2 tháng thực hiện Luật Giao thông đường bộ từ góc nhìn của cảnh sát giao thông: Khó khăn sẽ được giải quyết khi văn bản hướng dẫn luật có hiệu lực

03/09/2009
Luật Giao thông đường bộ năm 2008 tính đến nay đã đi vào cuộc sống vừa được 2 tháng, với nhiều điều luật mới nhằm kiểm soát chặt hơn các hành vi vi phạm an toàn giao thông. Nhưng đi kèm với đó cũng là những khó khăn đã và đang được đặt ra trước các đơn vị thực thi pháp luật, nhất là lực lượng cảnh sát giao thông. Báo Pháp luật Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn với Thiếu tướng Đỗ Đình Nghị - Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông đường sắt – đường bộ về vấn đề này.

- Thưa ông, tính đến thời điểm này Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đã có hiệu lực được hai tháng. Ông có đánh giá gì về tình hình chấp hành luật của người dân và công tác theo dõi thực thi luật, xử phạt của lực lượng cảnh sát giao thông thời gian qua theo luật mới?

- Thiếu tướng Đỗ Đình Nghị: Trước khi Luật Giao thông đường bộ có hiệu lực ngày 01/7/2009, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật đã được đẩy mạnh trên toàn quốc, nhất là những nội dung mới được sửa đổi, bổ sung trong luật. Bộ Công an đã tập huấn, quán triệt và có kế hoạch chỉ đạo lực lượng công an nhân dân, nhất là lực lượng cảnh sát giao thông, cảnh sát trật tự và các lực lượng cảnh sát khác tại địa phương tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính, tập trung vào các tuyến đường địa bàn trọng điểm, các đầu mối giao thông phức tạp, các đối tượng và hành vi chủ yếu gây tai nạn giao thông. Do vậy, ý thức chấp hành pháp luật về giao thông đường bộ của người tham gia giao thông đã được nâng lên.

Qua gần 2 tháng thực hiện (từ 01/7 đến ngày 12/8), lực lượng cảnh sát giao thông toàn quốc đã kiểm tra, xử lý 593.164 trường hợp vi phạm Luật GTĐB, nộp Kho bạc Nhà nước 199 tỷ 45 triệu đồng; tước giấy phép lái xe 14.920 trường hợp, tạm giữ 2.016 xe ôtô, 88.116 xe môtô, xe máy. Đặc biệt, đã có 4.924 lượt cán bộ chiến sĩ cảnh sát giao thông không nhận tiền của lái xe, chủ hàng vi phạm, lập biên bản thu 131,09 triệu đồng.

- Luật Giao thông đường bộ năm 2008 với khá nhiều quy định mới, chặt chẽ hơn nhằm đảm bảo tối đa về an toàn giao thông. Nhưng đi kèm với đó là các hành vi bị xử phạt và các chế tài xử phạt cũng sẽ tăng lên rất nhiều, đòi hỏi lực lượng công an phải nỗ lực tối đa. Từ thực tế áp dụng Luật Giao thông đường bộ mới, ông có nhận xét gì về tính khả thi của đạo luật trong thực tiễn và ngành công an đang gặp những vướng mắc cơ bản gì trong việc thực thi luật?

- Thiếu tướng Đỗ Đình Nghị: Luật GTĐB năm 2008 được ban hành trên cơ sở tổng kết 6 năm thực hiện Luật GTĐB năm 2001. Từ thực tiễn các địa phương, các ngành và hàng chục lần tham gia, thảo luận trước khi được thông qua nên có thể nói, Luật GTĐB năm 2008 đã đáp ứng được yêu cầu công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường bộ mặc dù có rất  nhiều quy định mới được bổ sung, sửa đổi. Vì thế, qua 2 tháng thực hiện luật, về phía lực lượng cảnh sát giao thông, cơ bản chưa phát sinh khó khăn, vướng mắc gì lớn. Tuy nhiên, vì một số văn bản hướng dẫn thực hiện luật chưa được ban hành kịp, đồng bộ nên việc thực hiện một số nội dung mới đã gặp khó khăn. Nhưng, tôi tin rằng những khó khăn này sẽ được giải quyết triệt để khi các văn bản hướng dẫn được ban hành và có hiệu lực.

- Có ý kiến cho rằng, ngay với Nghị định 146, lực lượng cảnh sát giao thông cũng chưa xử phạt hết những hành vi vi phạm mà chỉ tập trung vào một số lỗi dễ thấy, hay mắc như vượt đèn đỏ, không đội mũ bảo hiểm, đèo ba bốn..., trong khi, tới đây khi Nghị định thay thế Nghị định 146 ra đời thì danh mục các hành vi vi phạm và chế tài sẽ tăng thêm rất nhiều. Ý kiến của ông về vấn đề này là như thế nào?

 - Thiếu tướng Đỗ Đình Nghị: Đã là Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ thì các hành vi vi phạm và chế tài xử phạt kèm theo nhất thiết phải được đề cập tới đầy đủ để tạo điều kiện cho những người thực thi pháp luật. Tuy nhiên, theo chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Công an, lực lượng cảnh sát giao thông khi tuần tra, kiểm soát phải tập trung phát hiện xử lý những hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây ra tai nạn giao thông như vi phạm tốc độ; tránh, vượt không đúng quy định; sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông; xe không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật; không đội mũ bảo hiểm khi đi môtô, xe máy... và các hành vi vi phạm gây mất trật tự an toàn giao thông đô thị như vượt đèn đỏ; đậu, đỗ không đúng quy định; đi vào đường cấm, đường ngược chiều... Nhưng, nói như thế không có nghĩa là các hành vi vi phạm khác sẽ bị bỏ qua, mà ngược lại vẫn sẽ bị xử phạt nghiêm minh đúng như quy định của pháp luật.

Sắp tới đây, khi Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ mới (thay thế NĐ 146) được ban hành và có hiệu lực, lực lượng cảnh sát giao thông sẽ triển khai thực hiện nghiêm túc và theo hướng như đã nói ở  trên.

- Xin cảm ơn ông!

Xuân Hoa (thực hiện)

Nghị định sẽ bắt đầu có hiệu lực thi hành từ quý IV năm nay

Ngày 20/8, Bộ Giao thông vận tải đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ thay thế Nghị định 146/2007/NĐ-CP. Dự thảo Nghị định đã điều chỉnh tăng mức phạt với các nhóm hành vi có nguy cơ cao gây tai nạn giao thông, nhằm mục đích răn đe, ngăn chặn. Bên cạnh đó, dự thảo Nghị định cũng giữ nguyên các quy định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ đối với các lực lượng cảnh sát khác và công an xã đối với một số hành vi vi phạm cụ thể. Theo dự kiến, quý IV năm nay, Nghị định sẽ bắt đầu có hiệu lực thi hành.