Bảo đảm quyền con người trong tố tụng hình sự: Phải “cải” từ mô hình, bộ máy đến người thực thi

30/12/2010
Bảo đảm quyền con người trong tố tụng hình sự: Phải “cải” từ mô hình, bộ máy đến người thực thi
Ngày 28/12/2010, Trường Đại học Luật Hà Nội đã tổ chức Hội thảo “Pháp luật tố tụng hình sự (TTHS) với việc đảm bảo quyền con người và quyền công dân”. Với những cách tiếp cận khác nhau, các chuyên gia đến từ nhiều cơ quan, ban ngành đã đưa ra những kiến nghị nhằm hoàn thiện các quy định của BLTTHS cũng như các quy định liên quan.

Mô hình nào cho tố tụng hình sự Việt Nam?

Hiện nay ở nước ta có ba mô hình cho tố tụng hình sự: đó là thẩm vấn (xét hỏi), tranh tụng và đan xen giữa thẩm vấn và tranh tụng. Có ý kiến cho rằng để thực hiện yêu cầu về cải cách tư pháp theo tinh thần Nghị quyết 48, 49 của Bộ Chính trị thì cần chuyển hoạt động tố tụng hiện hành sang kiểu tố tụng tranh tụng một cách triệt để. Tuy nhiên, theo TS. Nguyễn Ngọc Chí, đến từ Khoa Luật, Trường ĐH Quốc gia Hà Nội thì mỗi mô hình tố tụng đều có một cách thức tổ chức nhà nước tương ứng phù hợp. Nếu chuyển đổi hoạt động TTHS sang mô hình TTHS tranh tụng ở nước ta phải có sự thay đổi lớn về tổ chức hoạt động của bộ máy nhà nước, về tổ chức cơ quan điều tra, truy tố xét xử… Mặc dù vậy, theo TS. Chí, cũng không thể giữ nguyên mô hình TTHS hiện tại. Sau khi đưa ra các lý do cho quan điểm nói trên, TS. Chí đề nghị nên lựa chọn mô hình TTHS thẩm vấn, có sự đan xen, tiếp thu những điểm tiến bộ, phù hợp của mô hình TTHS tranh tụng.

Đưa ra con số chỉ có 18% vụ án hình sự có luật sư bào chữa, trong đó có đến 10% là chỉ định Phó Chánh án TANDTC, Chánh án Tòa án Quân sự TW, PGS.TS Trần Văn Độ dẫn thêm một ví dụ minh họa cho thấy thực tế tranh tụng trong nhiều vụ án hình sự ở Việt Nam. Khi Kiểm sát viên hỏi bị cáo có ý kiến gì về mức án Viện Kiểm sát đề nghị truy tố ở khung hình phạt tử hình thì bị cáo gật đầu ngay tấp lự “đồng ý ạ”. Dẫn ra để cho thấy với trình độ hiểu biết pháp luật của một bộ phận người dân cũng như điều kiện về kinh tế của họ không thể mời luật sư bào chữa, ông Độ cho rằng “trong điều kiện hiện nay chúng ta khó có thể áp dụng cơ chế tranh tụng, mà chỉ nên làm tốt việc xét hỏi và tăng cường tranh tụng”.

Con người là khâu “then chốt”

Cũng theo PGS.TS Trần Văn Độ cơ chế bảo vệ quyền con người trong TTHS có 5 vấn đề phải quan tâm, trong đó ông Độ nhấn mạnh đến tính tùy nghi của cơ quan tiến hành tố tụng “ta giao cho người tiến hành tố tụng toàn quyền chủ động trong việc quyết định án giam, án treo, hay người tham gia tố tụng có thể có mặt, vắng mặt, có thể được phát biểu, tranh tụng… và những tùy nghi trong thực hiện thủ tục tố tụng đó thực sự nguy hiểm”. Nên, vấn đề mấu chốt là đảm bảo quyền con người trong TTHS một phần quyết định bởi những người tiến hành tố tụng.

Đánh giá thời gian gần đây, cùng với việc nâng cao chất lượng của hoạt động điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự, tình hình xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân trong TTHS được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, TS. Bùi Kiên Điện, Trường ĐH Luật Hà Nội cho rằng tình trạng oan sai, tiêu cực vẫn còn. Ngoài việc hoàn thiện các quy định của BLTTHS, TS Điện đề nghị: cần nâng cao hơn nữa trình độ chuyên môn nghiệp vụ; nâng cao ý thức trách nhiệm của các chủ thể tiến hành tố tụng.

Nhìn nhận vấn đề bảo đảm quyền con người, quyền công dân khi áp dụng các biện pháp cưỡng chế tố tụng trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự, GS.TS Nguyễn Văn Cảnh, Học viện Cảnh sát nhân dân đề nghị: cần tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, tăng cường hiệu quả giám sát hoạt động tư pháp từ phía các cơ quan nhà nước và nhân dân. Đồng thời, phát hiện và xử lý kỷ luật đối với những người có hành vi xâm phạm quyền tự do dân chủ của công dân trong TTHS. Những hành vi của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng xâm phạm quyền tự do dân chủ của công dân chưa đến mức độ truy cứu trách nhiệm hình sự thì tùy tính chất, mức độ phải được xử lý kỷ luật một cách hợp lý; phải được đánh giá để bãi miễn hoặc không tái bổ nhiệm các chức danh chuyên môn.

Huy Hoàng