Sở Tư pháp An Giang thực hiện có hiệu quả công tác CCHC năm 2007

13/11/2007
Thực hiện Chương trình cải cách hành chính giai đoạn 2006 –2010 của tỉnh, Sở Tư pháp AG đã xây dựng Kế hoạch cải cách hành chính năm 2007 với trọng tâm là tập trung xây dựng và triển khai thực hiện các các nội dung chính của CCHC theo chỉ đạo của Bộ Tư pháp và UBND tỉnh; xây dựng và triển khai thực hiện các quy trình, thủ tục hành chính trong các lĩnh vực của ngành theo tiêu chuẩn ISO 9001:2000.

Góp phần thực hiện cải cách thể chế hành chính : Trong năm 2007, Sở Tư pháp đã nhận và thẩm định 141 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND tỉnh, tăng 3,5 lần so với kế hoạch, gồm: 43 dự thảo Nghị quyết của HĐND tỉnh;  77 dự thảo quyết định của UBND tỉnh; 21 dự thảo Chỉ thị của UBND tỉnh. Kết quả HĐND và UBND tỉnh đã ban hành 99 văn bản quy phạm pháp luật, gồm: 19 nghị quyết, 64 quyết định, 16 chỉ thị phục vụ cho yêu cầu quản lý Nhà nước của tỉnh trên các lĩnh vực: đất đai, nhà ở, tài nguyên môi trường, xây dựng, đầu tư, giao thông vận tải, giáo dục, y tế, công nghệ thông tin, thương mại dịch vụ, tổ chức bộ máy Nhà nước ở địa phương; Sở Tư pháp đã tổ chức kiểm tra được 205 văn bản do HĐND, UBND cấp huyện trên địa bàn tỉnh An Giang ban hành gồm: 34 nghị quyết, 135 quyết định, 36 chỉ thị. Nhìn chung, văn bản do HĐND, UBND cấp huyện được ban hành đúng thẩm quyền, nội dung và hình thức phù hợp với pháp luật đã góp phần đáng kể trong việc tổ chức, thực hiện các quy định của Trung ương cũng như của HĐND, UBND tỉnh An Giang. Qua công tác kiểm tra, Sở Tư pháp đã phát hiện một số trường hợp văn bản có chứa đựng quy phạm pháp luật nhưng được ban hành dưới hình thức văn bản hành chính đã được Sở Tư pháp kiến nghị xử lý hủy bỏ; Sở Tư pháp đã chủ động tập hợp 655 văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang ban hành theo thẩm quyền hiện còn hiệu lực; Thực hiện chỉ đạo của Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp tổ chức rà soát các văn bản nói trên với quy định của Luật Cư trú; tổ chức rà soát văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh để thực hiện các cam kết của Việt Nam khi gia nhập tổ chức thương mại Thế giới (WTO).

Nhìn chung, chất lượng văn bản ban hành được nâng lên một bước về thể thức, kỹ thuật trình bày văn bản, hình thức, nội dung của văn bản, ngôn ngữ văn bản, tính minh bạch của văn bản. Từ đó, văn bản quy phạm do HĐND và UBND tỉnh ban hành có tính khả thi và sớm đi vào đời sống xã hội, góp phần phục vụ nhiệm vụ quản lý, điều hành, giám sát của HĐND, UBND cũng như của các cơ quan chuyên môn trong thực hiện Nghị quyết của tỉnh ủy, chương trình công tác của UBND tỉnh, thực hiện các nhiệm vụ, chỉ tiêu trong phát triển kinh tế - xã hội theo kế hoạch  năm 2007 của UBND tỉnh An Giang.

Kết quả thực hiện cải cách thủ tục hành chính theo cơ chế “một cửa”: Sở đã xây dựng quy trình tiếp nhận, hướng dẫn hồ sơ, thủ tục yêu cầu công chứng theo hướng đơn giản, thủ tục rõ ràng đảm bảo nâng cao chất lượng phục vụ theo tinh thần cải cách thủ tục hành chính. Trong năm 2007, 02 Phòng công chứng thuộc Sở đã thực hiện 42.614 việc với 208.092 văn bản, thu lệ phí  1.239.515.000 đồng (đạt 126,5%); cấp huyện đã chứng thực được 67.841 việc; cấp xã chứng thực 110.849 việc.

 Sở đã xây dựng và đua vào khai thác phần mềm cơ sở dữ liệu về hộ tịch để cung cấp và hướng dẫn cấp huyện, cấp xã thống nhất áp dụng trong tỉnh để phục vụ cho công tác đăng ký, quản lý hộ tịch.  Kết quả trong năm 2007, Sở Tư pháp đã thực hiện 8.768 vụ việc về hộ tịch, thu lệ phí 727.662.000 đồng (đạt 181%). Trong đó có 1.971 phối hợp với các cơ quan có liên quan như: Phòng Hồ sơ, Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh An Giang, Phòng Nội chính thuộc UBND tỉnh giải quyết theo quy trình cải cách hành chính. Đã giải quyết đúng hạn 1.746 trường hợp (đạt 88,5%), trễ hạn 225 trường hợp (chủ yếu do khâu trình ký tại VP UBND tỉnh và xác minh hồ sơ taị CA tỉnh). Còn lại các hồ sơ khác thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Tư pháp đều được giải quyết đúng hạn.

