Kỳ họp thứ 10, Quốc hội Khóa XI sẽ khai mạc ngày 17/10/2006

16/10/2006
Chiều 13/10, Văn phòng Quốc hội đã tổ chức họp báo giới thiệu Nội dung Chương trình kỳ họp thứ 10, Quốc hội Khóa XI. Đến dự cuộc họp báo có ông Bùi Ngọc Thanh, Chủ nhiệm VPQH; ông Nguyễn Sỹ Dũng, Phó Chủ nhiệm VPQH, cùng đông đảo các phóng viên trong nước và nước ngoài (có trụ sở tại Việt Nam).

Tại cuộc họp, ông Bùi Ngọc Thanh thông báo, Kỳ họp thứ 10, Quốc hội Khóa XI sẽ khai mạc ngày 17/10/2006 tại Hội trường Ba Đình, Hà Nội và dự định làm việc trong khoảng 1 tháng. Thời gian kỳ họp dự kiến chia làm hai giai đoạn: Giai đoạn 1 từ ngày 17/10 đến ngày 10/11 và giai đoạn 2 từ ngày 20/11 đến ngày 30/11. Quốc hội sẽ nghỉ 9 ngày giữa kỳ họp, từ ngày 11/11 đến ngày 19/11 để tạo thuận lợi cho việc tổ chức Hội nghị APEC.

Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ thảo luận về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước; nghe báo cáo công tác, báo cáo chuyên đề và thảo luận các chuyên đề giám sát; nghe báo cáo kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội và các vấn đề khác. Trong đó, Kỳ họp sẽ dành gần một nửa thời gian (12 ngày) cho công tác xây dựng pháp luật.

Về các vấn đề kinh tế - xã hội, Quốc hội sẽ xem xét các báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ và ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2006, từ đó sẽ quyết định phương hướng, nhiệm vụ và dự toán NSNN năm 2007 và phương án phân bổ NSNN Trung ương, địa phương năm 2007. Đặc biệt, Kỳ họp sẽ chú trọng đến các giải pháp chính sách đẩy mạnh phát triển sản xuất kinh doanh, kiềm chế tốc độ tăng giá, ổn định kinh tế vĩ mô, giải quyết có hiệu quả các vấn đề xã hội bức xúc, xóa đói giảm nghèo, cải cách hành chính, phòng, chống tham nhũng... Một số báo cáo chuyên đề của Chính phủ cũng sẽ đuợc các đại biểu đi sâu vào thảo luận và xem xét, đó là: Việc triển khai thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng; Tình hình giải quyết khiếu nại, tố cáo; Việc hoàn thành Dự án khí - điện - đạm Bà Rịa - Vũng Tàu; Công tác di dân tái định cư dự án thủy điện Tuyên Quang... Theo ông Bùi Ngọc Thanh, đây là những vấn đề mà Quốc hội, Chính phủ và nhân dân hết sức quan tâm.

Về công tác xây dựng pháp luật, dự kiến Quốc hội sẽ thông qua 11 dự án luật và 1 nghị quyết, bao gồm: Luật Quản lý thuế; Luật Dạy nghề; Luật Đê điều; Luật Đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài; Luật Công chứng; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật Lao động; Luật Chuyển giao công nghệ; Luật Bình đẳng giới; Luật Thể dục, thể thao; Luật về hiến. lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người; Luật Cư trú. Quốc hội cũng sẽ cho ý kiến về 6 dự án Luật: Luật Thuế thu nhập cá nhân; Luật Các vùng biển Việt Nam; Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Luật Phòng, chống bạo lực trong gia đình; Luật Phòng, chống các bệnh truyền nhiễm và Luật Tương trợ tư pháp.

Ngoài các phiên khai mạc, bế mạc Kỳ họp, nghe báo cáo kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri và trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội, ông Bùi Ngọc Thanh cho biết, Kỳ họp dự kiến sẽ truyền hình trực tiếp các phiên Quốc hội họp toàn thể tại Hội trường để nghe và thảo luận Báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về dự án trồng mới 5 triệu ha rừng, kết quả cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước...

(Theo website Chính phủ)