Tổng kết công tác của Hội đồng Khoa học Bộ Tư pháp năm 2014, phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2015

13/02/2015
Tổng kết công tác của Hội đồng Khoa học Bộ Tư pháp năm 2014, phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2015
Sáng nay (13/02), Tại Bộ Tư pháp Bộ trưởng Hà Hùng Cường đã chủ trì Hội đồng Khoa học. Tham gia buổi họp còn có các Thứ trưởng Đinh Trung Tụng, Nguyễn Thúy Hiền, Nguyễn Khánh Ngọc, Phan Chí Hiếu và nguyên Thứ trưởng Hoàng Thế Liên.

Năm 2014 là năm hoạt động thứ ba của Hội đồng khoa học (HĐKH) Bộ Tư pháp nhiệm kỳ 2012 -2016. Đây là nhiệm kỳ có nhiều biến động về nhân sự của Hội đồng, tuy vậy HĐKH đã bám sát Kế hoạch công tác năm 2014, tích cực triển khai  nhiệm vụ và đã đạt được những kết quả nhất định.

Hội đồng khoa học phải xử lý những vấn đề nóng bỏng, khó khăn về lý luận

Tại Hội nghị Viện trưởng Viện Khoa học Pháp lý Nguyễn Văn Hiển cho biết, năm 2014, định hướng lớn của HĐKH là tập trung tư vấn cho Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ trong các vấn đề liên quan và phục vụ trực tiếp cho việc triển khai các chủ trương lớn của Bộ, ngành trong công tác xây dựng chính sách, xây dựng thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực quản lý cụ thể của Bộ, ngành. Ngoài ra HĐKH cũng chú trọng đến công tác đổi mới phương thức hoạt động.  

Trên cơ sở đó, HĐKH đã tổ chức 03 phiên họp thảo luận cho ý kiến với những vấn đề cơ bản như: Xây dựng kế hoạch công tác năm 2014 của HĐKH Bộ; Báo cáo tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn ba mươi năm đổi mới hệ thống chính trị, xây dựng nhà nước pháp quyền và nền dân chủ xã hội chủ nghĩa từ thực tiễn Bộ Tư pháp; Danh mục nhiệm vụ nghiên cứu khoa học cấp Bộ năm 2015 của Bộ Tư pháp. Tổ chức lấy ý kiến bằng văn bản cho nội dung “dự thảo Đề cương chi tiết Đề án Chiến lược phát triển ngành Tư pháp đến năm 2030”…

Viện trưởng cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại hạn chế như: các thành viên HĐKH Bộ chưa phát huy được hết năng lực, trí tuệ tương xứng với tiềm năng của HĐKH. Một số thành viên chưa dành thời gian thỏa đáng cho việc nghiên cứu tài liệu và tham gia ý kiến; cách thức tổ chức các cuộc họp của HĐKH Bộ tuy đã được đổi mới nhưng chưa đạt được hiệu quả như mong muốn; việc tư vấn thông qua việc lấy ý kiến bằng văn bản chưa thật hiệu quả.

 

Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế Dương Đăng Huệ cho rằng, thời gian vừa qua “vai trò của Hội đồng khoa học ngày càng suy giảm”, một trong những nguyên nhân lớn là do sự biến động về nhân sự; sự kết hợp giữa đơn vị trong Bộ với HĐKH vẫn còn mờ nhạt; HĐKH vẫn chưa ngang tầm với các nhiệm vụ được giao. Vụ trưởng thẳng thắn thừa nhận “trách nhiệm thuộc về chúng ta” và trong thời gian tới “không được để HĐKH chỉ mang tính minh họa”.

Vụ trưởng nhấn mạnh “Hội đồng là xử lý những vấn đề nóng bỏng khó khăn về lý luận” và đề nghị sắp tới phải nhanh chóng bổ sung, hoàn thiện cơ cấu HĐKH; chọn và tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm và chủ yếu; cần có cơ chế phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa Viện Khoa học Pháp lý, HĐKH và các đơn vị thuộc Bộ; rà soát lại thành viên Hội đồng để một thành viên không kiêm nhiệm quá nhiều việc.

Khoa học Pháp lý Việt Nam vẫn còn loay hoay thay đổi trong giai đoạn mới

Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật Lê Hồng Sơn nhận định, “Khoa học pháp lý Việt Nam vẫn còn độ trễ, có sự tách rời, sự loay hoay thay đổi trong tình hình hiện nay”. Theo Cục trưởng, nghiên cứu khoa học phải có tính ứng dụng và tính ứng dụng phải bám vào nhiệm vụ chính trị của Bộ, ngành, nhưng hiện nay vẫn có độ “văng” và “không bám được”. Cục trưởng cũng đề nghị, cần phải rút kinh nghiệm sâu sắc về cách thức làm việc “vì tính hành chính còn quá nặng”.

