Dự án Luật Phòng, chống rửa tiền: Làm rõ nguồn tiền “sạch”, tiền “bẩn”

12/10/2011
“Bên cạnh việc kiểm soát có hiệu quả hoạt động rửa tiền, Dự thảo Luật cần bảo đảm không làm ảnh hưởng các quyền cơ bản của công dân, quyền bí mật, riêng tư của cá nhân, không mâu thuẫn với quy định của Hiến pháp và luật có liên quan”, Ủy ban Kinh tế lưu ý với dự án Luật Phòng, chống rửa tiền.

Hôm qua, tiếp tục phiên họp thứ 3, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã nghe báo cáo tổng kết dự án trồng mới 5 triệu ha rừng, cho ý kiến vào dự án Luật Phòng, chống rửa tiền và Luật Bảo hiểm tiền gửi.

Tài trợ khủng bố là rửa tiền?

Liên quan đến việc dự thảo mở rộng phạm vi điều chỉnh bao gồm cả lĩnh vực tài trợ khủng bố, nhiều ý kiến đề nghị chỉ nên quy định về phòng chống rửa tiền. Còn việc tài trợ khủng bố nên quy định trong Luật Phòng, chống khủng bố.

Riêng khái niệm rửa tiền, Dự thảo Luật quy định các hành vi rửa tiền khác với quy định của Bộ luật Hình sự (BLHS) hiện hành. Do đó, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị đối với những hành vi rửa tiền phải áp dụng biện pháp hình sự thì cần quy định đúng như BLHS.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện đồng tình với quy định trên và ví von: dự thảo Luật này hình như nằm riêng một chỗ, không nằm trong hệ thống pháp luật nói chung. Ông Hiện khẳng định: về mức độ hành vi có thể khác nhau nhưng khái niệm phải giống nhau. Ông Hiện cũng như một số Ủy viên Ủy ban thường vụ khác không đồng tình với đề xuất phải thành lập cơ quan phòng chống rửa tiền với lập luận, mỗi luật ra lại thành lập thêm một cơ quan mới, như vậy đi ngược với tinh thần tinh giảm bộ máy theo hướng gọn nhẹ, hiệu quả.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chia sẻ “đây là luật khó” nhưng cũng lưu ý “phải đảm bảo chất lượng”. Chủ tịch phê dự án luật có nhiều quy định chưa chặt chẽ, chưa rõ ràng. “Phải làm rõ thế nào là tiền “bẩn”, tiền lớn chưa chắc đã bẩn, tiền nhỏ có khi lại “bẩn”, tiền anh nhận từ người khác có nguồn gốc “bẩn” nhưng lại được sử dụng vào mục đích “sạch” thì có được coi là tiền “bẩn” không? - Chủ tịch đặt câu hỏi.

Cá nhân có tiền gửi được bảo hiểm

Theo Tờ trình của Chính phủ do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình trình bày thì Dự thảo Luật Bảo hiểm tiền gửi quy định không bảo hiểm cho tiền gửi của hộ gia đình, tổ hợp tác, doanh nghiệp tư nhân và công ty hợp danh.

Ủy ban Kinh tế đồng tình với quy định chỉ bảo hiểm tiền gửi của cá nhân, không bảo hiểm tiền gửi của tổ chức vì cho rằng mục tiêu lớn nhất của bảo hiểm tiền gửi là bảo vệ số đông người dân không có điều kiện tham gia sản xuất, kinh doanh, không có điều kiện tiếp cận thông tin.

Về vấn đề phí bảo hiểm tiền gửi, Dự thảo Luật không quy định một mức phí hay khung phí cố định mà giao Ngân hàng nhà nước Việt Nam quy định về phí bảo hiểm tiền gửi. Đồng thời dự thảo luật cũng không quy định cụ thể hạn mức bảo hiểm tiền gửi mà giao Thủ tướng Chính phủ quy định.

Ủy ban Kinh tế tán thành với quy định nói trên vì cho rằng, quy định này nhằm đảm bảo tính linh hoạt khi áp dụng trong điều kiện nền kinh tế nhiều biến động. Tuy nhiên, Ủy ban này lưu ý cần quy định rõ nguyên tắc, tiêu chí để tính toán, xác định mức phí bảo hiểm và hạn mức bảo hiểm tiền gửi ngay trong dự thảo Luật và giao Thủ tướng Chính phủ quy định cụ thể.

Thu Hằng

Giá cho tổ chức nước ngoài thuê đất quá thấp

Nghe báo cáo tổng kết dự án trồng mới 5 triệu ha rừng, nhiều Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội đồng tình với thẩm tra của Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường, dù đạt nhiều kết quả quan trọng nhưng một trong những hạn chế là việc cho thuê đất lâm nghiệp đối với nhà đầu tư nước ngoài còn có nhiều vấn đề bất cập, gây bức xúc trong dư luận. Giá thuê đất lâm nghiệp cho tổ chức nước ngoài thuê là quá thấp (bình quân khoảng 180 nghìn đồng/ha) trong khi người dân địa phương vẫn có nhu cầu nhận đất để trồng rừng. Một số địa phương còn có tình trạng cấp giấy chứng nhận đầu tư ở những địa bàn trọng điểm về quốc phòng, an ninh hoặc cấp giấy chứng nhận đầu tư trên cả những diện tích đất rừng đã giao cho hộ gia đình quản lý