Thừa Thiên Huế triển khai công tác tư pháp năm 2018

15/01/2018
Thừa Thiên Huế triển khai công tác tư pháp năm 2018
Vừa qua, Sở Tư pháp tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức Hội nghị triển khai công tác tư pháp năm 2018. Đồng chí Đinh Khắc Đính – Tỉnh ủy viên – Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh tham dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

 
Năm 2017, công tác tư pháp tại địa phương đã hoàn thành nhiệm vụ đề ra, trong đó một số nhiệm vụ công tác chuyển biến tích cực, đạt kết quả cao. Hoạt động kiểm tra văn bản đã phát hiện sai sót, kịp thời chấn chỉnh, dần đưa công tác ban hành văn bản đi vào nề nếp. Công tác kiểm soát thủ tục hành chính được duy trì ổn định (mặc dù ở Trung ương có sự chuyển giao nhiệm vụ từ Bộ Tư pháp sang Văn phòng Chính phủ), góp phần nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực hộ tịch, chứng thực được quan tâm hướng dẫn kịp thời, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của người dân. Công tác thanh tra, kiểm tra được đổi mới, tổ chức chung đoàn kiểm tra các lĩnh vực thuộc chức năng, nhiệm vụ của Sở Tư pháp, góp phần giảm thiểu tối đa số lượng các đoàn kiểm tra tại các đơn vị cơ sở theo tinh thần Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 17/5/2017của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra. Công tác cải cách hành chính tiếp tục được tăng cường, 03 năm liên tục (2014 – 2016) Sở Tư pháp dẫn đầu vị trí trong bảng xếp hạng cải cách hành chính các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tư pháp vẫn còn một số khó khăn, hạn chế như: Một số địa phương vẫn ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong khi văn bản quy phạm pháp luật của cấp trên không giao thẩm quyền này, việc sai sót về thể thức, kỹ thuật trình bày văn bản vẫn còn tồn tại. Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật có lúc, có nơi chưa đi vào chiều sâu, chưa tạo được sự chuyển biến rõ rệt trong ý thức tôn trọng, chấp hành pháp luật. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong đăng ký và quản lý hộ tịch vẫn còn hạn chế. Việc thành lập Đoàn kiểm tra, các hoạt động kiểm tra, điều tra, khảo sát, thu thập, xử lý thông tin về tình hình thi hành pháp luật còn lúng túng. Các luật sư thực hiện cung cấp dịch vụ pháp lý trong các vụ việc tranh tụng còn ít so với các vụ án được xét xử tại địa phương; công tác phát triển các tổ chức hành nghề công chứng tại địa phương còn chậm so với quy hoạch.
Nhằm phát huy kết quả đạt được và khắc phục hạn chế năm qua, công tác năm 2018 chú trọng 6 nhóm nhiệm vụ trọng tâm, như: Tham mưu Ủy ban nhân dântỉnh tổ chức thực hiện hiệu quả kế hoạch xây dựng, thẩm định, góp ý văn bản quy phạm pháp luật. Đẩy mạnh công tác thi hành pháp luật, nhất là các luật mới. Củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, bảo đảm tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Triển khai đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng cung cấp các dịch vụ công trong lĩnh vực tư pháp. Thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm và đề xuất các giải pháp phòng ngừa, hạn chế hành vi vi phạm pháp luật trong các lĩnh vực tư pháp. Tiếp tục thực hiện các giải pháp cải cách hành chính, đổi mới quản lý, chỉ đạo, điều hành, lề lối làm việc, kỷ luật, kỷ cương hành chính; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong các hoạt động.  
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, đồng chí Đinh Khắc Đính – Tỉnh ủy viên – Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh ghi nhận và đánh giá cao những kết quả mà Sở Tư pháp đạt được trong năm 2017, đặc biệt là công tác lãnh đạo, chỉ đạo được thực hiện quyết liệt, kiên trì đã mang lại những kết quả tích cực. Đồng tình với phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu của công tác Tư pháp năm 2018 cũng như chia sẽ những khó khăn của ngành, đồng chí yêu cầu các cơ quan, địa phương tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm, như: Tham mưu Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện tốt các mặt công tác tư pháp, chú trọng công tác tổ chức thi hành pháp luật, nhất là các luật, bộ luật mới được ban hành; những lĩnh vực liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp. Báo cáo kịp thời, đồng thời tăng cường xử lý những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, trọng tâm là những vấn đề còn gây bức xúc, dư luận trong nhân dân. Trong tình hình thể chế trong một số lĩnh vực chưa đầy đủ, phải vừa làm, vừa nghiên cứu, phát hiện để đề xuất, kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền để hoàn thiện kịp thời. Nhiệm vụ của ngành Tư pháp ngày càng tăng với yêu cầu cao, trong khi biên chế không tăng mà còn giảm theo quy định, ngành cần tăng cường hơn nữa việc ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy mạnh cải cách hành chính để tăng năng suất, bảo đảm chất lượng, hiệu quả công việc./.
Nguyễn Thị Đào