Hội nghị công tác pháp chế khu vực phía Nam năm 2017

21/08/2017
Hội nghị công tác pháp chế khu vực phía Nam năm 2017
Vừa qua, Bộ Tư pháp phối hợp với Viện Konrad - Adenauer - Stiftung, Cộng hòa Liên bang Đức tại Việt Nam tổ chức Hội nghị công tác pháp chế khu vực phía Nam năm 2017; tập huấn nghiệp vụ và Hội thảo hoàn thiện pháp luật về công tác pháp chế. Ông Nguyễn Hồng Tuyến, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp và ông Peter Girke, Trưởng đại diện Viện KAS, Cộng hòa liên bang Đức tại Việt Nam đồng chủ trì Hội nghị.
Thành phần tham dự Hội nghị, Hội thảo có Giám đốc, Phó Giám đốc và người làm công tác xây dựng pháp luật của một số Sở Tư pháp khu vực phía Nam; các cơ quan chuyên môn, doanh nghiệp nhà nước thuộc Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh; người làm công tác pháp chế tại các đơn vị sự nghiệp công lập, trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.
 Tại Hội nghị, các báo cáo viên đã trình bày về kỹ năng tập huấn về pháp luật và kỹ năng thuyết trình; kỹ năng lập đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; kỹ năng soạn thảo, thẩm định văn bản quy phạm pháp luật. Hội thảo “Hoàn thiện pháp luật về công tác pháp chế” các báo cáo viên trình bày tham luận hoàn thiện pháp luật về tổ chức bộ máy, biên chế của tổ chức pháp chế và tiêu chuẩn người làm công tác pháp chế; hoàn thiện quy định của pháp luật về tổ chức pháp chế tại đơn vị sự nghiệp công lập; cơ chế phối hợp và huy động sự tham gia của xã hội vào công tác pháp chế; hoàn thiện pháp luật về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức pháp chế trong doanh nghiệp và tổng quan tình hình thực hiện pháp luật về công tác pháp chế. Đồng thời các đại biểu cũng tập trung trao đổi về các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác pháp chế trong thời gian tới.
Trao đổi về các khó khăn, vướng mắc trong công tác pháp chế và kiến nghị các giải pháp nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập của Nghị định số 55/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế, các địa phương cho rằng việc duy trì các Phòng Pháp chế tại các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh như Nghị định số 55/2011/NĐ-CP hiện nay là không khả thi nhất là trong bối cảnh thực hiện chủ trương tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy. Do vậy, để ổn định và nâng cao hiệu quả của công tác pháp chế, các đại biểu đề xuất các giải pháp, sáng kiến nhằm nâng cao công tác này. Ông  Cao Thanh Sơn, Giám đốc Sở Tư pháp An Giang kiến nghị Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ cần phải nghiên cứu để có mô hình tổ chức pháp chế cho phù hợp với yêu cầu đối với từng địa phương, từng ngành, từng Sở. Ông cũng đề nghị công tác pháp chế ở các Sở, cơ quan chuyên môn nên gắn với Chánh Văn phòng của Sở hoặc Thanh tra Sở. Đồng thời, cần phải nghiên cứu ban hành cơ chế, chính sách để hỗ trợ, khuyến khích đối với cán bộ làm công tác pháp chế ở địa phương, chế độ phụ cấp đối với người làm công tác pháp chế; tăng cường tập huấn với nội dung và phương thức phù hợp theo nhu cầu của người làm công tác pháp chế. Bên cạnh đó, ông Sơn cũng đề nghị Bộ Tư pháp nghiên cứu để tổ chức cuộc thi cho cán bộ pháp chế giỏi; tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan ở Trung ương, địa phương và trong nội bộ từng cơ quan ở địa phương trong công tác pháp chế…
Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật