Xử lý vi phạm hành chính: Sẽ có thêm nhiều hình thức xử phạt

05/04/2010
Bên cạnh 2 hình thức xử phạt chính là cảnh cáo và phạt tiền, dự thảo Luật Xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC) sẽ bổ sung nhiều hình thức xử phạt khác. Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự - hành chính (Bộ Tư pháp) Đặng Thanh Sơn đã cho biết như vậy tại cuộc họp Ban soạn thảo và Tổ biên tập diễn ra vào ngày (02/4).

Thêm nhưng phải cân nhắc

Pháp lệnh XLVPHC năm 2002 (được sửa đổi, bổ sung năm 2008) quy định, cá nhân, tổ chức vi phạm phải chịu một trong 2 hình thức xử phạt chính là cảnh cáo và phạt tiền. Còn theo dự thảo Luật, một số hình thức xử phạt bổ sung của Pháp lệnh có thể là hình thức chính như tước quyền sử dụng giấy phép; tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để VPHC. Ngoài ra, dự luật có thêm nhiều hình thức khác như buộc lao động phục vụ cộng đồng; trục xuất; tạm đình chỉ sản xuất, hoạt động (áp dụng đối với một số lĩnh vực hạn chế); buộc học tập các quy định của pháp luật về hành vi VPHC.

Các ý kiến đều tán thành việc mở rộng hình thức nhưng lại băn khoăn về nội dung của một số hình thức. Ông Đặng Đình Luyến (Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Quốc hội) cho rằng 2 hình thức xử phạt tạm dừng sản xuất và tước quyền sử dụng giấy phép chính là hơi trùng nhau. Bà Đào Xuân Lan (Phó Chánh án Tòa Hành chính, TANDTC) nhấn mạnh, một số hình thức xử phạt mới nhằm tăng hiệu lực, hiệu quả quản lý song cũng rất cần thận trọng. Chẳng hạn, tạm đình chỉ hoạt động của một tổ chức, cơ sở sản xuất nào đó sẽ liên quan đến các đối tượng tham gia lao động của tổ chức, cơ sở sản xuất, thậm chí có thể dẫn tới biểu tình, đình công. Thành viên Tổ biên tập đến từ Bộ Công an khẳng định, kinh nghiệm của các nước cũng áp dụng hình thức tước quyền lãnh đạo pháp nhân, tạm ngừng sản xuất nhưng với Việt Nam thì phải tính toán kỹ, nếu không sẽ đụng chạm quyền lợi của người lao động.

Sau khi nghe các ý kiến trên, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường - Trưởng Ban soạn thảo và Thứ trưởng Thường trực Hoàng Thế Liên - Phó trưởng Ban soạn thảo nhất trí, các hình thức xử phạt phải được mở rộng ngoài cảnh cáo và phạt tiền. Tuy nhiên, hai vị lãnh đạo lưu ý, cần nghiên cứu tiếp 2 hình thức tước giấy phép và tạm đình chỉ hoạt động, sản xuất để không bị trái với các đạo luật khác và tránh tạo ra hệ lụy xấu cho người lao động.

Bỏ biện pháp bắt buộc chữa bệnh – được không?

Thực hiện tinh thần của Bộ luật Hình sự (sửa đổi) và Công ước của Liên hợp quốc về quyền con người, dự thảo Luật XLVPHC dự kiến bỏ biện pháp xử lý hành chính là bắt buộc đưa vào cơ sở chữa bệnh. Tuy nhiên có thể thấy, việc làm trên sẽ không hề dễ dàng. Theo thống kê của Bộ Công an, năm 2008 có khoảng 118 nghìn trường hợp phải đưa vào cơ sở chữa bệnh, cơ sở giáo dục khoảng 25 nghìn và 14-15 nghìn vào trường giáo dưỡng. Như vậy, khi không còn biện pháp bắt buộc đưa cơ sở chữa bệnh, không hiểu trường giáo dưỡng và cơ sở giáo dục có tải nổi không?

Nhận định đây là một tồn tại lịch sử, nhất định phải có biện pháp thay thế khác nhưng các thành viên Ban soạn thảo và Tổ biên tập cho rằng, để làm được thì các biện pháp phải nằm trong cả tổng thể. Một thành viên còn ví von, 3 biện pháp xử lý ấy giống như một cái túi 3 ngăn, giảm ngăn này thì tăng cái kia. Đó là chưa nói đến việc chúng ta cũng cần phải giảm dần biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng bởi chúng liên quan đến quyền công dân, quyền tự do thân thể.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Hà Hùng Cường chỉ đạo, tổ biên tập phải làm rõ, không còn biện pháp bắt buộc đưa vào cơ sở chữa bệnh thì các trường hợp sẽ rơi hết vào 2 cơ sở kia mà có thể sẽ là khuyến khích đi chữa bệnh. Bên cạnh đó, sẽ tăng cường giáo dục tại xã phường thị trấn khi vào năm 2012 - thời điểm dự kiến Luật có hiệu lực, trách nhiệm của xã phường thị trấn được tăng cường, đội ngũ nhân lực được kiện toàn.

Thục Quyên

Không khen thưởng, không lập quỹ: Ông Đặng Thanh Sơn cho biết, sau thời gian thi hành Pháp lệnh những năm vừa qua, một số vấn đề sẽ được nghiên cứu để bổ sung vào dự luật như trích thưởng, lập quỹ hỗ trợ phòng chống VPHC. Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường - Trưởng Ban soạn thảo thẳng thắn bác bỏ. Bộ trưởng phân tích, dùng việc trích thưởng như là một động lực để xử phạt là vô cùng nguy hiểm. Còn vấn đề lập quỹ, đến năm 2012 cải cách tiền lương cơ bản hoàn thành, đồng thời các mức chi, dự toán ngân sách cho hoạt động trong lĩnh vực này cứ theo Luật Ngân sách (cũng sẽ được sửa đổi) mà làm. “Chúng ta nên động viên nhân dân tham gia giám sát, chứ không đặt ra chuyện khen thưởng rất dễ méo mó”, Bộ trưởng đề nghị.