Phiên họp lần thứ 4 Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương

12/02/2015
Phiên họp lần thứ 4 Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương
Chiều nay (12/02), Chủ tịch Hội đồng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường đã chủ trì Phiên họp Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục Trung ương (gọi tắt là Hội đồng TƯ) lần thứ 4 nhằm tập trung tổng kết hoạt động của Hội đồng các cấp năm 2014, phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp công tác năm 2015.
  

 

Thực hiện tốt công tác tư vấn, tham mưu

Năm 2014, Hội đồng các cấp đã tập trung tư vấn, tham mưu hoàn thiện thể chế về phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL); hướng dẫn các cấp, các ngành đổi mới nội dung, tổ chức triển khai thực hiện nhiều hình thức, mô hình PBGDPL mới phù hợp với đối tượng, địa bàn, định hướng chủ đề nội dung pháp luật trọng tâm cần phổ biến, nhờ vậy công tác PBGDPL ngày càng đi vào thực chất, bám sát các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước và của từng Bộ, Ngành, địa phương. Bên cạnh đó, Hội đồng đã làm tốt chức năng tham mưu, tư vấn cho Lãnh đạo các Bộ, Ngành, địa phương triển khai công tác PBGDPL trọng tâm là quán triệt, giới thiệu, phổ biến Hiến pháp năm 2013 và các Luật mới được Quốc hội thông qua khóa XIII thông qua; tổ chức thành công Lễ hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam và cuộc thi viết “tìm hiểu Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.

Các hoạt động của Hội đồng từ Trung ương đến địa phương đã đồng bộ hơn, bám sát chức năng, nhiệm vụ, trong đó quan tâm tư vấn củng cố, kiện toàn Hội đồng, nâng cao chất lượng đội ngũ làm công tác PBGDPL; PBGDPL cho một số đối tượng đặc thù và bảo đảm kinh phí cho công tác PBGDPL. Một số hình thức, mô hình PBGDPL mới, sáng tạo đã được triển khai ở địa phương mang lại hiệu quả thiết thực; công tác thông tin, báo cáo đã tiến bộ hơn các năm trước.

Kiểm tra toàn diện, xác định địa bàn còn vướng mắc để củng cố công tác PBGDPL

Theo Kế hoạch hoạt động của Hội đồng Trung ương, năm 2014 đã có 03 Đoàn kiểm tra công tác PBGDPL. Qua kiểm tra tại một số Bộ, ngành, địa phương cho thấy công tác PBGDPL đã được Lãnh đạo Bộ, ngành, địa phương quan tâm chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện. Ngành Tư pháp và Ngành Giáo dục và Đào tạo đã có sự phối hợp chặt chẽ hơn trong tổ chức triển khai công tác PBGDPL trong các cơ sở giáo dục, đưa công tác PBGDPL vào các nhà trường. Hội đồng của một số Bộ, ngành như Bộ Tài chính, Bộ Quốc phòng, Bộ Nông nghiệp phát triển nông thôn đã chủ động tổ chức kiểm tra công tác PBGDPL đối với cơ quan, đơn vị trực thuộc.

   

Về vấn đề tự kiểm tra, một số đại biểu đề nghị cần có hướng dẫn để các Bộ, Ngành, địa phương tự kiểm tra, tăng tính chủ động, sau đó báo cáo về, trên cơ sở báo cáo Hội đồng sẽ thực hiện kiểm tra điểm. Bên cạnh đó, phải có sự lồng ghép công tác kiểm tra và công tác khác để tránh trùng lặp.

Phổ biến giáo dục pháp luật đi vào chiều sâu và chiều rộng

Một số thành viên Hội đồng cho rằng năm 2015 cần đổi mới công tác tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng, vùng miền; tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục cho các đối tượng đặc thù nhất là người dân tộc thiểu số, người dân ở các vùng biên giới. Công tác PBGDPL phải cụ thể hơn, hiệu quả hơn, tránh hình thức; bổ vào Kế hoạch năm 2015 việc tuyên truyền, phổ biến về Bộ luật dân sự (sửa đổi) ngay từ khi còn là dự thảo; xác định chủ đề của năm và thực hiện PBGDPL theo chủ đề… Đồng tình và tiếp thu các các ý kiến trên, Quyền Vụ trưởng Vụ Phổ biến giáo dục pháp luật Đỗ Xuân Lân cho rằng, năm 2015 phải xác định trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương và của từng thành viên Hội đồng để tăng cường hơn nữa cơ chế phối hợp; hướng dẫn đổi mới nội dung, phương pháp PBGDPL; các Bộ, ngành cần phối hợp giữa Bộ Tư pháp trong việc sớm cung cấp tài liệu để sử dụng. Bên cạnh đó cần có giải pháp cụ thể để phổ biến giáo dục pháp luật không chỉ mở rộng mà còn đi vào chiều sâu.

 

   

Phát biểu kết luận Phiên họp, Bộ trưởng Hà Hùng Cường nhấn mạnh, năm 2014 là năm đầu tiên triển khai thi hành Hiến pháp 2013, là năm thứ 2 triển khai thi hành Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012, công tác PBGDPL đã gặt hái được nhiều kết quả, có nhiều chuyển biến tích cực, mang lại hiệu quả hơn, từng bước đi vào thực chất. Song Bộ trưởng cũng thẳng thắn chỉ ra các tồn tại, hạn chế như việc hướng dẫn xây dựng, ban hành chương trình, kế hoạch phổ biến vẫn còn chậm; nội dung, chương trình còn dàn trải, chưa có trọng tâm, trọng điểm; công tác kiểm tra còn hạn chế, hiệu quả chưa cao; sự huy động nguồn lực xã hội hóa công tác này còn mức độ...

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tồn tại, hạn chế và Bộ trưởng nhấn mạnh về vấn đề nhận thức cũng như việc xác định trách nhiệm chưa đầy đủ, việc xác định vị trí vai trò của Hội đồng cấp tỉnh và một số Bộ còn thiếu đồng bộ, chưa phát huy tốt vai trò cơ quan Thường trực của Hội đồng, nhất là công tác điều phối, tham mưu…

Bộ trưởng cho rằng, hiện nay tình hình vi phạm pháp luật diễn biến phức tạp, có người cố tình vi phạm, nhưng nhiều “người chưa hiểu biết pháp luật mà vi phạm pháp luật là điều đáng trách của chúng ta”, Bộ trưởng nói “nhất là người đồng bào dân tộc vi phạm pháp luật mà không biết, đó là trách nhiệm phổ biến giáo dục của chúng ta”.

Bộ trưởng yêu cầu, năm 2015 cần phải gắn tuyên tuyền PBGDPL Hiến pháp và pháp luật với thi hành pháp luật; việc thực hiện tuyên truyền PBGDPL phải có trọng tâm, trọng điểm; vận động nhân dân, các ngành, các cấp tham gia vào dự thảo Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự - “những đạo luật hệ trọng đối với đời sống người dân, doanh nghiệp”; xây dựng bộ tiêu chí để đánh giá hiệu quả công tác PBGDPL; cần nghiên cứu thêm để điều chỉnh trong kế hoạch việc tổ chức sơ kết 3 năm thi hành Luật PBDGPL; tăng cường PBGDPL cho các nhóm đối tượng đặc thù đã được quy định trong luật.