Trường Đại học Luật cần nỗ lực để “vươn ra thế giới”

09/07/2015
Trường Đại học Luật cần nỗ lực để “vươn ra thế giới”
Sáng nay - 9/7, Đoàn kiểm tra, khảo sát của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp (CCTP) TƯ đã làm việc với trường Đại học Luật Hà Nội về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ pháp luật và cán bộ có chức danh tư pháp.

Chất lượng vẫn thấp so với yêu cầu thực tiễn

Phó Hiệu trưởng ĐH Luật Hà Nội Trương Quang Vinh cho biết, hướng đến một trung tâm đào tạo cán bộ pháp luật chất lượng cao, chương trình đào tạo của Trường “luôn gắn với thực tế”, thường xuyên chỉnh lý, bổ sung. Đội ngũ giáo viên không ngừng được củng cố, kiện toàn. Đầu tư cơ sở vật chất phục vụ đào tạo, bồi dưỡng với việc triển khai đầu tư xây dựng cơ sở 2 tại Từ Sơn (Bắc Ninh), trang bị thiết bị dạy học hiện đại… Trường còn ban hành Chương trình đào tạo đại học chất lượng cao hệ chính qui ngành Luật với chuẩn đầu ra cao hơn nhiều so với Chương trình đào tạo đại trà.

Chất lượng sinh viên ở tất cả các hệ, nhất là hệ chính qui, khá ổn định và từng bước được nâng cao. Tỷ lệ sinh viên đủ điều kiện tốt nghiệp hàng năm đạt cao, nhiều sinh viên đạt loại khá, giỏi. Sinh viên tốt nghiệp của Trường được các đơn vị tuyển dụng đánh giá là khá hơn về kiến thức so với mặt bằng chung của sinh viên luật hiện nay. Tuy nhiên, Trường thừa nhận, chất lượng vẫn thấp so với yêu cầu thực tiễn. Sinh viên tốt nghiệp còn hạn chế về kiến thức thực tiễn, kỹ năng và phương pháp làm việc. Chỉ tiêu đào taọ hàng năm của Trường chưa tương xứng nhu cầu về cán bộ về pháp luật của đất nước…

Theo Trường ĐH Luật Hà Nội, sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các cơ sở đào tạo luật trong cả nước cũng ảnh hưởng không nhỏ đến qui mô đào tạo, sự liên kết đào tạo của Trường. Nhiều cơ sở đào tạo quá dễ dãi trong việc tuyển sinh, quản lý đào tạo để thu hút một bộ phận không nhỏ người học với tâm lý chỉ cần bằng cấp. Ngoài ra, nguồn lực tài chính chưa ổn định, chính sách và chế độ đãi ngộ của Nhà nước đối với công chức, viên chức còn nhiều bất cập cũng ảnh hưởng đến việc thu hút đội ngũ giáo viên, giảng viên cơ hữu có trình độ cao…

Kiểm soát chặt chất lượng đào tạo luật

Trong bối cảnh đào tạo luật đang “cạnh tranh bằng hạ chất lượng” như nhận xét của bà Lê Thị Thu Ba – Phó Trưởng BCĐ CCTP TƯ, ông Lê Tiến Châu – Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Tư pháp nhắc nhở ĐH Luật Hà Nội cần quyết tâm thực hiện được vai trò là “cơ sở dẫn dắt”, “đầu tàu” trong công tác đào tạo luật đáp ứng yêu cầu về chất lượng cán bộ pháp luật cho CCTP.

Đáp ứng yêu cầu này, Thứ trưởng Bộ Tư pháp, Hiệu trưởng ĐH Luật Hà Nội Phan Chí Hiếu khẳng định, từ nay đến năm 2020, Trường sẽ thực hiện các nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng gắn với thực hiện Chiến lược CCTP. Phát triển đội ngũ giảng viên đủ về số lượng và đảm bảo về chất lượng, có cơ chế thu hút các chức danh tư pháp giỏi, các chuyên gia có kinh nghiệm để khắc phục tình trạng “chảy máu chất xám tại trường”.

Đồng thời, đổi mới và phát triển chương trình đào tạo thiết thực phục vụ việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của Chiến lược CCTP. Đẩy mạnh hoạt động thực tập để khắc phục điểm yếu về “thiếu tính thực tiễn” cho sinh viên”. Trường ĐH Luật Hà Nội cũng đề nghị, ngành TAND và KSND phối hợp với Trường để đào tạo theo “đặt hàng”, có những chính sách ưu đãi cụ thể (về tài chính như miễn, giảm học phí, cấp học bổng… hoặc đảm bảo việc làm) cho những sinh viên có cam kết phục vụ cho ngành sau khi tốt nghiệp.

Ông Nguyễn Văn Thắng – Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, VKSNDTC cho biết, “ngành vẫn cần kết hợp với ĐH Luật Hà Nội trong đào tạo cán bộ. Nên ngành KSND sẽ tích cực ủng hộ Trường về đội ngũ giảng viên thỉnh giảng và sẵn sàng nhận các sinh viên tốt nghiệp loại giỏi, xuất sắc vào ngành (nếu qua sơ tuyển)”. Tuy nhiên, Trường cần giúp giải quyết được thực tế, dù ngành KSND “rất thích tuyển sinh viên ĐH Luật Hà Nội nhưng ở vùng sâu vùng xa (như Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ) thì “mời mãi không ai đến”. Thậm chí, cả khi ngành sẵn sàng ký hợp đồng cho những sinh viên vào ngành nếu chưa đến kỳ thi tuyển”.

Bên cạnh đó, Trường cũng kiến nghị Bộ GD&ĐT cần có biện pháp “hậu kiểm” kiểm soát chặt chẽ việc mở mã ngành đào tạo luật, chỉ tiêu đào tạo... để góp phần đảm bảo chất lượng đào tạo nhân lực pháp luật.

Đánh giá cao những kết quả của Trường, Phó Trưởng BCĐ CCTP TƯ Lê Thị Thu Ba – Trưởng đoàn kiểm mong muốn, trong thời gian tới, Trường sẽ phát huy được vai trò “trường trọng điểm về đào tạo cán bộ pháp luật” để có những nhiệm vụ, phương hướng đào tạo phát huy được thế mạnh của Trường, khắc phục hạn chế, tạo chuyển biến mạnh về chất lượng đào tạo, góp phần tạo nguồn nhân lực pháp luật chất lượng cao cho các cơ quan nhà nước, nhất là các cơ quan tư pháp và toàn xã hội và sớm “vươn ra thế giới”./.

H.Giang

Đến tháng 5/2015, Trường ĐH Luật Hà Nội có 310 giảng viên, trong đó có 286 giảng viên cơ hữu. Ngoài ra trường còn có hơn 100 giảng viên thỉnh giảng có trình độ chuyên môn cao. Trong 10 năm (2005-2015), Trường đã đào tạo được 34.459 sinh viên, học sinh (trung bình khoảng 3.500 sinh viên, học viên/năm), trong đó nhiều người đã về công tác phục vụ cho ngành tư pháp.