Ưu tiên cho các dự án luật nhằm triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013

14/03/2016
Ưu tiên cho các dự án luật nhằm triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013
Sáng ngày 10/3, Bộ Tư pháp đã tổ chức cuộc họp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ để thảo luận, trao đổi, thống nhất về việc lập Đề nghị của Chính phủ về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017; điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016. Cuộc họp do Bộ trưởng Hà Hùng Cường chủ trì.
Tại cuộc họp, ông Nguyễn Hồng Tuyến, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp đã trình bày báo cáo tóm tắt về kết quả thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015, tình hình triển khai thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016 và việc lập Đề nghị của Chính phủ về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017; điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016.
Theo số liệu thống kê, trong năm 2015, các Bộ, cơ quan ngang Bộ phải trình Chính phủ 34 dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết; trong đó, có 28 dự án, dự thảo đã được Chính phủ thông qua. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ đã phối hợp chỉnh lý, trình Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội thông qua 22 dự án, dự thảo và cho ý kiến 12 dự án luật, pháp lệnh.

Đánh giá chung về những kết quả đạt được cũng như những tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015, báo cáo của Bộ Tư pháp nêu rõ, trong năm 2015, số lượng các dự án mà Chính phủ đã xem xét, cho ý kiến và số lượng các dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết do Chính phủ trình được Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội thông qua và cho ý kiến là rất lớn. Về cơ bản, các dự án, dự thảo trình Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội bảo đảm tiến độ và chất lượng. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực đã đạt được, việc thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh còn tồn tại, hạn chế là nhiều dự án, dự thảo đề nghị lùi thời hạn trình Chính phủ, lùi thời hạn trình Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội (Luật biểu tình; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật chuyển giao công nghệ; Luật quy hoạch; Luật quốc phòng (sửa đổi); Luật năng lượng nguyên tử (sửa đổi); Luật dân số) hoặc Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị rút ra khỏi Chương trình (Luật ban hành quyết định hành chính).

Về nhiệm vụ năm 2016, theo Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016 thì các Bộ, cơ quan ngang Bộ phải phối hợp chỉnh lý và trình 38 dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết (29 luật, 02 pháp lệnh và 07 nghị quyết). Ngoài ra, các Bộ còn phải trình 05 dự án dự kiến đề nghị bổ sung vào Chương trình năm 2016. Đây là nhiệm vụ tương đối nặng trong năm 2016 mà các Bộ, cơ quan ngang Bộ phải hoàn thành.
Tại cuộc họp, các ý kiến phát biểu đều nhất trí với những nguyên tắc lập Đề nghị về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017; điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016 mà Bộ Tư pháp dự kiến. Ưu tiên đưa vào Chương trình năm 2017 và bổ sung vào Chương trình năm 2016 các dự án luật, pháp lệnh nhằm triển khai thi hành Hiến pháp và các dự án còn lại của Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII đã được chuẩn bị tốt, đã có dự thảo và cần sớm ban hành để đáp ứng yêu cầu cấp thiết về phát triển kinh tế - xã hội, nhu cầu quản lý đất nước trong giai đoạn mới. Ưu tiên các dự án luật, pháp lệnh phải sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới để bảo đảm thực hiện các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên và bảo đảm đồng bộ với các luật mới được ban hành. Chỉ đưa vào Chương trình năm 2017 và bổ sung vào Chương trình năm 2016 những dự án có đầy đủ hồ sơ theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008; thuyết minh rõ ràng về mục đích, sự cần thiết ban hành, phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, các nội dung cơ bản của dự án luật, pháp lệnh và mối quan hệ giữa các luật, pháp lệnh có liên quan.

Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường nhấn mạnh, việc lập Đề nghị của Chính phủ về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017; điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016 cần đặt trong bối cảnh mới, đặc biệt là Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII vừa mới hoàn thành, với nhiều chủ trương mới của Đảng liên quan đến việc chuyển hướng chiến lược từ xây dựng pháp luật sang hoàn thiện và tổ chức thi hành pháp luật. Đồng thời, phải tiếp tục ưu tiên cho các dự án luật nhằm triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013. Việc lập Đề nghị về Chương trình năm 2017; điều chỉnh Chương trình năm 2016 phải bảo đảm tính khả thi.
Tại Phiên họp thường kỳ tháng 3/2016, Chính phủ sẽ cho ý kiến về Đề nghị của Chính phủ về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017; điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016. Tại Phiên họp tháng 5/2016, Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017; điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016, trong đó có Đề nghị của Chính phủ, để trình Quốc hội khóa XIV xem xét, thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017 tại Kỳ họp thứ nhất.
Nguyễn Thị Phương Liên