Tọa đàm góp ý sửa đổi Đề án liên quan đến Chỉ số cải cách hành chính

18/03/2016
Tọa đàm góp ý sửa đổi Đề án liên quan đến Chỉ số cải cách hành chính
Ngày 18/3, Bộ Tư pháp đã tổ chức tọa đàm góp ý đối với Đề án sửa đổi, bổ sung Đề án “Xác định Chỉ số cải cách hành chính của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương”. Thứ trưởng Trần Tiến Dũng chủ trì buổi tọa đàm cùng sự tham dự của đại diện các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp và Vụ Cải cách hành chính – Bộ Nội vụ.
Qua 3 năm xác định Chỉ số cải cách hành chính (CCHC) của các Bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã thể hiện được ý nghĩa, vai trò cũng như những yêu cầu bước đầu đạt được. Việc áp dụng Chỉ số CCHC cho thấy sự quyết tâm của Chính phủ trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả triển khai Chương trình tổng thể CCHC giai đoạn 2011 – 2020. Tuy nhiên, theo đại diện Vụ CCHC (Bộ Nội vụ), do đây là lần đầu tiên áp dụng trên phạm vi cả nước, ngoài những kết quả tích cực đạt được, Chỉ số CCHC đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế cả về nội dung các lĩnh vực, tiêu chí và phương pháp tổ chức triển khai thực hiện.

Chẳng hạn, vẫn còn một số tiêu chí, tiêu chí thành phần chưa rõ ràng, khó lượng hóa để đánh giá, cho điểm. Chỉ số CCHC còn thiếu những tiêu chí quan trọng để theo dõi, đánh giá những tác động cụ thể của CCHC đến sự phát triển của ngành, lĩnh vực và sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Chỉ số CCHC cũng chưa có các tiêu chí điểm thưởng/ điểm trừ nhằm động viên khuyến khích/ trừ điểm các bộ, ngành, địa phương.
Vì vậy, cùng với việc sửa đổi, bổ sung một số tiêu chí, tiêu chí thành phần bảo đảm phù hợp thực tế hơn nữa, điểm nổi bật của Đề án sửa đổi là bổ sung nhóm tiêu chí điểm thưởng/ điểm trừ. Cụ thể, nhóm tiêu chí điểm thưởng dành cho Bộ, ngành là có sáng kiến CCHC nổi bật, điển hình được Chính phủ hoặc Bộ Nội vụ ghi nhận; có ban hành Bộ Chỉ số CCHC của bộ và đánh giá hàng năm; có tổ chức điều tra, khảo sát sự hài lòng của người dân, tổ chức về sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước; có ban hành hệ thống tiêu chí đánh giá, phân loại tổ chức và thực hiện đánh giá hàng năm; có áp dụng công nghệ thông tin để tổ chức thi tuyển hoặc thi nâng ngạch/ nâng hạng công chức, viên chức thông qua hình thức trực tuyến. Tương tự, với địa phương, nhóm tiêu chí điểm thưởng gồm 4 tiêu chí đầu cho Bộ, ngành, chỉ khác tiêu chí cuối là kết quả Chỉ số PCI của năm đánh giá được xếp hạng trong nhóm tốt trở lên.

Nhóm tiêu chí điểm trừ gồm để xảy ra tham nhũng, lãng phí hoặc sai phạm trong quản lý mà công chức, viên chức liên quan bị xử lý kỷ luật hoặc xử lý trách nhiệm hình sự; không thực hiện việc xin lỗi công dân trong các trường hợp hồ sơ trễ hẹn hoặc không giải thích cụ thể các trường hợp trả lại hồ sơ thủ tục hành chính; không công khai, minh bạch tiếp cận các thông tin, tài liệu của bộ, địa phương theo quy định; báo cáo tự chấm điểm Chỉ số CCHC thiếu chính xác, sai số quá 5% so với điểm thẩm định; không kịp thời giải quyết, xử lý hoặc cho ý kiến về những vụ việc đột xuất, bất thường thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ/ thực hiện không tốt các nội dung thuộc phạm vi quản lý của địa phương, được báo, đài và các phương tiện truyền thông phản ánh.
Dự kiến bổ sung nhóm tiêu chí điểm thưởng/ điểm trừ của Đề án thực sự thu hút sự quan tâm của đại diện các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp. Bà Lê Vân Anh (Văn phòng Bộ Tư pháp) đề xuất cân nhắc kỹ để đảm bảo các nội dung khi đưa vào tiêu chí chấm điểm thì phải có cơ sở đánh giá chính xác, có tài liệu kiểm chứng cụ thể mới đảm bảo, khách quan, hiệu quả trong đánh giá. Phó Cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật Nguyễn Thị Minh Phương đồng tình cho rằng, có tiêu chí còn mang tính định tính như hiểu thế nào là sáng kiến CCHC nổi bật, điển hình. Nhiều ý kiến đề nghị nên tính điểm thưởng gắn với từng tiêu chí thành phần, làm bật thế mạnh và chỉ ra điểm yếu cần khắc phục của các bộ, ngành, địa phương…

Tại buổi tọa đàm, Thứ trưởng Trần Tiến Dũng cũng rất băn khoăn với việc bổ sung nhóm tiêu chí trên. Theo Thứ trưởng, nhóm tiêu chí này nếu được áp dụng chưa chắc đã phản ánh đúng thực tế CCHC của các bộ, ngành, địa phương, thậm chí có thể tạo sự nghi ngờ đối với kết quả chấm điểm của Bộ Nội vụ. Bên cạnh đó, Thứ trưởng đề nghị Bộ Nội vụ nghiên cứu sửa đổi cơ cấu điểm theo hướng tập trung vào các nhiệm vụ CCHC trọng tâm, trọng điểm như tăng điểm cho nhiệm vụ cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính, đồng thời có thể mời cơ quan độc lập như Công đoàn Viên chức Việt Nam chấm điểm CCHC nhằm bảo đảm tính khách quan… Ngoài ra, Thứ trưởng yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ nâng cao hơn nữa nhận thức về Chỉ số CCHC, tích cực góp phần hoàn thiện các tiêu chí, nhất là các tiêu chí mà Bộ, ngành Tư pháp chủ trì, để quyết tâm cải thiện thứ hạng trong xếp hạng CCHC năm 2016 và những năm tới đây.
                                                                                 Cẩm Vân