Cần kết hợp giữa mục tiêu cải cách tư pháp và đổi mới căn bản hoạt động giáo dục, đào tạo

06/07/2015
Cần kết hợp giữa mục tiêu cải cách tư pháp và đổi mới căn bản hoạt động giáo dục, đào tạo
Sáng ngày 4 tháng 7 năm 2015, Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội đồng thẩm định dự án Pháp lệnh đào tạo một số chức danh tư pháp.

Hội đồng thẩm định được Bộ trưởng Bộ Tư pháp ký Quyết định thành lập ngày 3 tháng 7 năm 2015 (Quyết định số 1258/QĐ-TTg), gồm 15 thành viên, trong đó Chủ tịch Hội đồng là Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng, các thành viên là đại diện của các cơ quan, tổ chức hữu quan, các chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực pháp luật và giáo dục, đào tạo (Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ, Văn phòng Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ban Nội chính Trung ương, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Tòa án nhân dân tối cao, Đại học Luật Hà Nội, Đại học Hòa Bình...).

Tại cuộc họp, tất cả các thành viên Hội đồng đều tán thành với sự cần thiết ban hành Pháp lệnh đào tạo một số chức danh tư pháp, nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng về cải cách tư pháp theo tinh thần Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02 tháng 6 năm 2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 và chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục tại Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Việc ban hành Pháp lệnh cũng nhằm mục đích khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác đào tạo một số chức danh tư pháp hiện nay, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư, qua đó nâng cao hiệu quả hoạt động tranh tụng, bảo đảm quyền, lợi ích của người dân. Ông Nguyễn Phước Thọ, Hàm Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ - Thành viên Hội đồng cho rằng, bên cạnh chủ trương cải cách tư pháp thì dự thảo Pháp lệnh cần làm rõ hơn nữa việc thể chế hóa chủ trương của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục theo tinh thần của Nghị quyết số 29-NQ/TW.

Về tên gọi và phạm vi điều chỉnh của dự thảo Pháp lệnh, theo báo cáo của cơ quan chủ trì soạn thảo thì hiện còn có nhiều loại ý kiến khác nhau về vấn đề này. Có ý kiến đề nghị đổi tên dự thảo Pháp lệnh thành Pháp lệnh đào tạo nguồn Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư; có ý kiến đề nghị đổi tên thành Pháp lệnh đào tạo nghiệp vụ xét xử, kiểm sát, nghề luật sư ... Đa số các thành viên Hội đồng đều nhất trí với việc đổi tên dự thảo Pháp lệnh thành Pháp lệnh đào tạo nguồn Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư cho phù hợp với mục tiêu đào tạo và mục tiêu ban hành Pháp lệnh này.

Về các chính sách đặc thù của Nhà nước đối với hoạt động đào tạo nguồn Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư, đa số ý kiến của Thành viên Hội đồng thẩm định đều cho rằng, xuất phát từ tầm quan trọng và tính chất đặc thù của hoạt động đào tạo này – hoạt động đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước, nên Nhà nước cần có chính sách ưu tiên, hỗ trợ thích đáng. Theo ông Nguyễn Văn Hiển, Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý của Bộ Tư pháp – Thành viên Hội đồng thì bản chất của hoạt động đào tạo nguồn Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư không phải là đào tạo theo thị trường, theo nhu cầu xã hội mà đào tạo theo các “địa chỉ” đã được xác định trước, trên cơ sở chỉ tiêu đã được cơ quan có thẩm quyền ấn định (số lượng thẩm phán, kiểm sát viên), nên Nhà nước cần phải hỗ trợ.

Về mô hình đào tạo, Hội đồng thẩm định nhất trí với hai mô hình đào tạo được quy định trong dự thảo Pháp lệnh, gồm mô hình đào tạo riêng và mô hình đào tạo chung. Việc đào tạo riêng được giao cho 04 cơ sở đào tạo của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp và Liên đoàn Luật sư Việt Nam là phù hợp. Đối với mô hình đào tạo chung, trong Hội đồng thẩm định vẫn còn ý kiến khác nhau. Đa số ý kiến cho rằng, chỉ nên giao việc đào tạo chung cho cơ sở đào tạo của Bộ Tư pháp vì xuất phát từ vị trí của Bộ Tư pháp là cơ quan vừa thực hiện chức năng quản lý nhà nước về luật sư, vừa tham gia vào quá trình xây dựng thể chế liên quan đến tố tụng, trong đó chủ trì soạn thảo các luật về nội dung (Bộ luật hình sự, Bộ luật dân sự) và tham gia xây dựng các luật về tố tụng (Bộ luật tố tụng dân sự, Bộ luật tố tụng hình sự...). Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, dự thảo Pháp lệnh nên quy định theo hướng các cơ sở đào tạo nếu đáp ứng đủ điều kiện nhất định thì đều có thể tiến hành việc đào tạo chung cả ba chức danh Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư.

Ngoài ra, các thành viên Hội đồng đã có những ý kiến góp ý cụ thể vào từng điều khoản của dự thảo Pháp lệnh, đặc biệt là các quy định về điều kiện, quyền và nghĩa vụ của giảng viên; đối tượng tuyển sinh; quyền và nghĩa vụ của học viên; thời gian đào tạo theo mô hình riêng và mô hình chung...

Đánh giá cao sự chuẩn bị công phu của cơ quan chủ trì soạn thảo và thống nhất với nhiều nội dung của dự thảo Pháp lệnh, Hội đồng thẩm định đã nhất trí với việc trình Chính phủ dự thảo Pháp lệnh này.

Dự kiến tại Phiên họp chuyên đề tháng 7 của Chính phủ về công tác xây dựng pháp luật (sẽ tổ chức trong 02 ngày là 27/7 và 28/7/2015), Chính phủ sẽ xem xét, thông qua dự thảo Pháp lệnh này để trình Ủy ban thường vụ Quốc hội. Dự kiến nếu Pháp lệnh này được ban hành thì sẽ góp phần khắc phục được những tồn tạo, hạn chế trong hoạt động đào tạo Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư trong thời gian qua, tạo cơ sở pháp lý thống nhất, đồng bộ cho các mô hình đào tạo nguồn Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư – 3 chức danh quan trọng trong hoạt đông tư pháp, thông qua đó tạo bước đột phá về chất lượng nguồn nhân lực, nâng cao hiệu quả trang tụng tại phiên tòa, mở rộng nguồn bổ nhiệm chức danh Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư.