Thẩm định Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành VBQPPL

17/03/2016
Thẩm định Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành VBQPPL
Ngày 17/3, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đã chủ trì cuộc họp Hội đồng thẩm định Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Báo cáo về Dự thảo Nghị định, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật Nguyễn Hồng Tuyến cho biết, Dự thảo Nghị định đã thể hiện đúng và đầy đủ tinh thần đổi mới của Luật năm 2015, đặc biệt là đổi mới quy trình lập pháp, tăng cường dân chủ, công khai, minh bạch trong quá trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật và bảo đảm tốt hơn nguồn lực cho công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật…
Dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành các điều khoản được giao trong Luật năm 2015, bao gồm ngôn ngữ, kỹ thuật văn bản quy phạm pháp luật; dịch văn bản quy phạm pháp luật ra tiếng dân tộc thiểu số, tiếng nước ngoài; đánh giá tác động của chính sách trong đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh; đăng công báo và niêm yết văn bản quy phạm pháp luật; kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật; rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật; bảo đảm nguồn lực xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Đồng thời, Nghị định quy định một số biện pháp thực sự cần thiết thuộc thẩm quyền của Chính phủ để bảo đảm thi hành có hiệu quả Luật năm 2015 như trình tự tiến hành thẩm định đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; cách thức lấy ý kiến đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Ban soạn thảo, Tổ biên tập...
Tuy nhiên, vẫn còn một số nội dung cần xin ý kiến như cơ quan quản lý Công báo sẽ là Bộ Tư pháp hay Văn phòng Chính phủ; cơ quan chủ trì dịch văn bản ra tiếng nước ngoài có nên giao cho Bộ Tư pháp hay không. Ngoài ra, có vấn đề bảo đảm kinh phí cho xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và hoàn thiện hệ thống pháp luật, vấn đề thẩm quyền đình chỉ văn bản có nội dung trái pháp luật của địa phương…

Các thành viên Hội đồng về cơ bản đồng tình với những quy định của Dự thảo Nghị định. Trong đó đều tán thành quy định giao Bộ Tư pháp giúp Chính phủ thực hiện quản lý thống nhất Công báo nước Cộng hòa XHCN Việt Nam bởi vừa đỡ tốn kém cho quản lý nhà nước vừa thuận tiện cho người dân có nhu cầu tra cứu, sử dụng.
Về cơ quan chủ trì dịch văn bản ra tiếng nước ngoài, có thành viên đề nghị giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với cơ quan đã chủ trì soạn thảo văn bản để dịch ra tiếng Anh. Song cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng không nên “đổ hết” vào Bộ Tư pháp mà đây phải là trách nhiệm của cơ quan đã chủ trì soạn thảo văn bản. Hơn nữa, Dự thảo Nghị định cũng không cần quy định bắt buộc phải dịch thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ vì khối lượng loại văn bản này rất lớn

Đánh giá nhiều góp ý của các thành viên Hội đồng là rất hợp lý, Thứ trưởng Lê Thành Long cũng nhất trí nên giao Bộ Tư pháp giúp Chính phủ quản lý Công báo nhưng đề nghị bổ sung thêm những lập luận chặt chẽ hơn. Trước nhiều ý kiến lo ngại Bộ Tư pháp khó đủ nguồn lực đảm nhiệm việc dịch văn bản ra tiếng nước ngoài, Thứ trưởng Lê Thành Long yêu cầu đơn vị được giao chủ trì xây dựng Dự thảo Nghị định nghiên cứu, cân nhắc thêm.
Đối với nội dung bảo đảm kinh phí cho công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, theo Thứ trưởng, chỉ nên quy định các vấn đề chung để về sau quy định cụ thể trong Thông tư thuộc thẩm quyền của Bộ Tài chính. Đặc biệt về thẩm quyền đình chỉ văn bản có nội dung trái pháp luật của địa phương, Thứ trưởng nhấn mạnh phải bám sát quy định của Hiến pháp năm 2013 và gợi ý có thể nghiên cứu cơ chế Thủ tướng giao cho Bộ trưởng Bộ Tư pháp một ủy quyền thường xuyên.
Cẩm Vân