Hà Nam: 100% ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tư pháp xã

02/11/2016
Hà Nam là một trong mười địa phương trên cả nước đang triển khai thực hiện Đề án “Cơ sở dữ liệu quốc gia về hộ tịch”, hướng tới nhiệm vụ cải cách thủ tục hành chính. Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động đăng ký khai sinh, đăng ký và quản lý hộ tịch sẽ góp phần thực hiện có hiệu quả cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm tối đã lợi ích, sự hài lòng của người dân.
Nhằm triển khai nhanh chóng, có hiệu quả việc thực hiện ứng dụng CNTT trong công tác hộ tịch, toàn tỉnh đã chú trọng vào hoạt động phổ biến, tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ, công chức tư pháp. Theo đó, hơn 150 cán bộ làm công tác hộ tịch tại sở Tư pháp, phòng tư pháp các huyện, thành phố, công chức tư pháp – hộ tịch xã, phường, thị trấn được tập huấn, triển khai phần mềm đăng ký khai sinh điện tử (ngày 7/9), và phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch dùng chung (28,29/9) theo hình thức trực tuyến do Cục Công nghệ thông tin (Bộ Tư pháp) tổ chức. Sau tập huấn, mỗi cán bộ được cấp một tài khoản cá nhân trên phần mềm đăng ký khai sinh, đăng ký và quản lý hộ tịch, phục vụ quá trình thực hiện tại địa phương, bảo đảm tính bảo mật cao. Bên cạnh tập huấn nghiệp vụ, để việc thực hiện ứng dụng CNTT phát huy hiệu quả, yêu cầu về cơ sở vật chất nhất thiết phải được bảo đảm. Ngày 12/10, sở Tư pháp tiến hành kiểm tra, rà soát tình hình thực hiện phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch trên địa bàn toàn tỉnh. Ghi nhận, tới thời điểm hiện tại, 116/116 xã, phường, thị trấn đều trang bị hệ thống máy tính riêng, có kết nối mạng internet cho công chức tư pháp – hộ tịch. Trong đó, 3 đơn vị Lý Nhân, Phủ Lý, Thanh Liêm trang bị máy mới, các đơn vị còn lại nâng cấp, sửa đổi trên hệ thống máy tính đã có sẵn.
Hiện nay, việc thực hiện đăng ký khai sinh điện tử đã được triển khai đồng bộ trên toàn tỉnh; công tác đăng ký, quản lý hộ tịch mới hoàn thành tập huấn, đang trong giai đoạn thử nghiệm, thực hành. Đối với việc đăng ký khai sinh điện tử, thông qua ứng dụng CNTT, kết nối dữ liệu với Bộ Công an, người dân ngay lập tức được cấp trực tiếp số định danh cá nhân, chỉ sau 2 đến 3 phút thao tác. Từ khi triển khai (1/10/2016) tới nay, toàn tỉnh đã có 924 trường hợp được cấp số định danh cá nhân thông qua đăng ký khai sinh điện tử. Cụ thể: Lý Nhân 267 trường hợp, Phủ Lý 208 trường hợp, Bình Lục 154 trường hợp, Duy Tiên 142 trường hợp, Kim Bảng 130 trường hợp, riêng huyện Thanh Liêm có 23 trường hợp do mới đồng bộ hệ thống máy tính cấp xã. Đối với những trường hợp trẻ đã được cấp giấy khai sinh trước thời điểm 1/10/2016 sẽ có phương án cấp số định danh bổ sung.
Khi chưa có chủ trương ứng dụng CNTT, công tác đăng ký khai sinh và quản lý hộ tịch ở một số địa phương vẫn thực hiện bằng phương pháp thủ công (viết tay). Phương pháp này có những hạn chế nhất định, công chức tư pháp - hộ tịch xã phải trực tiếp ghi vào giấy khai sinh, sổ đăng ký hộ tịch, biểu mẫu hộ tịch để cấp cho công dân, nên mất nhiều thời gian cho việc ghi chép. Không tránh khỏi nhiều trường hợp thông tin thiếu chính xác, sai chính tả, không đầy đủ các nội dung theo biểu mẫu quy định. Đặc biệt có trường hợp nội dung giữa các loại giấy tờ, sổ sách thiếu đồng nhất, gây khó khăn cho công tác quản lý hộ tịch của Ủy ban nhân dân cấp xã, phiền hà và ảnh hưởng đến quyền lợi của công dân. Mặt khác, trên thực tế, phổ biến nhiều trường hợp công dân phải di chuyển nhiều nơi cư trú, đồng thời dẫn đến các sự kiện hộ tịch cũng sẽ được đăng ký ở nhiều nơi khác nhau, khai sinh một nơi, kết hôn một nơi, khai tử một nơi. Nếu công tác hộ tịch vẫn được thực hiện bằng phương pháp thủ công thì các thông tin trên sẽ phân tán, không có sự kết nối với nhau. Điều này gây khó khăn cho cả công dân và cơ quan Nhà nước khi có yêu cầu kiểm tra, xác minh các biến động liên quan đến nhân thân một con người. Bên cạnh đó, công chức tư pháp – hộ tịch thường xuyên thay đổi đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc lưu trữ các dữ liệu đăng ký hộ tịch với phương pháp thủ công như: thất lạc, hư hỏng, bị mối, mọt do không được bảo quản cẩn thận, khi chuyển công tác không thực hiện bàn giao sổ hộ tịch và hồ sơ lưu về hộ tịch…
Như vậy có thể thấy rõ hiệu quả của ứng dụng CNTT vào công tác đăng ký khai sinh, đăng ký và quản lý hộ tịch, đã khắc phục được tất cả những hạn chế trên. Áp dụng CNTT trong đăng ký khai sinh đã tạo điều kiện thuận lợi trong nhập và tra cứu thông tin cũng như công tác thanh tra, kiểm tra và hướng dẫn ngiệp vụ. Đồng thời giúp công chức tư pháp – hộ tịch xử lý công việc một cách thuận tiện, nhanh chóng và hạn chế đáng kể những sai sót so với thực hiện theo cách thủ công. Bên cạnh đó, người dân cũng dễ dàng, thuận tiện khi thực hiện đăng ký khai sinh và yêu cầu bản sao, không mất thời gian chờ đợi./.
Cẩm Tú