Sửa đổi Luật Giáo dục: Bộ trưởng chưa được quyền lập trường Đại học

26/11/2009
Hôm qua (ngày 25/11), Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục; Luật Thuế tài nguyên và thảo luận tại hội trường về Dự án Luật Trọng tài thương mại.

Miễn thuế với hải sản tự nhiên

Báo cáo giải trình, tiếp thu chỉnh lý Dự án Luật Thuế tài nguyên, UBTVQH cho rằng, về nguyên tắc, hải sản vẫn là đối tượng chịu thuế tài nguyên nhưng trước mắt nên miễn thuế đối với hải sản tự nhiên vì với điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt, việc khai thác, đánh bắt hải sản, nhất là đánh bắt xa bờ là lĩnh vực rủi ro lớn. Đặc biệt, đời sống ngư dân hiện còn nhiều khó khăn. Mặt khác, thời gian qua, mặc dù hải sản là đối tượng chịu thuế nhưng về cơ bản, Nhà nước chưa thu được thuế, số nợ đọng thuế lớn. Vì vậy, UBTVQH đề nghị quy định miễn thuế tài nguyên đối với hải sản tự nhiên.

 Về sản phẩm của rừng tự nhiên: UBTVQH cho biết, có ý kiến đề nghị không thu thuế đối với củi, cành, vầu, tre, nứa, trúc… do đây là các loại cây tái tạo, giá trị không cao. Tuy nhiên,   UBTVQH cho rằng, các sản phẩm này vẫn là tài nguyên. Do vậy, đối với các tổ chức, cá nhân khai thác tài nguyên này để phục vụ sản xuất, kinh doanh thu lợi nhuận thì phải thực hiện nghĩa vụ nộp thuế.

Luật Thuế tài nguyên mới cũng có những quy định về miễn, giảm thuế  đối với sản phẩm của rừng tự nhiên nói trên để tạo điều kiện sinh hoạt cho đồng bào dân tộc cũng phù hợp với thực tế hiện nay, đồng bào vẫn khai thác những sản phẩm này cho sinh hoạt hàng ngày mà không bị đánh thuế.

Ngoài sản phẩm rừng tự nhiên, UBTVQH sẽ xem xét quyết định các loại tài nguyên khác được miễn, giảm.

Giữ nguyên quy định về thẩm quyền thành lập trường Đại học

Với tỷ lệ tán thành khá thấp (chỉ trên 62%) Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục cũng đã được thông qua trong sáng qua.

Mặc dù còn nhiều băn khoăn, song theo đánh giá của UBTVQH, Dự thảo Luật đã trình cũng đã tập trung giải quyết được ở mức độ nhất định một số vấn đề bức xúc hiện nay như: phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi; bổ sung một số quy định chặt chẽ hơn về việc biên soạn chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa. Xác định trách nhiệm của người đứng đầu các cơ sở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp phải bảo đảm có đủ giáo trình giảng dạy, học tập. Bổ sung các quy định về yêu cầu công khai tiêu chuẩn chất lượng giáo dục, kiểm định chất lượng giáo dục và xác định rõ nội dung quản lý nhà nước về kiểm định chất lượng giáo dục; tách bạch hơn điều kiện thành lập nhà trường và điều kiện cho phép hoạt động giáo dục...

Riêng về thẩm quyền thành lập trường Đại học, UBTVQH cho biết: Kết quả tổng hợp phiếu xin ý kiến các đại biểu Quốc hội cho thấy, ý kiến các đại biểu còn rất khác nhau, chưa đủ điều kiện để Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp này. Bởi vậy, UBTVQH đề nghị trước mắt cho giữ quy định về thẩm quyền thành lập trường đại học của Thủ tướng Chính phủ như Luật Giáo dục hiện hành nhưng tăng cường trách nhiệm thẩm định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo và giao Chính phủ tiếp tục tổ chức thực hiện, sau đó tổng kết, đánh giá về vấn đề này để có cơ sở lý luận, thực tiễn thuyết phục hơn và sẽ trình Quốc hội quyết định vào một dịp thích hợp khác.

Mở rộng là “quá sức”

Hai phương án về thẩm quyền giải quyết các tranh chấp của trọng tài thương mại, theo dự thảo Luật Trọng tài thương mại là giải quyết tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại; tranh chấp phát sinh giữa các bên trong đó ít nhất một bên có hoạt động thương mại; tranh chấp giữa các bên phát sinh không từ hoạt động thương mại đã được quy định ở các Luật khác. Phương án hai, cho phép trọng tài thương mại được giải quyết các tranh chấp liên quan đến quyền và lợi ích của các bên phát sinh từ nghĩa vụ hợp đồng hoặc nghĩa vụ ngoài hợp đồng có thể được giải quyết bằng Trọng tài.

Tuy nhiên, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) cho rằng, cả hai phương án mà dự luật đưa ra đều quá sức với đội ngũ và trình độ năng lực của Trọng tài viên hiện có. Một số đại biểu khác cho rằng mở rộng như Dự thảo sẽ gây ra tình trạng không thống nhất giữa các văn bản luật, dẫn tới khó khăn trong áp dụng.

Về việc cho phép Hội đồng trọng tài được áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, nhiều đại biểu tán thành quy định này, cho rằng trong bối cảnh hiện nay, không nhất thiết mọi tranh chấp phải giải quyết bằng con đường Tòa án với nhiều thủ tục tố tụng chặt chẽ, phức tạp. Tuy nhiên, đại biểu Trần Thị Hồng (Hà Nam) đề nghị phải làm rõ, Chủ tịch hội đồng trọng tài hay cả Hội đồng trọng tài được quyền quyết định biện pháp khẩn cấp tạm thời.

Hà Anh