Họp Ban soạn thảo dự án Pháp lệnh đào tạo một số chức danh tư pháp

03/07/2015
Sáng ngày 03 tháng 7 năm 2015, Ban soạn thảo dự án Pháp lệnh đào tạo một số chức danh tư pháp đã họp để cho ý kiến về dự thảo Pháp lệnh theo ý kiến góp ý của các Bộ, ngành trước khi thẩm định và trình Chính phủ. Cuộc họp do Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường chủ trì.

Theo báo cáo của Tổ biên tập dự án Pháp lệnh, tính đến hết ngày 30 tháng 6 năm 2015, Bộ Tư pháp đã nhận được 48 ý kiến góp ý của các cơ quan, tổ chức có liên quan, trong đó có ý kiến của 14 Bộ, Tòa án nhân dân tối cao, 30 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, 01 cơ sở đào tạo (Đại học kiểm sát Hà Nội)… Về cơ bản, các ý kiến góp ý đều nhất trí cơ bản với nội dung của Tờ trình, dự thảo Pháp lệnh và các tài liệu khác kèm theo. Tuy nhiên, về một số nội dung cụ thể của dự thảo Pháp lệnh thì vẫn còn có ý kiến khác nhau.

Pháp lệnh đào tạo “nguồn” hay đào tạo “nghiệp vụ”?

Về tên gọi của dự thảo Pháp lệnh, đa số ý kiến đề nghị đổi tên dự thảo Pháp lệnh từ Pháp lệnh đào tạo một số chức danh tư pháp thành Pháp lệnh đào tạo nguồn Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng nên đổi tên dự thảo Pháp lệnh này thành Pháp lệnh đào tạo nghiệp vụ xét xử, nghiệp vụ kiểm sát, nghề Luật sư.

Cần phải có chính sách đặc thù về chi ngân sách cho hoạt động đào tạo chung 03 chức danh tư pháp

Hoạt động đào tạo Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư là hoạt động có nhiều đặc thù so với các loại hình đào tạo khác, nên nhiều ý kiến cho rằng cần quy định chính sách khuyến khích riêng áp dụng đối với giảng viên, học viên và cơ sở đào tạo các chức danh này, đặc biệt là việc Nhà nước hỗ trợ chi phí đào tạo chung nghiệp vụ xét xử, nghiệp vụ kiểm sát, nghề luật sư để thu hút được những người giỏi tham gia các chương trình đào tạo, tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cung cấp cho các cơ quan tư pháp, bổ trợ tư pháp. Xuất phát từ mục tiêu, tính chất của hoạt động đào tạo nghiệp vụ xét xử, kiểm sát, nghề luật sư nhằm tạo nguồn bổ nhiệm hoặc cấp chứng chỉ hành nghề các chức danh Thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư, dự thảo Pháp lệnh quy định chính sách cấp bù học phí cho hoạt động đào tạo chung.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng Pháp lệnh không nên quy định những chính sách riêng cho hoạt động đào tạo nghiệp vụ xét xử, nghiệp vụ kiểm sát, nghề luật sư nhằm bảo đảm sự bình đẳng với các hoạt động đào tạo khác.

Cơ sở đào tạo nào sẽ thực hiện đào tạo chung nghiệp vụ xét xử, nghiệp vụ kiểm sát, nghề luật sư?

Hiện nay, việc đào tạo nghiệp vụ xét xử, nghiệp vụ kiểm sát, luật sư đang được giao cho 03 cơ sở đào tạo, gồm cơ sở đào tạo của Tòa án nhân dân tối cao, cơ sở đào tạo của Viện kiểm sát nhân dân tối cao và cơ sở đào tạo của Bộ Tư pháp. Theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật luật sư, Liên đoàn Luật sư Việt Nam cũng có thẩm quyền đào tạo luật sư.

Do vậy, trong 04 cơ sở đào tạo nêu trên, việc đào tạo chung nghiệp vụ xét xử, nghiệp vụ kiểm sát và nghề luật sư nên giao cho cơ sở đào tạo nào là hợp lý? Vấn đề này vẫn còn có hai quan điểm khác nhau. Quan điểm thứ nhất cho rằng, việc đào tạo chung nên giao cho tất cả các cơ sở đào tạo thực hiện, nếu như các cơ sở đào tạo này đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của Pháp lệnh. Quan điểm thứ hai cho rằng, hoạt động đào tạo chung này chỉ nên giao cho cơ sở đào tạo của Bộ Tư pháp thực hiện. Dự thảo Pháp lệnh đang được quy định theo hai phương án, tương ứng với hai loại quan điểm nêu trên.

Ban soạn thảo xác định đây sẽ là một trong các vấn đề quan trọng, cần đưa ra để xin ý kiến của Chính phủ.

Dự kiến ngày 04 tháng 7 năm 2015, dự án Pháp lệnh này sẽ được thẩm định và tại Phiên họp chuyên đề tháng 7, Chính phủ sẽ xem xét, thông qua.