Phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động tư vấn pháp luật

29/09/2015
Phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động tư vấn pháp luật
Sáng 29/9, Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội nghị tổng kết 7 năm thi hành Nghị định số 77/2008/NĐ-CP ngày 16/7/2008 của Chính phủ về tư vấn pháp luật với sự tham gia của các Bộ, ngành ở Trung ương, các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp và một số Sở Tư pháp, Trung tâm tư vấn pháp luật, tổ chức hành nghề luật sư. Bà Đỗ Hoàng Yến, Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp, Bộ Tư pháp chủ trì Hội nghị.

Phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động tư vấn pháp luật

Nghị định số 77/2008/NĐ-CP ngày 16/7/2008 của Chính phủ về tư vấn pháp luật (Nghị định số 77/2008/NĐ-CP) đã được triển khai thi hành trong thực tiễn 07 năm qua. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng cho việc phát triển tổ chức và hoạt động tư vấn pháp luật của các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, cơ sở đào tạo, cơ sở nghiên cứu chuyên ngành luật trong phạm vi cả nước.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, bà Đỗ Hoàng Yến, Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp cho biết: Sau 07 năm thi hành Nghị định số 77/2008/NĐ-CP, cho đến thời điểm này, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, tình hình chính trị, kinh tế - xã hội cũng như hệ thống pháp luật của nước ta đã có nhiều thay đổi. Vì vậy, việc tổng kết, nghiên cứu, đánh giá  Nghị định để có những sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tiễn là rất cần thiết, là cơ sở cho sự phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động tư vấn pháp luật trong thời gian tới.

 

 

Tiêu chuẩn đối với tư vấn viên pháp luật phải được đảm bảo

Trao đổi tại Hội nghị, có ý kiến cho rằng tiêu chuẩn đối với tư vấn viên pháp luật hiên nay tương đối cao, khó phát triển đội ngũ tư vấn viên pháp luật do yêu cầu phải có 03 năm công tác pháp luật sau khi tốt nghiệp đại học luật. Vì vậy cần nghiên cứu, xem xét “nới lỏng” các quy định này để thu hút các đối tượng tham gia tư vấn pháp luật.

Tuy nhiên, theo đại diện của Trung tâm tư vấn pháp luật, Đại học Luật Hà Nội thì việc tư vấn pháp luật ảnh hưởng tới sinh mạng chính trị của công dân, tổ chức, đòi hỏi đội ngũ tư vấn viên phải có trình độ, kỹ năng, ý thức và phẩm chất đạo đức. Vì vậy, tiêu chuẩn đối với tư vấn viên pháp luật phải được đảm bảo, không nên hạ thấp tiêu chuẩn chỉ để mở rộng đối tượng tham gia tư vấn.

 

 

Hỗ trợ cho hoạt động tư vấn pháp luật

Theo quy định tại Nghị định số 77/2008/NĐ-CP, hoạt động tư vấn pháp luật mang tính chất xã hội, không nhằm mục đích thu lợi nhuận. Điều này đã dẫn tới việc nhiều Trung tâm tư vấn pháp luật gặp rất nhiều khó khăn trong việc tự trang trải tài chính, lấy thu bù chi. Vì vậy, các đại biểu tham dự Hội nghị đều cho rằng cần có chính sách phân bổ kinh phí, hỗ trợ tài chính phù hợp cho hoạt động tư vấn pháp luật, có những hướng dẫn cụ thể về cơ chế tài chính nhằm đảm bảo cho hoạt động này đạt được hiệu quả cao.

 

 

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến ủng hộ việc cần thường xuyên tổ chức các lớp giao lưu, học hỏi kinh nghiệm về tư vấn pháp luật giữa các tư vấn viên, đồng thời tổ chức các lớp bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ cho người thực hiện tư vấn pháp luật vì các văn bản quy phạm pháp luật ngày càng nhiều, do vậy việc cập nhật kiến thức pháp luật mới và nâng cao kỹ năng nghề nghiệp là yêu cầu tất yếu đối với người thực hiện tư vấn pháp luật.