 

Cải cách tổ chức bộ máy hành chính, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức :

Sở đã xây dựng quy chế tổ chức và hoạt động, đề xuất UBND tỉnh ban hành quy định QLNN trong lĩnh vực tư pháp trên địa bàn tỉnh; các Phòng, đơn vị trực thuộc Sở, Cơ quan thi hành án dân sự, các Phòng Tư pháp có quy chế tổ chức và hoạt động theo hướng dẫn của Sở phù hợp vớí nhiệm vụ của từng đơn vị; Hoàn chỉnh thủ tục đề nghị và đã được UBND tỉnh Quyết định thành lập Thanh tra Sở Tư pháp theo Nghị định 74/2006/NĐ-CP của Chính phủ; Xây dựng xong dự thảo các Quy trình thực hiện trình tự, thủ tục hành chính trong hoạt động Công chứng, Hộ tịch; Quy trình xây dựng, thẩm định văn bản; Quy trình bán đấu giá tài sản; Quy trình giải quyết hồ sơ thi hành án; Quy trình tiếp dân và giải quyết khiếu nại; Quy chế quản lý, sử dụng tài sản nhà nước của cơ quan thi hành án; các Quy trình, thủ tục hành chính khác theo tiêu chuẩn ISO 9001:2000.  Theo đó, trình tự, thủ tục giải quyết các loại việc có liên quan trong ngành tư pháp được quy định tương đối rỏ ràng, giảm bớt một số thủ tục, giấy tờ không cần thiết, giảm bớt thời gian thực hiện, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân trong quan hệ và thực hiện các yêu cầu về thủ tục hành chính tư pháp; đồng thời tạo điều kiện cho nhân dân giám sát hoạt động của cơ quan và công chức trong ngành;

Sở Tư pháp đã có nhiều cải cách trong việc tổ chức hội họp. Các cuộc Hội, họp, lễ hội, kỷ niệm ngày truyền thống do Sở Tư pháp tổ chức trên tinh thần thực sự tiết kiệm, không phô trương, hình thức, không tổ chức tiệc tùng, ăn uống rình rang, tặng quà, lãng hoa...Lãnh đạo sở dành nhiều thời gian để xuống cơ sở, nắm tình hình và cho ý kiến chỉ đạo trực tiếp  đối với những vấn đề vướng mắc thuộc phạm vi giải quyết của Sở, hạn chế bớt các cuộc hội, họp không cần thiết. việc đi công tác, khảo sát, học tập kinh nghiệm; Lãnh đạo Sở chỉ cử cán bộ, công chức đi công tác khi có kế hoạch, mục đích, yêu cầu cụ thể.

Công tác bồi dưỡng, đào tạo, quy hoạch cán bộ được quan tâm và thực hiện tốt. Sở đã phối hợp với Sở Nội vụ xây dựng Kế hoạch mở lớp trung cấp Luật năm 2008; cử 03 Công chức dự thi nâng ngạch từ Chuyên viên lên Chuyên viên chính năm 2007; 02 Công chức quản lý cấp phòng thuộc Sở học lớp Cao cấp lý luận chính trị; Cử 01 cán bộ học Cao học luật; cử 05 cán bộ, công chức dự học các lớp trung cấp, cao cấp lý luận chính trị; Cử 15 công chức thi hành án học lớp quản lý nhà nước chương trình Chuyên viên; Cử 15 giám định viên tư pháp dự lớp bồi dưỡng pháp luật về giám định do Bộ Tư pháp tổ chức.

 Về Cải cách tài chính công, Sở Tư pháp xây dựng kế hoạch dự toán chi kinh phí hoạt động hàng tháng, quý, năm theo hạn mức được phân bổ, đảm bảo hiệu quả cao nhất cho hoạt động hành chính, chuyên môn của đơn vị, không được vượt quá định mức được cấp; Việc thực hiện Đề án khoán biên chế và kinh phí hoạt động được mở rộng phạm vi khoán, cụ thể : khoán chi sử dụng văn phòng phẩm; chi thanh toán tiền điện thoại; sách báo, vệ sinh, thuê tạp vụ.... Việc thanh toán chế độ công tác phí, bồi dưỡng làm thêm giờ phải tuyệt đối tuân thủ định mức, tiêu chuẩn, chế độ do nhà nước quy định và trên cơ sở thực tế; Thủ trưởng các Phòng, đơn vị trực thuộc được giao trách nhiệm kiểm tra, theo dõi giám sát việc sử dụng các khoản kinh phí khoán trực tiếp, đảm bảo sử dụng có hiệu quả nguồn kinh phí được giao khoán;

          Những kết quả đạt được trong hoạt động CCHC của ngành tư pháp AG năm 2007 đã góp phần tạo điều kiện để Sở Tư pháp An Giang thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn của ngành theo chỉ đạo của Bộ trưởng BTP và phục vụ có hiệu quả nhiệm vụ chính trị và mục tiêu phát triển KT-XH của địa phương. 

 Trần Hải Quân