Sở Tư pháp thành phố Đà Nẵng hoàn thành tốt 03 nhiệm vụ trọng tâm do UBND thành phố Đà Nẵng giao trong năm 2007

31/10/2007
Thực hiện Quyết định số 1448/QĐ-UBND về việc ban hành danh mục 03 nhiệm vụ trọng tâm cho các Sở, Ban ngành và UBND các quận, huyện thực hiện trong năm 2007, ngay từ đầu năm, Sở Tư pháp thành phố Đà Nẵng đã xây dựng Chương trình công tác năm 2007 trong đó tập trung triển khai thực hiện 03 nhiệm vụ trọng tâm mà UBND thành phố giao cho Sở và đến nay đã đạt được kết quả rất khả quan.

Nhiệm vụ trọng tâm thứ nhất mà Sở Tư pháp thành phố đã hoàn thành tốt trong năm 2007 là tăng cường chất lượng, hiệu quả công tác phổ biến giáo dục pháp luật, nâng cao văn hoá pháp lý trong cán bộ, công chức và nhân dân trên địa bàn thành phố. Tập trung thúc đẩy, đưa công tác giáo dục, tuyên truyền pháp luật đi vào chiều sâu, có trọng tâm, trọng điểm, gắn với chủ trương, chương trình phát triển KT-XH của thành phố. Để thực hiện nhiệm vụ trọng tâm này, năm 2007, Sở đã tham mưu UBND thành phố ban hành Quyết định số 1970/QĐ-UBND ngày 14/3/2007 (thay thế Quyết định số 150/2004/QĐ-UB) về việc thành lập Hội đồng Phối hợp công tác Phổ biến, giáo dục pháp luật thành phố Đà Nẵng, gồm 28 thành viên; ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng Phối hợp công tác Phổ biến, giáo dục pháp luật và ban hành Quyết định số 2731/QĐ-UBND ngày 10/4/2007 (thay thế Quyết định số 8417/QĐ-UB) công nhận báo cáo viên pháp luật thành phố với số lượng 70 báo cáo viên; Tập huấn, bồi dưỡng pháp luật và kỹ năng phổ biến, giáo dục pháp luật cho Báo cáo viên pháp luật và thành viên Hội đồng phổ biến, giáo dục pháp luật 07 quận, huyện. Đã trực tiếp tuyên truyền miệng các nội dung pháp luật được 35 buổi cho 8.500 người tham dự, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2006. Những nội dung pháp luật được tập trung tuyên truyền là: Luật Phòng chống, tham nhũng, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Thương mại, Luật Thanh niên, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Luật sư, Luật Công chứng, Nghị định 32/CP của Chính phủ về an toàn giao thông… Đặc biệt, để phục vụ cho cuộc bầu cử Quốc hội khoá XII, việc tuyên truyền Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội, Luật Bình đẳng giới… được quan tâm và triển khai với quy mô rộng, góp phần vào thành công chung của cuộc bầu cử trên địa bàn thành phố. Sở đã phối hợp với Báo Đà Nẵng trong việc duy trì thường xuyên chuyên mục “Pháp luật&công dân” trên các số báo ra ngày thứ 3, thứ 5 hàng tuần và nhiều nội dung pháp luật được đăng tải thông qua các chuyên mục không thường xuyên như “Giải đáp pháp luật”, “Vấn đề bạn quan tâm”, “An ninh trật tự”, “Trả lời thư bạn đọc”; Phối hợp với Đài Phát thanh-Truyền hình thực hiện 1.095 poster mục “Tìm hiểu pháp luật” (tăng 36 % so với cùng kỳ năm trước) mỗi ngày 3 lần trên sóng truyền hình về Bộ luật Hình sự, Bộ luật Dân sự, Luật Phòng chống tham nhũng, Pháp lệnh Bảo vệ bí mật Nhà nước... Phối hợp thực hiện các chuyên mục tìm hiểu pháp luật với 450 nội dung truyền thông pháp luật, 20 cuộc trao đổi, phỏng vấn, 12 phim chuyên đề, 60 phóng sự phản ánh, 80 câu chuyện pháp luật về an toàn giao thông, trả lời giải đáp pháp luật 240 đơn thư trên sóng phát thanh truyền hình về đất đai, thừa kế, tranh chấp lao động, hôn nhân gia đình, các chính sách người có công...; Phối hợp với Sở Giáo dục-Đào tạo tổ chức các lớp bồi dưỡng pháp luật cho giáo viên trong dịp hè 2007; Phối hợp với Sở Tài chính tham mưu trình UBND thành phố ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện Thông tư số 63/2005/TT-BTC của Bộ Tài chính; Phối hợp với Thành đoàn Đà Nẵng tổ chức Hội nghị tổng kết 05 năm hoạt động Câu lạc bộ 09; Phối hợp với Sở Văn hóa - Thông tin tiến hành kiểm tra việc quản lý, khai thác và sử dụng tủ sách pháp luật xã, phường trên địa bàn thành phố. Qua kiểm tra, báo cáo đề xuất UBND thành phố một số giải pháp để nâng cao hiệu quả sử dụng tủ sách pháp luật và hỗ trợ 600 đầu sách cho tủ sách pháp luật 56 xã, phường. Đối với công tác biên soạn tài liệu, Sở đã biên soạn, in ấn và phát hành 7.500 cuốn Sổ tay pháp luật dành cho cán bộ Tư pháp xã, phường; biên soạn, 10.000 cuốn tài liệu tuyên truyền về an toàn giao thông đường bộ; phát hành 3.500 tập tài liệu hỏi - đáp về Luật Phòng chống tham nhũng, Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; 20.000 tờ gấp (tăng 87% so với cùng kỳ năm 2006) tuyên truyền về Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Công chứng, Luật Cư trú, Luật HIV/AIDS, Pháp lệnh bảo vệ bí mật Nhà nước, Luật phòng chống ma túy, tội phạm. Năm 2007 cũng là năm đầu tiên Sở Tư pháp phát hành đặc san Tư pháp Đà Nẵng và đã thực hiện được 3 số với số lượng 500 cuốn/1 số; Tổ chức thu bài, chấm thi cuộc thi tìm hiểu Luật phòng chống tham nhũng và Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí để tổng kết trao giải cuộc thi vào cuối năm, với tổng số 48.543 bài tham gia dự thi; Tiếp tục biên soạn và thực hiện 4.100 phiếu khảo sát, điều tra xã hội học về kiến thức và nhu cầu tìm hiểu pháp luật của cán bộ, nhân dân, thanh niên trên địa bàn thành phố Đà Nẵng…

