Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh: Thu nhập vượt mức bình quân của xã hội mới phải chịu thuế

13/10/2006
Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh: Thu nhập vượt mức bình quân của xã hội mới phải chịu thuế
"Mục tiêu của chúng ta là đánh thuế thu nhập cá nhân chứ không phải đánh thuế thu nhập cao. Mức thuế suất khởi điểm cũng đã hạ xuống 5%"- Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh nói.

Bên lề phiên Ủy ban TVQH thảo luận về dự án Luật thuế thu nhập cá nhân, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh đã trao đổi với báo giới về một số vấn đề đáng quan tâm ở dự án luật này.

Ông Ninh cho biết: Đại đa số các nước, Luật thuế thu nhập cá nhân của họ dựa trên quan điểm có thu nhập là phải nộp thuế, mức khởi điểm thường là rất thấp và người dân khi nộp thuế họ coi đó là nghĩa vụ và vinh dự. 

Nhưng ở ta chưa thực hiện được như vậy nên phải đưa ra ngưỡng nhất định, ngưỡng này theo quan điểm Chính phủ là vượt một mức nhất định trên mức thu nhập bình quân của xã hội mới đánh thuế, đó  là sự khác biệt so với các nước.

Thứ hai, trong quá trình thực hiện là quản lý thu nhập, muốn công bằng, hợp lý, động viên thu thì quản lý, kiểm soát thu nhập là điều cực kỳ quan trọng, nước nào cũng làm. Nên Chính phủ kiến nghị với Quốc hội cần có thêm gần 2 năm chuẩn bị  rồi mới thực hiện là vì lý do này.

Sau này, chúng ta kiểm soát được người chi trả với người thu nhập, ví dụ một đơn vị chi trả cho đối tượng nào thì ta quản lý thu nhập của đối tượng đó đối chiếu với nguồn chi trả thì có thể quản lý được thu nhập.

Thứ ba, phải tiến tới việc hầu hết các giao dịch phải thanh toán qua ngân hàng, đó  là điều kiện quan trọng để triển khai luật này. Thứ tư, phải có chương trình tổng thể hiện đại hoá, công nghệ hoá quản lý thuế, nối mạng doanh nghiệp, cá nhân với Nhà nước.

Năm 2009 mới thực hiện luật nhưng mức khởi điểm quy định ở dự thảo có tính đến yếu tố trượt giá từ nay đến 2009?

Khi xây dựng dự thảo chúng tôi đã tiếp cận nhiều cách để tính mức khởi điểm chịu thuế sau khi giảm trừ gia cảnh. Những yếu tố đó là tăng tiền lương, thu nhập bình quân xã hội (qua điều tra xã hội học), tốc độ tăng trưởng GDP và mức độ lạm phát.

Dựa trên các yếu tố này thì mức khởi điểm phải chịu thuế thu nhập sau khi chiết trừ gia cảnh từ 3 triệu đồng/ tháng là hợp lý nhưng trong dự thảo chúng tôi đã lấy mức từ 4 triệu đồng/tháng trở lên.

Hơn nữa, mục tiêu của chúng ta là đánh thuế thu nhập cá nhân chứ không phải đánh thuế thu nhập cao. Vì vậy mức thuế suất khởi điểm cũng đã hạ xuống 5% chứ không phải 10% như hiện hành. Sau này có thể sẽ hạ xuống mức 2%, 3%.

Tôi cũng muốn nói thêm là mục tiêu không phải là đánh vào người thu nhập thấp mà  là xác định nghĩa vụ, trách nhiệm của người nộp thuế với Nhà nước.

Ông có thể so sánh cụ thể hơn sự giống và khác nhau giữa Luật thuế thu nhập cá nhân của nước ta so với các nước?

Những nội dung trong dự thảo này cơ bản là phù hợp với các nước. Nhưng điểm khác là các nước trừ gia cảnh thấp hơn chúng ta nhiều, các nước chỉ trừ tượng trưng, ví dụ Trung Quốc chỉ cho chiết trừ gia cảnh khoảng 100 USD. Quan điểm của ta phải đủ ăn mới nộp thuế, còn ở họ cứ có thu nhập là nộp thuế.

Ngay tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhiều ý kiến đề nghị không đánh thuế với lãi tiền gửi tiết kiệm, ông thấy những ý kiến này có hợp lý?

Hiện nay với lãi suất tiền gửi tiết kiệm mới chỉ đánh một mức thuế rất thấp (5%). Tôi nghĩ không phải vì thuế mà ảnh hưởng đến huy động vốn từ tiền gửi tiết kiệm của các ngân hàng.

Bởi vì, nếu một người thu lãi từ tiền gửi tiết kiệm 6 triệu đồng/ tháng mà chỉ phải nộp thuế có 50.000 đồng thì tôi cho rằng không ảnh hưởng lắm. Chúng tôi cũng thiết kế dự thảo sao cho không ảnh hưởng đến Luật Ngân hàng, không phải công khai sổ tiết kiệm.

Nhiều ý kiến cho rằng không nên thu thuế đối với việc cho tặng, thừa kế hoặc bán nhà, đất không vì mục đích kinh doanh, ông có ủng hộ cách tiếp cận này?

Tinh thần là những trường hợp chuyển nhượng bất động sản chỉ vì mục đích chuyển chỗ ở mà không vì mục đích kinh doanh thì không thu thuế.                                                 

(Theo Tiền phong)