Thái Nguyên: Tổng kết 05 năm thực hiện Nghị định số 55/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 của Chính phủ

25/10/2016
Nghị định 55/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế đã có hiệu lực thi hành được 5 năm. Thời gian qua, UBND tỉnh Thái Nguyên đã có nhiều hoạt động triển khai thực hiện Nghị định này.
Để triển khai thực hiện Nghị định, UBND tỉnh Thái Nguyên đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện như Quyết định số 2639/QĐ-UBND ngày 24/10/2011 phê duyệt Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị định số 55/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011, hàng năm đều ban hành Kế hoạch công tác pháp chế, đồng thời ban hành các văn bản chỉ đạo kiện toàn tổ chức pháp chế tại các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, trong đó có đề ra các mục tiêu như phấn đấu đến hết năm 2017, cơ bản các sở, ban, ngành thuộc UBND tỉnh thành lập được Phòng Pháp chế.
Tuy nhiên sau 5 năm triển khai thực hiện, việc kiện toàn bộ máy pháp chế  trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều gian nan. Đến nay tỉnh Thái Nguyên mới thành lập được 02 Phòng Pháp chế, tuy nhiên các phòng đã thành lập đều không thực hiện duy nhất nhiệm vụ pháp chế mà phải còn thực hiện nhiệm vụ chuyên môn khác (Phòng Thanh tra - Pháp chế thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo; Phòng Pháp chế - Tin học thuộc Sở Tài chính). Toàn tỉnh hiện có 20 cán bộ làm công tác pháp chế, trong đó chỉ có 04 người có trình độ chuyên môn Luật, số còn lại có trình độ đào tạo Đại học trở lên ở các ngành, lĩnh vực khác nhau. Việc kiện toàn, tổ chức, bố trí, sắp xếp nhân sự cho Phòng pháp chế hoặc cán bộ chuyên trách gặp rất nhiều khó khăn, toàn tỉnh chỉ có 05 cán bộ chuyên trách (thuộc 02 Phòng Pháp chế đã thành lập) còn lại thực hiện nhiệm vụ kiêm nhiệm. Tại các doanh nghiệp nhà nước trên địa bàn tỉnh hầu hết không có tổ chức pháp chế hoặc không cử cán bộ làm công tác pháp chế, một số ít bố trí cán bộ pháp chế dưới hình thức kiêm nhiệm do đó thông tin về hoạt động rất hạn chế.
  Về hoạt động của các tổ chức pháp chế mặc dù được giao rất nhiều nhiệm vụ quan trọng như: Xây dựng pháp luật, kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật, công tác bồi thường nhà nước, công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, công tác Kiểm soát thủ tục hành chính….  Nhưng thực tế chất lượng hoạt động của đội ngũ cán bộ pháp chế còn chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, sự phối kết hợp giữa pháp chế của các cơ quan chuyên môn, giữa cán bộ pháp chế với các bộ phận khác ngay trong nội bộ cơ quan, đơn vị khi tiến hành thực hiện các nhiệm vụ còn rất hạn chế. 
Nghành tư pháp với vai trò là đầu mối trong quản lý, đã tích cực tham mưu giúp UBND tỉnh chỉ đạo để kiện toàn tổ chức pháp chế thuộc các cơ quan chuyên môn, tổ chức bồi dưỡng, hướng dẫn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ pháp chế. Tuy nhiên do vậy chưa được hình thành một cách có hệ thống và có mối quan hệ chặt chẽ từ Trung ương đến địa phương, từ đó sự phối hợp giữa các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh với Sở Tư pháp cơ quan chủ trì thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về lĩnh vực này chưa rõ ràng; công tác phối hợp, theo dõi, đánh giá, quản lý, kiểm tra đội ngũ pháp chế không rõ ràng, thiếu chặt chẽ do đó hầu như không có sự đánh giá rõ ràng về kết quả thực hiện nhiệm vụ công tác pháp chế; bên cạnh đó công tác kiểm tra, hướng dẫn việc thực hiện công tác pháp chế hầu như còn bỏ ngỏ. Vì vậy hoạt động quản lý nhà nước về pháp chế còn thiếu chặt chẽ, hiệu quả chưa cao đã ảnh hưởng đến công tác quản lý cũng như triển khai nhiệm vụ thống nhất từ trung ương đến tỉnh.
Từ thực tế triển khai cho thấy nguyên nhân chủ yếu vẫn là chưa có sự thống nhất trong quy định pháp luật của Trung ương về thành lập phòng pháp chế, dẫn đến việc khó thực hiện ở địa phương, cụ thể là tại khoản 1 Điều 19 Nghị định số 55/2011/NĐ-CP có quy định thành lập phòng pháp chế ở 14 cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh hoặc bố trí cán bộ chuyên trách. Tuy nhiên, hiện nay các văn bản QPPL quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh không có quy định về việc thành lập phòng pháp chế; Việc quy định thành lập phòng pháp chế hoặc bố trí cán bộ chuyên trách nhưng không được bổ sung biên chế thậm chí là phải cắt giảm biên chế theo chủ trương chung.
  Để xây dựng, củng cố được hệ thống tổ chức pháp chế tại các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, trong báo cáo gửi Bộ Tư pháp, UBND tỉnh Thái Nguyên đã đưa ra một số đề nghị như cần quy định thống nhất về việc thành lập tổ chức pháp chế tại tại các văn bản pháp luật của Trung ương; quy định rõ hơn về cơ chế quản lý nhà nước về công tác pháp chế của Sở Tư pháp; Bổ sung, sắp xếp biên chế phù hợp để đảm bảo thực hiện nhiệm vụ này tại địa phương, đồng thời cần nghiên cứu sửa đổi tiêu chuẩn của người làm công tác pháp chế cho phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương./.
Đàm Huân