70 năm Ngày truyền thống Luật sư Việt Nam: Tự hào và trăn trở

22/09/2015
70 năm Ngày truyền thống Luật sư Việt Nam: Tự hào và trăn trở
Ngày 21/9, Bộ trưởng Hà Hùng Cường đã thực hiện buổi ghi hình trong phim tài liệu kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống luật sư Việt Nam (10/10/1945 – 10/10/2015), Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp xin đăng toàn văn nội dung trả lời phỏng vấn của Bộ trưởng:

Phóng viên:   

Đề nghị Bộ trưởng đánh giá về những đóng góp, sự phát triển và những bước trưởng thành của Liên đoàn Luật sư Việt Nam, đội ngũ luật sư Việt Nam trong thời kỳ đất nước đổi mới, đặc biệt trong công cuộc cải cách tư pháp, xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN. Những thuận lợi, khó khăn, thách thức của Liên đoàn Luật sư Việt Nam và đội ngũ luật sư Việt Nam trong giai đoạn sắp tới?

Bộ trưởng Hà Hùng Cường:

1. Nhìn lại 70 năm xây dựng và trưởng thành của giới luật sư Việt Nam chúng ta thấy sự đan xen 2 luồng tình cảm: tự hào và trăn trở.

Tự hào vì những đóng góp rất đáng trân trọng của nhiều luật sư nổi tiếng cả nước, thậm chí là thế giới, đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc trong suốt thời kỳ từ những ngày đầu thành lập Nước cho tới những năm trường kỳ Kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Với lòng yêu nước, trí tuệ, nhiệt huyết và nhân cách tốt đẹp của mình, họ đã có mặt trên hầu hết các mặt trận: chính trị, pháp lý, ngoại giao, quân sự, cống hiến cho sự nghiệp xây dựng Nhà nước dân chủ nhân dân, giành độc lập, tự do cho dân tộc, thống nhất đất nước. Tên tuổi của họ đã mãi mãi đi vào lịch sử hiện đại của đất nước ta mà mỗi luật sư, luật gia chúng ta hôm nay đều phải lấy đó mà học tập.

Tự hào vì từ khi đất nước bước vào công cuộc Đổi mới và hội nhập quốc tế, đội ngũ luật sư Việt Nam đã trưởng thành vượt bậc cả về số lượng và chất lượng. Đặc biệt về chất lượng, bằng hoạt động hành nghề của mình, nhiều luật sư đã có những đóng góp tích cực trong việc bảo vệ công lý, bảo vệ người dân và doanh nghiệp, kể cả ở ngoài nước, qua đó góp phần quan trọng vào sự nghiệp cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Chính họ đã tạo dựng lại chỗ đứng của giới luật sư Việt Nam trong lòng người dân và xã hội, được Đảng, Nhà nước thừa nhận. Từ đó mà tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư đã được xây dựng, kiện toàn lớn mạnh từ địa phương đến trung ương, với dấu mốc quan trọng là việc thành lập Liên đoàn luật sư Việt Nam - “Ngôi nhà chung” của giới luật sư toàn quốc vào năm 2009.

Trăn trở điều gì? Theo tôi, đó là:

- Thứ nhất, một bộ phận không nhỏ trong giới luật sư hôm nay chưa nhận thức được sứ mệnh nghề nghiệp cao cả của mình; còn khoảng cách rất xa về trí tuệ, lòng yêu nước, nhiệt huyết và nhân cách so với thế hệ luật sư ông cha mình mà tôi đã nói ở trên, từ đó ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh của giới luật sư trong lòng dân và xã hội.

- Thứ hai, so với yêu cầu cải cách tư pháp, nhu cầu của người dân, doanh nghiệp và của đất nước thì số lượng luật sư ở nước ta còn quá khiêm tốn, ấy là chưa kể đến tầm và tâm. Làm sao đáp ứng nổi nguyên tắc tranh tụng đã được hiến định trong Hiến pháp năm 2013 để tránh cho người dân khỏi bị oan, sai, thắng, thua không minh bạch trong các vụ án hình sự, dân sự? Xem ra Liên đoàn luật sư Việt Nam, các Đoàn luật sư còn rất thụ động với thực tế này.

- Và thứ ba, là sự hẫng hụt hôm nay trong lãnh đạo cao nhất của Liên đoàn luật sư Việt Nam chỉ mới sau 6 năm được thành lập. Mặc dù đã có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đầy đủ của các cơ quan Đảng, Nhà nước nhưng “Ngôi nhà chung” của giới luật sư Việt Nam mới đưa vào vận hành đã phải gia cố về nền móng! Đó là điều, chắc hẳn, cả giới luật sư Việt Nam đều không mong muốn!

2. Cương lĩnh chính trị của Đảng bổ sung, phát triển năm 2011, Hiến pháp mới năm 2013 và nhiều luật, bộ luật quan trọng đã và đang được sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện, cũng như công cuộc hội nhập quốc tế sâu rộng tới đây của đất nước đang mở ra cơ hội chưa từng có cho sự phát triển của giới luật sư Việt Nam. Tuy nhiên, trong cơ hội đó chứa đựng những thách thức to lớn! Hơn bao giờ hết, kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống chính là dịp để mỗi luật sư, Liên đoàn luật sư Việt Nam, các Đoàn luật sư tĩnh tâm nhìn lại những trang sử vẻ vang của mình để tự hào và phát huy, đồng thời cũng phải thấy rõ những thách thức, hạn chế, yếu kém của mình mà sớm khắc phục; nhận thức sâu sắc sứ mệnh nghề nghiệp cao cả của mình mà không ngừng trau dồi về trình độ chuyên môn nghiệp vụ, gương mẫu về tư cách, phẩm chất đạo đức, giữ được cái tâm, bản lĩnh và niềm đam mê nghề nghiệp, để tiếp tục khẳng định được hình ảnh và thương hiệu Luật sư Việt Nam trong lòng Nhân dân và trên trường quốc tế, góp phần xứng đáng vào công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, cải cách tư pháp mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.