ lệ tiền đặt cọc trước lên tối thiểu là 10% xem như rào cản đối với hành vi không lành mạnh trong hoạt động đấu giá tài sản cũng là biện pháp góp phần ngăn chặn tình trạng người tham gia đấu giá với mục đích chuộc lợi” ĐB Trang nói.
Cùng mối quan tâm tới tỷ lệ tiền đặt trước, ĐB Trần Văn Lâm, Bắc Giang kiến nghị thêm “tại Điều 38 về xử lý tiền đặt trước. Khoản 5 dự thảo luật quy định các trường hợp không nhận lại tiền đặt trước, đề nghị bổ sung thêm trường hợp người trả giá thấp hơn giá khởi điểm mà giá khởi điểm đã được công bố công khai từ trước trong trường hợp áp dụng phương thức trả giá cao lên theo Điểm a, Khoản 1, Điều 40. Đồng thời việc bổ sung thêm trường hợp này sẽ đảm bảo chặt chẽ trong quy định của pháp luật để hạn chế những cá nhân, tổ chức tham gia đấu giá với mục đích trục lợi”.
Thu Hằng
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển:
Trong phiên họp thảo luận tại hội trường hôm nay đã có 20 đại biểu Quốc hội đăng ký và phát biểu ý kiến, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cũng phát biểu giải trình làm rõ một số vấn đề có liên quan đến dự án Luật đấu giá tài sản. Nhìn chung không khí thảo luận ngày hôm nay rất sôi nổi, ý kiến phong phú, đa dạng, khá sâu sắc và toàn diện. Đa số ý kiến đại biểu đều đánh giá cao các ý kiến trong Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật đấu giá tài sản của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Các đại biểu đã tham gia nhiều vào nội dung của dự án luật, như tiêu chuẩn đấu giá viên, đào tạo nghề đấu giá, hình thức hành nghề của đấu giá viên, tổ chức đấu giá tài sản, trình tự thủ tục đấu giá tài sản, các hành vi bị cấm, trách nhiệm và chế tài xử lý trách nhiệm khi có vi phạm.
Riêng về đấu giá nợ xấu và tài sản bảo đảm khoản nợ xấu còn ý kiến khác nhau lớn. Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo Ủy ban Kinh tế phối hợp với Ban thư ký của Quốc hội gửi phiếu xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội về vấn đề này trước khi trình Quốc hội biểu quyết thông qua luật. Các đại biểu cũng tham gia vào kỹ thuật lập pháp, các nội dung còn xung đột, chưa chặt chẽ của một số điều khoản trong dự thảo luật . Các ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội đã được Tổng thư ký ghi chép và phản ánh đầy đủ. Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ nghiêm túc tiếp thu và giải trình, đồng thời chỉ đạo Ủy ban Kinh tế và cơ quan soạn thảo hoàn thiện dự án luật trước khi trình Quốc hội thông qua.