Thực hiện sự chỉ đạo của Sở trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, các Phòng Tư pháp các quận, huyện tập trung xây dựng và triển khai kế hoạch công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật năm 2007; đẩy mạnh công tác tuyên truyền Luật bầu cử đại biểu Quốc hội phục vụ cho đợt bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XII; đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến Luật Cư trú, Luật Công chứng và Nghị định số 79/2007/NĐ-CP ngày 18/5/2007 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng như: tuyên truyền cổ động trực quan, tuyên truyền miệng; thông qua họp tổ dân phố; sinh hoạt đoàn thể; hái hoa dân chủ; tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, phát hành tài liệu, cung cấp tờ gấp tuyên truyền; phổ biến pháp luật trên Đài truyền thanh; xây dựng pa nô, khẩu hiệu; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật thông qua sân khấu hoá… Các Phòng Tư pháp quận, huyện đã thực hiện được 3.790 cuộc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho tới tận các Tổ dân phố; phát hành 74.663 bộ tài liệu các loại phục vụ cho công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật ở các địa phương.

Nhiệm vụ trọng tâm thứ hai là tập trung củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động hoà giải ở cơ sở trên địa bàn thành phố. Đối với công tác này, Sở Tư pháp đã chỉ đạo các địa phương tập trung rà soát, củng cố, kiện toàn Tổ hoà giải trên địa bàn thành phố, mỗi tổ hoà giải có từ 3 đến 5 thành viên. Hiện thành phố Đà Nẵng có 2.277 tổ hoà giải với 8.075 hoà giải viên, trong đó có 435 hoà giải viên mới được thay thế, bổ sung. Cùng với việc chỉ đạo củng cố tổ chức, được sự hỗ trợ từ Dự án VIE/02/015, năm 2007, Sở đã biên soạn, phát hành 5.000 cuốn Sổ tay nghiệp vụ hoà giải ở cơ sở và tổ chức 15 lớp tập huấn về công tác hoà giải ở cơ sở cho các tổ hoà giải của 7 quận, huyện về các nội dung liên quan trực tiếp đến đời sống hằng ngày của người dân như: Bộ luật Dân sự, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Khiếu nại, tố cáo, Luật Cư trú, Nghị định 79/CP…, đặc biệt các báo viên đã truyền đạt những kỹ năng hoà giải trên thực tế cho 12.345 hoà giải viên tham dự. Tại các buổi tập huấn này, các Báo cáo viên của Sở đã đưa ra nhiều vấn đề rút ra từ thực tiễn cuộc sống để hướng dẫn cho hoà giải viên biết nên làm thế nào trong những tình huống xảy ra trên thực tế, và đồng thời Báo cáo viên còn áp dụng hình thức tập huấn trao đổi trực tiếp, giúp cho các hoà giải viên gặp khúc mắc gì trong công tác hoà giải của mình có thể hỏi trực tiếp trong những buổi tập huấn đó. Hình thức hỏi-đáp trực tiếp này góp phần giúp các hoà giải viên cảm thấy dễ hiểu hơn trước những vấn đề phức tạp mà các hoà giải viên chưa làm được. Qua công tác tập huấn và phát tài liệu tuyên truyền cho Tổ trưởng và các tổ viên tổ hoà giải, đã giúp các hoà giải viên tháo gỡ những thắc mắc và có thêm những kinh nghiệm, kỹ năng trong việc thực hiện công tác hoà giải ở địa phương, giúp chất lượng hoạt động của các tổ hoà giải ngày càng được nâng lên, góp phần  hiệu quả vào việc giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp phát sinh từ cơ sở, tăng cường đoàn kết trong cộng đồng dân cư, giữ vững ổn định trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn thành phố.  

