Không có cơ chế chia sẻ thông tin: Công chứng dễ nguy hiểm.

26/08/2009
Một “sổ đỏ” có thể được công chứng nhiều lần rồi đem bán cho nhiều người vì công chứng viên không biết về tình trạng pháp lý của tài sản.

Mò mẫm như người “đi đêm”

Trước đây, khi Luật Công chứng chưa ra đời, các Phòng công chứng đã “kêu” nhiều về chuyện chưa có cơ chế chia sẻ thông tin về tài sản giao dịch, khiến việc công chứng dễ gặp rủi ro.

Từ khi Luật Công chứng ra đời, với sự xuất hiện của các Văn phòng công chứng (VPCC) việc này càng trở nên cấp bách hơn. Nhiều công chứng viên của các VPCC (trước đây là luật sư, kiểm sát viên, thẩm phán…) mới được bổ nhiệm, kinh nghiệm chưa nhiều thì việc phát hiện “thật giả” là khó khăn vô cùng.

Ở Hà Nội đã từng xuất hiện trường hợp một sổ đỏ được giao dịch đến 2 lần. Mỗi lần được công chứng ở một VPCC khác nhau. Khi phát hiện, VPCC sau đã phải làm thủ tục hủy hợp đồng đã “chứng” trước đó.

Không có gì đảm bảo sẽ không xảy ra những trường hợp tương tự khi mà đến nay chưa có một cơ chế nào để các tổ chức hành nghề công chứng (gồm cả Phòng công chứng và VPCC) liên kết, chia sẻ thông tin về tài sản.

Theo công chứng viên Trần Quốc Khánh, Trưởng VPCC Lạc Việt thì về nguyên tắc, công chứng viên phải kiểm tra tính xác thực hợp lệ của sổ đỏ, nếu thấy nghi ngờ thì phải kiểm tra hoặc từ chối không công chứng. Tuy nhiên, khi được hỏi kiểm tra bằng cách nào, ông Khánh cho biết “bằng các mối quan hệ cá nhân”.

Nhưng, không phải ai cũng có thể kiểm tra bằng các mối quan hệ cá nhân, một công chứng viên thừa nhận, “nhiều công chứng viên lâu năm của các Phòng công chứng cũng “dấu nghề” lắm, không phải ai cũng vô tư “chia sẻ”, người này nói.

Một cách “kiểm tra” khác, theo ông Bùi Văn Dòn, Trưởng VPCC Đại Việt thì nếu thấy sổ đỏ có “vấn đề”, công chứng viên làm công văn hỏi cơ quan quản lý về nhà đất. Tuy nhiên, cho đến nay, ông Dòn thừa nhận, nhiều giao dịch đôi bên chưa thực hiện xong nghĩa vụ với nhau nên dù công chứng xong bên bán vẫn có thể giữ sổ đỏ. Hoặc sau khi làm hợp đồng chuyển nhượng, bên nhận chuyển nhượng lại nhờ bên chuyển nhượng đi đăng ký hộ. Trong những trường hợp này thông tin về tài sản cơ quan quản lý nhà đất cũng…chịu.

Liên kết “liên tỉnh”: khó hơn vạn lần.

Những khó khăn trong việc chia sẻ thông tin đối với các tổ chức hành nghề công chứng trong cùng một phạm vi tỉnh, TP đã khó, việc liên kết liên tỉnh còn khó hơn nhiều lần.

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 47 Luật Công chứng, trong trường hợp nhiều bất động sản thuộc các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác nhau cùng được thế chấp để bảo đảm thực hiện một nghĩa vụ thì việc công chứng hợp đồng thế chấp đó do công chứng viên của tổ chức hành nghề công chứng có trụ sở đặt tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có một trong số bất động sản thực hiện.

“Làm thế nào để biết tổ chức công chứng ở tỉnh A, tỉnh B, nơi có một trong số bất động sản đã thực hiện việc công chứng chưa, trong khi anh chỉ là công chứng viên “ngồi” tại Hà Nội”, ông Nguyễn Văn Vẻ, chuyên viên Vụ Bổ trợ tư pháp, Bộ Tư pháp đặt câu hỏi này với nhiều công chứng viên của Hà Nội. Tuy nhiên, câu trả lời là không có hoặc không rõ ràng.

Thì cứ cho rằng bằng quan hệ đồng nghiệp, tổ chức này có thể giúp đỡ tổ chức kia theo nguyên tắc “có đi có lại”. Tuy nhiên, việc tra cứu thông tin bằng phương pháp thủ công không thể đảm bảo sự chính xác và toàn diện.

Đại đa số các tổ chức hành nghề công chứng đều đề nghị Bộ Tư pháp, Sở tư pháp xây dựng một trung tâm dữ liệu phục vụ cho việc công chứng. Khi biết rõ về tình trạng pháp lý của tài sản (ví dụ khi công chứng một hợp đồng chuyển nhượng, công chứng viên phải biết sổ đỏ đó đã được chuyển nhượng hay cầm cố thế chấp ở đâu chưa…), thì các “rủi ro” sẽ được hạn chế.

Trước mắt, khi chưa xây dựng được cơ sở dữ liệu, các công chứng viên đề nghị cần tăng cường việc hướng dẫn, trao đổi nghiệp vụ giữa các tổ chức hành nghề công chứng cũng như với cơ quan quản lý trong lĩnh vực này. Đồng thời, cần thành lập hiệp hội công chứng ở các tỉnh, TP và ở TW để công chứng viên có một ngôi nhà chung, cùng giúp đỡ, chia sẻ cũng như bảo vệ quyền lợi cho họ trong những lúc họ khó khăn.

Thu Hằng

Ông Phạm Thanh Cao – Trưởng phòng Bổ trợ Tư pháp, Sở Tư pháp Hà Nội:

Kể cả TW chưa có hiệp hội công chứng thì Hà Nội cũng sẽ mạnh dạn làm. Hiện nay Sở Tư pháp đang xây dựng Đề án thành lập hiệp hội công chứng. Chúng tôi biết các tổ chức hành nghề công chứng của Hà Nội đang rất khó khăn vì không có cơ chế chia sẻ thông tin. Trong thời gian chờ đợi, không còn cách nào khác là các tổ chức tự phải liên kết với nhau để giải quyết các vấn đề về nghiệp vụ