Phát triển kinh tế - xã hội năm 2011: An sinh xã hội cơ bản được bảo đảm

03/10/2011
Các báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội; dự toán ngân sách năm 2011, dự kiến kế hoạch năm 2012; tình hình kinh tế xã hội - ngân sách 5 năm 2006 - 2010 và dự kiến kế hoạch 5 năm 2011 - 2015; tình hình thực hiện vốn trái phiếu Chính phủ, chương trình mục tiêu quốc gia năm 2011, dự kiến kế hoạch năm 2012 và giai đoạn 2011 - 2015 đã được đưa ra phiên họp thứ hai của UBTVQH cho ý kiến  vào cuối tuần qua.

Năm 2012: Chỉ số giá tiêu dùng phải được kiểm soát ở mức một con số

Tại phiên họp, nhiều Ủy viên Ủy ban TVQH đồng tình với nhận định của Ủy ban Kinh tế: Trong bối cảnh kinh tế thế giới tiếp tục có nhiều biến động phức tạp, nền kinh tế nước ta vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế khoảng 5,8% - 6% là sự cố gắng lớn và những vấn đề bất ổn kinh tế vĩ mô của những tháng đầu năm 2011 bước đầu đã chuyển biến theo hướng tích cực. An sinh xã hội về cơ bản được bảo đảm, nhất là ở khu vực nông thôn....

Tuy nhiên, trong số 6/22 chỉ tiêu dự báo không hoàn thành, hai chỉ tiêu quan trọng là tốc độ tăng trưởng kinh tế thấp hơn năm 2010 và chỉ số giá tiêu dùng tăng cao so với nhiều lần điều chỉnh theo điều hành của Chính phủ trong những tháng đầu năm “nền kinh tế nước ta đang phải đối mặt với ổn định kinh tế vĩ mô chưa vững chắc và dấu hiệu trì trệ trong tăng trưởng”, Ủy ban Kinh tế nhận định.

Nhấn mạnh một số chỉ tiêu trong năm 2012, trong đó có tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng phải được kiểm soát ở mức một con số; Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2012 khoảng từ 6% - 6,5% ; Bội chi ngân sách dưới 4,5% GDP, đảm bảo nợ công không quá 60% GDP.

Tuy nhiên, chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý nêu những “bệnh” cũ vẫn còn tồn tại từ nhiều năm nay. “Tới đây sửa Hiến pháp, tôi đề nghị xem xét tính pháp lý và căn cứ xử lý trách nhiệm điều hành của việc xây dựng và thực hiện chỉ tiêu”, ông Lý nói.

Còn Chủ nhiệm UB Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển dứt khoát: nhất định không để xảy ra khủng hoảng nợ công vì ông lo ngại, “Bội chi của ta là về cơ cấu, rất nguy hiểm”.

Nhất trí tăng lương tối thiểu

Báo cáo thẩm tra sơ bộ dự toán ngân sách nhà nước năm 2012 , Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách đã nhất trí với Chính phủ về phương án tăng lương tối thiểu lên mức 1.050.000 đồng và đề nghị phụ cấp công vụ cần nâng ở mức tối thiểu là 25%.

Theo phương án của Chính phủ, với tăng trưởng 6,5%, tổng chi ngân sách Trung ương thực hiện cải cách tiền lương là 49.300 tỷ đồng, để điều chỉnh lương tối thiểu từ 830.000 đồng lên 1.050.000 đồng, tăng 220 nghìn đồng, tương đương 26,5%. Mức tăng này cũng được áp dụng cho lương hưu và trợ cấp.
Cũng có nhiều ý kiến cho rằng nên tăng lương tối thiểu lên 1,1 triệu đồng vì đời sống cán bộ công chức hiện nay rất khó khăn. Tuy nhiên theo tính toán của Chính phủ nếu tăng ở mức này ngân sách sẽ khó “chịu đựng” vì còn phải dành nhiều nguồn cho các khoản chi khác.

Thực hiện phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2012, Ủy ban này đề nghị ưu tiên số 1 là chi đầu tư cho con người, trước hết là chi lương và các khoản chi có tính chất lương, bảo đảm chi cho an sinh xã hội và các đối tượng chính sách xã hội.

Bình An

Ngay sau khi kết thúc phiên họp thứ 2, tuần này Ủy ban thường vụ Quốc hội tiếp tục phiên họp thứ ba với nhiều nội dung quan trọng như xem xét các báo cáo của Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC, Báo cáo của Chính phủ về giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân năm 2011; công tác thi hành án, về tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật và công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2011; Nghe báo cáo tổng kết dự án trồng mới 5 triệu ha rừng; việc chuẩn bị kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIIII; về dự kiến chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội năm 2012; Nghe báo cáo về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2011 và cho ý kiến vào một số dự án Luật trong đó đáng chú ý có dự án Bộ luật Lao động sửa đổi; Luật Xử lý vi phạm hành chính và Luật Biển Việt Nam.