Quốc hội thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh: Bác sỹ công không được thành lập bệnh viện tư

24/11/2009
Cùng với Luật Khám bệnh, chữa bệnh, trong chương trình làm việc hôm qua (23/11), với đa số ý kiến tán thành Quốc hội đã thông qua 4 Dự án luật khác là: Luật Người cao tuổi; Luật Viễn thông; Luật Tần số vô tuyến điện và Luật Dân quân Tự vệ.

Chỉ được phép thành lập phòng khám tư

Trong các điều cấm đối với cán bộ, công chức, viên chức ngành y tế của Luật Khám bệnh, chữa bệnh vừa được Quốc hội thông qua, đáng lưu ý là quy định cấm tham gia thành lập hoặc tham gia quản lý, điều hành bệnh viện tư hoặc các cơ sở khám chữa bệnh (KCB).

 Theo UBTVQH, việc quy định như trên là phù hợp với quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng và Luật Cán bộ, công chức. Quy định như vậy, cán bộ, công chức, viên chức y tế vẫn được phép thành lập phòng khám tư và được phép làm việc ngoài giờ tại các cơ sở KCB tư theo hợp đồng. Như vậy, sẽ tạo điều kiện để tiếp tục sử dụng trình độ chuyên môn của cán bộ y tế, đáp ứng nhu cầu KCB của cộng đồng dân cư, nhất là trong tình trạng sẽ còn một thời gian khá dài nữa mới đáp ứng đủ nhu cầu nhân lực y tế phục vụ cho công tác KCB.

Ngoài ra, Luật cũng nghiêm cấm người hành nghề y, bác sĩ bán thuốc cho bệnh nhân dưới mọi hình thức, trừ y bác sĩ đông y và những người có bài thuốc cổ truyền.

Luật Khám bệnh, chữa bệnh có hiệu lực từ 01/01/2011.

Thọ 100 tuổi được Chủ tịch nước tặng quà

Thông qua Luật Người cao tuổi, đáng chú ý nhất là quy định người từ 80 tuổi trở lên được nhận trợ cấp hàng tháng (thay vì 85 tuổi như quy định hiện hành). Các đối tượng được hưởng chính sách bảo trợ xã hội bao gồm: Người cao tuổi thuộc hộ gia đình nghèo không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng hoặc có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng nhưng người này đang hưởng chế độ trợ cấp xã hội hằng tháng và người từ đủ 80 tuổi trở lên không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng.

Đối với người thọ 100 tuổi, Luật quy định sẽ được Chủ tịch nước chúc thọ và tặng quà. Người thọ 90 tuổi được Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chúc thọ và tặng quà. UBND xã, phường, thị trấn phối hợp với Hội người cao tuổi tại địa phương, gia đình của người cao tuổi tổ chức mừng thọ người cao tuổi ở tuổi 70, 75, 80, 85, 90, 95 và 100 tuổi trở lên.

 Luật Người cao tuổi có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2010, riêng chính sách bảo trợ xã hội đối với người cao tuổi quy định tại khoản 2 Điều 17 của Luật này được thực hiện từ ngày 01/01/2011.

Ưu tiên sử dụng tần số vô tuyến điện ở vùng khó khăn

Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Điều 4 Luật Tần số vô tuyến điện quy định về các chính sách của Nhà nước về tần số vô tuyến điện. Theo đó, ưu tiên phát triển nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, kỹ thuật để bảo đảm quản lý, sử dụng hiệu quả tần số vô tuyến điện; Ưu tiên sử dụng tần số vô tuyến điện ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo và phục vụ quốc phòng, an ninh, phòng chống thiên tai, dịch bệnh; Ưu tiên, khuyến khích việc nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ sử dụng hiệu quả phổ tần số vô tuyến điện; Khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức tham gia đăng ký vị trí quỹ đạo vệ tinh theo quy định của pháp luật.

Về Ủy ban tần số vô tuyến điện, thực tế cho thấy việc thành lập Ủy ban là cần thiết, và mặc dù Ủy ban đã tồn tại được 20 năm nay, tuy nhiên, UBTVQH cho rằng, không cần thiết phải quy định thành một điều riêng trong luật (khi cần Thủ tướng Chính phủ có thể quyết định thành lập). Do đó, Luật được thông qua đã không còn quy định này.

Tương tự, với Luật Viễn thông, nhà nước tạo điều kiện thuận lợi để phát triển cơ sở hạ tầng viễn thông và cung cấp dịch vụ viễn thông đối với vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển viễn thông giữa các vùng, miền; Luật cũng cho phép thành lập Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam.

Tình nguyện dân quân tự vệ: có thể phục vụ đến 50 tuổi

Theo Luật Dân quân tự vệ, độ tuổi thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ trong thời bình: Công dân nam từ đủ 18 tuổi đến hết 45 tuổi, công dân nữ từ đủ 18 tuổi đến hết 40 tuổi có nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ; nếu tình nguyện phục vụ trong lực lượng Dân quân tự vệ thì có thể đến 50 tuổi đối với nam, đến 45 tuổi đối với nữ.

Quy định này, theo UBTVQH, nhằm bảo đảm chất lượng cho tổ chức, huấn luyện, hoạt động của Dân quân tự vệ, tạo nguồn nhân lực cho quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân địa phương và bổ sung lực lượng cho bộ đội địa phương khi cần thiết

Cũng theo Luật mới thông qua, cấp xã ven biển, xã đảo có phương tiện hoạt động trên biển thì tổ chức tiểu đội, trung đội dân quân biển. Cơ quan, tổ chức có phương tiện hoạt động trên biển thì tổ chức tiểu đội, trung đội, hải đội, hải đoàn Tự vệ biển.

Luật Dân quân tự vệ có hiệu lực từ 1/7/2010.

Thu Hằng