Chỉnh lý Dự luật đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài

29/09/2006
Ngày 27/9, tại buổi thảo luận hoàn thiện Dự thảo Luật đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, các đại biểu Thường vụ Quốc hội đã tập trung vào các chính sách, quy định cụ thể, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động của các doanh nghiệp dịch vụ xuất khẩu lao động.

 

Về các loại hình doanh nghiệp tham gia hoạt động đưa người lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc, tiếp tục có những loại ý kiến khác nhau. Một số đại biểu đồng tình với giải pháp giao Chính phủ quy định cụ thể các loại hình doanh nghiệp (kể cả doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài) được hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội trong từng giai đoạn và lộ trình hội nhập quốc tế.

Trong khi đó, vẫn có ý kiến cho rằng nếu doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài không được tham gia hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài sẽ hạn chế một phần nguồn lực, khả năng cạnh tranh và hạn chế sự lựa chọn của người đi làm việc ở nước ngoài vì doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có nhiều khả năng tìm kiếm thị trường, đào tạo lao động phù hợp với nước tiếp nhận lao động và cũng phù hợp với quy định của Luật doanh nghiệp vừa được Quốc hội thông qua.

Chính vì thế, có khả năng Dự luật trình lên Quốc hội thời gian tới sẽ không quy định cứng việc doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài không được tham gia hoạt động dịch vụ này.

Tuy nhiên, các đại biểu đề xuất là xuất khẩu lao động là một loại hình hoạt động hết sức đặc thù, nhạy cảm, liên quan trực tiếp cả một quá trình với người lao động Việt Nam khi ra nước ngoài làm việc và sử dụng họ khi trở về nước, không phải bất cứ doanh nghiệp nào cứ đăng ký là được tham gia hoạt động xuất khẩu lao động, vì vậy việc cho phép các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được tham gia hoạt động này cần được cân nhắc kỹ lưỡng, tiến hành từng bước phù hợp với điều kiện và khả năng quản lý của nhà nước.

Cho nên việc giao cho Chính phủ quy định cụ thể các loại hình doanh nghiệp được hoạt động dịch vụ xuất khẩu lao động là phù hợp.

Vấn đề được doanh nghiệp quan tâm là việc cấp giấy phép cũng được làm sáng tỏ. Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành hoạt động dịch vụ lao động xuất khẩu là một ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, tuy nhiên cũng phải tạo sự bình đẳng giữa các loại hình tổ chức đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài là: doanh nghiệp dịch vụ; doanh nghiệp nhận thầu; doanh nghiệp đưa lao động đi tu nghiệp sinh, thực tập tay nghề và tổ chức sự nghiệp. Quy định này cũng sẽ dễ thực hiện trong trường hợp một doanh nghiệp tham gia cả 2 hoặc 3 hoạt động nói trên.

Cũng như vậy, có đại biểu cho rằng để quản lý chặt chẽ việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài của các doanh nghiệp, cần thiết phải quy định cụ thể về thời hạn của giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài (có thể là 3 hoặc 5 năm), hết thời hạn nếu vẫn đủ điều kiện thì được cấp lại.

Tuy nhiên, đa số ý kiến thống nhất dự thảo luật đã quy định doanh nghiệp phải đổi giấy phép trong trường hợp được cấp lại đăng ký kinh doanh và có thể bị cơ quan nhà nước đình chỉ hoạt động có thời hạn, thu hồi giấy phép khi hoạt động không có hiệu quả, vi phạm pháp luật về đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, hoặc ngừng hoạt động...

Vì vậy không cần thiết phải quy định về thời hạn của giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, nhằm thể hiện chủ trương cải cách hành chính, giảm bớt phiền hà cho doanh nghiệp trong các thủ tục cấp phép. Để quản lý chặt chẽ hoạt động này, Nhà nước chỉ cần một cơ chế thanh tra, kiểm tra thường xuyên, định kỳ hoạt động của các doanh nghiệp, tổ chức đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng thống nhất số lượng chi nhánh của doanh nghiệp được hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài sẽ không vượt quá con số 3 để tránh khỏi tình trạng lộn xộn, vượt ra khỏi khả năng quản lý của nhà nước và tình trạng tiêu cực, lừa đảo trong lĩnh vực này mà không thể hạn chế được.

Ngoài ra có nhiều ý kiến cho rằng, dự thảo luật cần bổ sung quy định phân định rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, trách nhiệm cơ quan lãnh sự ở nước ngoài, của cơ sở y tế và đặc biệt của doanh nghiệp; quy định rõ việc thành lập, chức năng, quyền hạn của cơ quan cấp giấy phép, của tổ chức sự nghiệp, doanh nghiệp nhận thầu khi đưa lao động ra làm việc ở nước ngoài.

(Theo Thời báo Kinh tế Việt nam)