Thời gian cấp phiếu lý lịch tư pháp sẽ được rút ngắn

02/03/2011
Hôm nay (02/3), Bộ Tư pháp chính thức công bố việc ra đời và đi vào hoạt động của Trung tâm Lý lịch tư pháp (LLTP) quốc gia. Ông Đặng Thanh Sơn, Giám đốc Trung tâm LLTP quốc gia cho biết: “Sự ra đời của Trung tâm sẽ giúp việc cấp Phiếu LLTP cho công dân một cách thuận tiện, hiệu quả và rút ngắn thời gian giải quyết phù hợp với định hướng xây dựng Nhà nước pháp quyền và xu thế cải cách tư pháp hiện nay”.

Tích hợp dữ liệu chung toàn quốc

PV: LLTP là một nhu cầu thiết yếu của công dân, tại sao đến bây giờ Trung tâm LLTP Quốc gia mới được thành lập, thưa ông?

*. Ông Đặng Thanh Sơn: Quản lý LLTP ở nước ta đã có lịch sử hơn 100 năm nay, tuy nhiên, ở mỗi thời kỳ khác nhau do các cơ quan khác nhau quản lý. Do nhiều cơ quan quản lý như vậy, nên hiện nay các thông tin về LLTP đang bị phân tán ở nhiều cơ quan khác nhau như Toà án, Viện Kiểm sát, Công an, Quốc phòng, Tư pháp.

Trong những năm vừa qua, để có căn cứ cấp Phiếu LLTP cho công dân, Sở Tư pháp phải tra cứu tại nhiều các cơ quan khác nhau như tại hệ thống tàng thư căn cước tội phạm của ngành Công an và từ hồ sơ của Tòa án. Chính điều này đã kéo dài thời gian cấp Phiếu LLTP cho công dân.

Theo quy định của Luật LLTP và Nghị định số 111/2010/NĐ-CP ngày 23/11/2010 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật LLTP, cơ sở dữ liệu LLTP được xây dựng, quản lý tại Trung tâm LLTP quốc gia và tại các Sở Tư pháp. Việc xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu LLTP đòi hỏi Trung tâm LLTP quốc gia và Sở Tư pháp phải tiếp nhận, cập nhật, xử lý rất nhiều loại thông tin LLTP như bản án, quyết định của Toà án, các loại văn bản tài liệu của các cơ quan, tổ chức có liên quan đến quá trình thi hành các bản án, quyết định đó với số lượng hàng năm lên đến hàng trăm nghìn vụ việc, cập nhập các thông tin về nhân thân của người bị kết án, thông tin LLTP về cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã. Với khối lượng công việc như vậy cần thiết phải thành lập một cơ quan quản lý độc lập để quản lý về dữ liệu LLTP và chịu trách nhiệm trong việc xây dựng mới từ đầu hệ thống dữ liệu LLTP.

Trung tâm LLTP quốc gia được thành lập sẽ là trung tâm tích hợp dữ liệu LLTP chung toàn quốc, giúp cho việc cung cấp, trao đổi thông tin về LLTP giữa Trung tâm, Sở Tư pháp và các cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu khác một cách nhanh chóng, chính xác, hiệu quả.

PV: Khi đi vào hoạt động, Trung tâm sẽ đảm trách những nhiệm vụ cụ thể gì, thưa ông?

*. Theo quy định tại Quyết định số 97/QĐ-BTP ngày 26/01/2011 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Trung tâm LLTP quốc gia, thì Trung tâm LLTP quốc gia là đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ Tư pháp. Bên cạnh việc xây dựng, quản lý, khai thác và bảo vệ cơ sở dữ liệu LLTP trong phạm vi cả nước, Trung tâm còn có nhiệm vụ trong việc hướng dẫn việc xây dựng quản lý, khai thác và bảo vệ cơ sở dữ liệu LLTP tại Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Đồng thời, tiếp nhận, cập nhật, xử lý thông tin LLTP do Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, cơ quan có thẩm quyền thuộc Bộ Công an, cơ quan thi hành án thuộc Bộ Quốc phòng và Sở Tư pháp cung cấp thông tin LLTP cho các Sở Tư pháp và các cơ quan tiến hành tố tụng, cấp Phiếu LLTP theo thẩm quyền.

Ngoài ra, Trung tâm LLTP quốc gia còn thực hiện các nhiệm vụ khác như việc xây dựng các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch chủ trương, chính sách trung và dài hạn về LLTP; xây dựng và trình Bộ trưởng ban hành và hướng dẫn, kiểm tra việc sử dụng các biểu mẫu, giấy tờ, sổ sách về LLTP; đào tạo bồi dưỡng về nghiệp vụ về LLTP cho cán bộ làm công tác quản lý LLTP.

Một trong những nhiệm vụ quan trọng nữa phải kể đến, đó là việc triển khai  ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng cơ sở dữ liệu và quản lý LLTP theo quy định của pháp luật và phân cấp của Bộ.

Quy định cụ thể trách nhiệm các cơ quan hữu quan

PV: Như ông nói thì trước khi Trung tâm LLTP quốc gia ra đời thì thông tin về LLTP ở nước ta do nhiều cơ quan khác nhau nắm giữ, các ông có phương án gì để khắc phục sự phân tán này sau khi Trung tâm đi vào hoạt động?

*. Trung tâm LLTP quốc gia có nhiệm vụ tiếp nhận khoảng 24 loại thông tin từ các cơ quan khác nhau như Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, cơ quan có thẩm quyền thuộc Bộ Công an, cơ quan thi hành án dân sự thuộc Bộ Quốc phòng, cơ quan quản lý xuất nhập cảnh...

Trong quá trình tác nghiệp, Trung tâm LLTP quốc gia cũng như các Sở Tư pháp cần đến sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả và có trách nhiệm trong việc cung cấp thông tin LLTP từ phía các cơ quan  đó để bảo đảm cơ sở dữ liệu LLTP được cập nhập, xử lý, lưu trữ kịp thời và chính xác.

Việc xây dựng cơ sở dữ liệu LLTP đặt ra yêu cầu không chỉ tiếp nhận và cập nhập thông tin thông tin về án tích của những người bị kết án từ ngày Luật LLTP có hiệu lực mà còn phải tích hợp dữ liệu về án tích đã có từ trước, do vậy đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ, có trách nhiệm của các cơ quan nhà nước có liên quan, đặc biệt là Tòa án, Công an trong việc cung cấp thông tin cho Trung tâm LLTP quốc gia.

Hiện nay, chúng tôi đang dự thảo Thông tư liên tịch giữa Bộ Tư pháp - Tòa án nhân dân tối cao - Viện Kiểm sát nhân dân tối cao - Bộ Công an- Bộ Quốc phòng về trình tự, thủ tục tra cứu, cung cấp, trao đổi thông tin LLTP. Trong Dự thảo Thông tư dự kiến sẽ có quy định cụ thể trách nhiệm của các cơ quan hữu quan trong việc tra cứu, cung cấp, trao đổi thông tin LLTP và đầu mối để liên hệ, phối hợp.

Dự thảo văn bản cũng quy định định kỳ hàng quý Trung tâm LLTP quốc gia và các cơ quan hữu quan thực hiện rà soát việc cung cấp thông tin LLTP để tránh các trường hợp nhầm lẫn hoặc bỏ sót.

PV: Xin cảm ơn ông!

PV( thực hiện)