Nguyên Thứ trưởng Hoàng Thế Liên thì băn khoăn về “giá trị gia tăng của HĐKH mang lại; cách thức thế nào để khai thác được hết tổ chức của chúng ta”, đồng thời nhấn mạnh, năm 2016 là năm diễn ra Đại hội Đảng lần thứ XII, Báo cáo chính trị đang được xây dựng, do đó HĐKH cần nghiên cứu Báo cáo chính trị xem có những vẫn đề lớn liên quan đến tư pháp, pháp luật và góp ý, tạo cơ sở chính trị cho ngành để tiếp tục hoạt động cho tốt. Về thành viên HĐKH hiện nay vừa làm khoa học vừa làm quản lý, tính quản lý nặng hơn không có thời gian nghiên cứu, do đó phải tăng cường các chuyên gia;

Cần khôi phục hoạt động của các Tiểu ban chuyên môn

Để phát huy được vai trò của HĐKH, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu đưa ra một số giải pháp, trong đó nhấn mạnh về việc kiện toàn cơ cấu HĐKH, việc kiện toàn cơ cấu có thể theo thủ tục rút gọn; đồng thời cân nhắc khôi phục hoạt động của các Tiểu ban chuyên môn. Riêng về nhiệm vụ cụ thể, cần tiếp tục tổ chức cuộc họp góp ý kiến hoàn chỉnh Bộ luật Dân sự sửa đổi; cần đẩy nhanh tiến độ của dự án Pháp lệnh đào tạo một số chức danh tư pháp; Chương trình họp của HĐKH nên bổ sung nội dung về định hướng nghiên cứu lớn cho những năm tiếp theo.

Cơ bản nhất trí Báo cáo của Viện Khoa học Pháp lý, Thứ trưởng Đinh Trung Tụng  đề nghị, năm 2015, đối với dự án lớn của Bộ, ngành chủ trì thì HĐKH phải cho ý kiến như Bộ luật Hình sự sửa đổi, Bộ luật Dân sự sửa đổi, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, một số Luật, Pháp lệnh khác. Thứ trưởng cũng cho rằng cần khôi phục hoạt động của một số Tiểu ban chuyên môn, đồng thời tăng cường thu hút chuyên gia, nhà khoa học khác mà không phải là thành viên HĐKH.  

Trong năm 2015, Thứ trưởng Nguyễn Thúy Hiền yêu cầu, phải bảo đảm đầy đủ các phiên họp trong 4 Quý, phải chuẩn bị tốt nội dung, khâu chuẩn bị tài liệu phải đổi mới, kịp thời. Đồng tình với những hạn chế đã nêu trong Báo cáo, Thứ trưởng cũng chỉ ra một nguyên nhân sâu xa là do “lực lượng chuyên gia, đầu ngành trong từng lĩnh vực của Bộ, ngành vài năm trở lại đây rất thiếu hụt”. Thứ trưởng cũng cho rằng, phương hướng năm 2015 đề ra thì rộng, nhưng nhiệm vụ lại mỏng, do đó cần xác định các nhóm nhiệm vụ cụ thể và trọng tâm để thực hiện.

Nhìn lại kết quả hoạt động của HĐKH trong năm qua, Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho rằng vẫn có hoạt động “còn mang nặng tính hành chính”; đối chiếu với chức năng, nhiệm vụ của HĐKH vẫn còn chưa tương xứng, Bộ trưởng đặt câu hỏi “giá trị gia tăng của HĐKH mang lại là gì?”. Đồng tình với các hạn chế đã được chỉ ra trong Báo cáo, Bộ trưởng chỉ ra các nguyên nhân trong đó có nguyên nhân từ chính nhận thức của HĐKH, của các đơn vị đặt hàng và từ bản thân của Viện Khoa học Pháp lý - một thiết chế nghiên cứu và giúp việc HĐKH. Chỉ ra các nhiệm vụ phải làm trong năm 2015, Bộ trưởng đề nghị, năm 2015 “phải đổi mới mạnh mẽ hoạt động của HĐKH từ nội dung, thể chế, phương thực hoạt động”. về nhiệm vụ thực hiện cần chọn ra các vấn đề lớn, mang tính khái quát cao, có ảnh hưởng lớn, có tính khả thi nhưng phải tránh trùng lấn; Năm 2015, “HĐKH phải giúp cho Bộ hoàn thiện Chiến lược phát triển ngành đi cùng là Quy hoạch, đây là trọng tâm phải phấn đấu”…

Về giải pháp, Bộ trưởng nhấn mạnh đến việc đổi mới nhận thức, kiện toàn cơ cấu HĐKH của Bộ; nghiên cứu việc sửa đổi thể chế, kiện toàn các tiểu ban, tổ chức bộ máy của Viện Khoa học pháp lý và chính sách đối với các chuyên gia… Đối với vấn đề truyền thông, Bộ trưởng cho rằng “nghiên cứu khoa học không có gì bí mật, do đó cần nghiên cứu để phổ biến rộng rãi kết quả nghiên cứu khoa học”.