Tuy không được cấp kinh phí cho hoạt động hoà giải nhưng với tinh thần trách nhiệm và lòng nhiệt tình của mình, lực lượng hoà giải viên bằng kiến thức, kinh nghiệm sống, bằng lòng tận tâm với công việc đã chủ động, tích cực, kiên trì tiến hành hoà giải thành công nhiều vụ việc, góp phần đem lại sự yên vui, giữ được tình làng nghĩa xóm trong cộng đồng dân cư và gia đình. Năm 2007, các Tổ hoà giải toàn thành phố đã tiếp nhận và giải quyết 2.020 vụ, việc (không kể các việc hoà giải, dàn xếp nhỏ trong cộng đồng dân cư), hoà giải thành đạt tỷ lệ bình quân 84,6% (trong đó quận Hải Châu đạt 91%; Thanh Khê: 85,7%; Sơn Trà: 86%; Ngũ Hành Sơn: 94%; Liên Chiểu: 81,3%; Hoà Vang: 85% và Cẩm Lệ: 69,2%) và chuyển cơ quan chức năng giải quyết 326 vụ, việc không thuộc thẩm quyền.

Nhiệm vụ trọng tâm được giao thứ 3 là tăng cường công tác trợ giúp pháp lý; đẩy mạnh hoạt động trợ giúp lưu động về cơ sở, triển khai thành lập Chi nhánh trợ giúp pháp lý tại các quận, huyện trên địa bàn thành phố Đà Nẵng theo Luật Trợ giúp pháp lý và đưa các Chi nhánh này hoạt động thiết thực có hiệu quả ở cơ sở. Để tập trung thực hiện nhiệm vụ trọng tâm này, trong năm, Trung tâm đã tổ chức 03 đợt tập huấn nghiệp vụ cho Cộng tác viên; Trình UBND thành phố Quyết định đổi tên từ “Trung tâm trợ giúp pháp lý của Nhà nước thành phố Đà Nẵng” thành “Trung tâm TGPL nhà nước TPĐN”; Xây dựng Đề án thành lập Chi nhánh trợ giúp pháp lý tại các quận: Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, Liên Chiểu và huyện Hoà Vang trình UBND thành phố; Xây dựng Đề án kiện toàn tổ chức và nâng cao hiệu quả hoạt động của Trung tâm... Trung tâm cũng đã tiếp nhận và trợ giúp cho 2.957 trường hợp (tăng 38,8% so với năm 2006), thực hiện đại diện, bào chữa 230 vụ, việc; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho 269 đối tượng (tăng 57,8% so với cùng kỳ năm trước), nguyên nhân tăng là do Trung tâm phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng trên địa bàn thực hiện công tác đại diện, bào chữa, tăng cường các đợt trợ giúp pháp lý lưu động về cơ sở nên số đối tượng biết và đến với tổ chức trợ giúp pháp lý, cộng tác viên TGPL nhiều hơn. Trung tâm đã thực hiện 19 đợt trợ giúp pháp lý lưu động về cơ sở tập trung chủ yếu vào lĩnh vực đất đai nhà ở, đền bù giải toả, hộ khẩu, chế độ chính sách…, kết hợp với việc tổ chức giới thiệu một số nội dung cơ bản của Luật khiếu nại tố cáo, Pháp lệnh hoà giải cơ sở, Nghị định 158/CP, đồng thời phát miễn phí hàng ngàn tờ gấp về các lĩnh vực pháp luật như: trợ giúp pháp lý; một số quy định về quyền sử dụng đất ở; thu hồi đất; hợp đồng dân sự; thi hành án; Pháp lệnh dân số; Hoà giải cơ sở; khiếu nại tố cáo, tín ngưỡng tôn giáo… và  tiếp tục thực hiện việc cung cấp 2.864 văn bản pháp luật (tăng 13,2% so với năm 2006) miễn phí cho các đối tượng có nhu cầu.

Để tiếp tục triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm trong năm đến, Sở Tư pháp thành phố Đà Nẵng cũng đã đăng ký 03 nhiệm vụ trọng tâm của ngành trên các lĩnh vực chuyên môn như xây dựng văn bản; Hành chính tư pháp; phổ biến giáo dục pháp luật và chờ UBND thành phố Đà Nẵng phê duyệt để thực hiện trong năm 2008./.

Thu Hường