Giảm chuyện "trình Thủ tướng" nhờ Nghị định mới

28/09/2006
“Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư đã khẳng định một bước cải cách lớn: hầu hết các dự án đầu tư không phân biệt quy mô đều do ủy ban nhân dân tỉnh cấp”.

Ông Phạm Mạnh Dũng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho biết như vậy khi trao đổi với chúng tôi về nội dung Nghị định số 108/2006/NĐ-CP vừa được Chính phủ ban hành.

Thưa ông, một trong những văn bản hướng dẫn được cộng đồng doanh nghiệp chờ đợi, Nghị định số 108/2006/NĐ-CP hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư đã được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành. Vậy những nội dung cụ thể được trông chờ và triển khai như thế nào?

Để thi hành Luật Đầu tư, Nghị định số 108 là một trong những văn bản tiên quyết cùng một số nghị định khác như Nghị định về hình thức đầu tư BOT, BT, BOO; Nghị định về đầu tư của các nhà đầu tư Việt Nam đầu tư ra nước ngoài, về chuyển đổi các hoạt động của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ra các hình thức theo Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư.

Trong quá trình xây dựng Nghị định này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng chuyên gia các bộ, các ngành đã tham khảo ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế, các chuyên gia luật pháp quốc tế nước ngoài tại Việt Nam, vv... Thậm chí có lúc, Thủ tướng Chính phủ đã trực tiếp ngồi cùng ban soạn thảo để rà soát lại từng câu, từng điều, cho ý kiến để hoàn thành sớm nghị định này.

Theo ông, đâu là điểm nhấn quan trọng trong Nghị định mà cộng đồng nhà đầu tư được thụ hưởng?

Đó là quy định liên quan đến cải cách hành chính trong vấn đề cấp chứng nhận đầu tư.

Trước đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định và cấp giấy phép đầu tư, có phân cấp nhưng hết sức dè dặt. Gần 20 năm qua, việc phân cấp rất hạn chế, giới hạn cho các địa phương cấp dự án đầu tư nước ngoài dưới 5 triệu USD. Đến năm 2000, Hà Nội và Tp.HCM mới được mở rộng mức cấp phép là 15 triệu USD.

Đến nay, Nghị định đã khẳng định một bước cải cách lớn: hầu hết các dự án đầu tư không phân biệt quy mô đều do ủy ban nhân dân tỉnh cấp. Đây không đơn giản là một biện pháp tản quyền mà việc phân cấp này nằm trong chủ trương chung của cải cách hành chính. Nó sẽ nâng cao vai trò trách nhiệm của ủy ban nhân dân các địa phương trong quản lý hoạt động đầu tư.

Đây là chủ trương lớn, tạo điều kiện thực hiện một cửa, một đầu mối, một chỗ để thực hiện đầu tư tốt hơn, nhanh hơn. Đồng thời như vậy, các bộ ngành, đặc biệt là Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ hoạt động đúng chức năng là tập trung vào chính sách vĩ mô, đưa ra quy hoạch lớn (ngành, vùng...) thông tin, dự báo, xúc tiến, kiểm tra cũng như giám sát hoạt động đầu tư.

Ngay quy định về các dự án phải xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ cũng khác. Trước đây, thủ tục này diễn ra ở hầu hết các dự án, nhiều khi Thủ tướng thành người đi theo dự án đầu tư. Nay Thủ tướng chỉ xem xét dự án đó có nằm trong quy hoạch hay không, quy hoạch có rõ hay không, có quy hoạch chưa để từ đó đánh giá tác động dự án và quyết định cho phép có bổ sung vào quy hoạch hay không.

Tóm lại, đã có quy hoạch thì nhà đầu tư đều được làm mà không cần trình Chính phủ như trước đây.

Một trong những chủ đề "nóng" mà nhà làm luật thảo luận rất nhiều là "quy hoạch" lại những lĩnh vực đầu tư có điều kiện. Hướng dẫn mới của Chính phủ về vấn đề này ra sao, thưa ông?

Để tạo điều kiện cho nhà đầu tư hoạt động kinh doanh, mấu chốt quan trọng là tạo quyền tự do kinh doanh cho nhà đầu tư.

Trong nghị định mới, lĩnh vực đầu tư có điều kiện được ghi nhận cụ thể và rõ ràng, tránh tình trạng trước đây chúng ta hạn chế nhiều nhưng không trên cơ sở pháp lý nào cụ thể, chẳng hạn như đối với ngành xi măng. Có thể thấy việc công bố 14 lĩnh vực hạn chế đầu tư nêu trên đều phù hợp với cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia hiện nay.

Với những lĩnh vực "nhạy cảm", Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ đưa ra những "cam kết nền", không đưa ra bất cứ một biện pháp, điều kiện cụ thể nào. Trong thời gian tới, căn cứ vào khả năng hấp thụ cũng như dựa trên những biện pháp điều hành của nền kinh tế mà Nhà nước xem xét có nên mở cửa cho nhà đầu tư nước ngoài trong từng lĩnh vực cụ thể.

Tuy nhiên, đã có thời gian nhiều nhà đầu tư lo ngại rằng hệ thống pháp luật đầu tư nói chung còn mang nặng tính tiền kiểm hơn là hậu kiểm. Với việc ra đời văn bản hướng dẫn chính thức, ông có ý kiến gì về vấn đề này?

Thực ra, việc áp dụng hình thức kiểm tra, giám sát như thế nào không phải là cái tối cao, điều quan trọng hơn là hình thức nào sẽ đạt đến mức độ tốt nhất cho quản lý Nhà nước đối với doanh nghiệp và hoạt động đầu tư. Tinh thần của Luật Đầu tư là mở rộng một cách tự do trong quá trình gia nhập thị trường đối với đầu tư.

Chẳng hạn, thủ tục thẩm tra đối với dự án đầu tư rất đơn giản, chỉ thẩm tra các tiêu chí có đúng quy hoạch cứng hay không, mà không thẩm tra về lượng hoặc nguồn vốn.

Để Nghị định này đi vào cuộc sống, theo ông sẽ cần những bước triển khai gì trong thời gian tới?

Vấn đề thực hiện nghị định này như thế nào chính là tiền đề để Luật Đầu tư đi vào cuộc sống. Luật Đầu tư liên quan đến chính sách, cần có sự chỉ đạo mang tính chất Nhà nước.

Việc thành lập tổ công tác thi hành Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, trong đó việc thực hiện Luật Đầu tư là rất quan trọng. Ngoài ra, cũng cần các đợt tập huấn về hệ thống pháp luật đầu tư mới cho các nhà quản lý vì nếu chúng ta phân cấp cho địa phương mà không tạo năng lực cho họ thì tình hình sẽ tệ hơn hoặc dẫn đến tình trạng phá vỡ cơ cấu chung.

(Theo Thời báo Kinh tế Việt nam)