Đấu tranh chống tham nhũng và tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh

12/10/2018
Đấu tranh chống tham nhũng và tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Sinh thời Bác Hồ đã chỉ rõ : “Tham ô, lãng phí, quan liêu là một thứ giặc ở trong lòng” và biện pháp quan trọng hàng đầu để đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí chính là giáo dục tư tưởng cho quần chúng. Người nói: “làm cho quần chúng khinh ghét tệ tham ô, lãng phí, quan liêu; biến hàng trăm, hàng triệu con mắt, lỗ tai cảnh giác của quần chúng thành những ngọn đèn pha soi sáng khắp mọi nơi, không để cho tệ tham ô, lãng phí, quan liêu còn chỗ ẩn nấp”.

Trong bài nói chuyện năm 1952 về “Thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, chống bệnh quan liêu”, Bác Hồ giải thích : Đứng về phía cán bộ mà nói, ăn cắp của công làm của tư. Đục khoét của nhân dân. Ăn bớt của bộ đội. Tiêu ít mà khai nhiều, lợi dụng của chung của chính phủ để làm quỹ riêng cho địa phương mình, đơn vị mình cũng là tham ô. Đứng về phía nhân dân mà nói, tham ô là: “ ăn cắp của công, khai gian, lậu thuế”, “tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu là kẻ thù của nhân dân, của bộ đội và của chính phủ”. Chính vì việc coi “Tham ô, lãng phí, quan liêu là một thứ giặc ở trong lòng”, nên việc chống loại kẻ địch này rất khó khăn, phức tạp hơn cả việc chống lại giặc ngoại xâm. Chống giặc tham nhũng phải được xem là một đặc thù và có sự tham gia của tất cả các cán bộ, đảng viên và quần chúng Nhân dân. Cán bộ, đảng viên không được nể nang, không sợ trù dập để kiên quyết chống lại tệ tham nhũng. Đối với quần chúng Nhân dân tăng cường vai trò giám sát của mình thông qua các hình thức. Sự phản ánh của quần chúng Nhân dân chính là một trong các cơ sở để cơ quan có thẩm quyền vào cuộc thanh tra, kiểm tra. 
Tham nhũng bị coi là một tệ nạn và gây nên sự "nhức nhối" ở nhiều quốc gia đang phát triển, thậm chí cả những quốc gia phát triển cũng đã có nhiều vụ bê bối về tham nhũng. Tệ tham nhũng ngày càng diễn biến tinh vi hơn, phức tạp hơn, quy mô lớn hơn gây lên thất thoát rất lớn cho Nhà nước, cho Nhân dân. Do vậy chống tệ nạn tham nhũng được coi là quyết tâm chính trị của Đảng và Nhà nước ta. Chính vì vậy những năm trở lại đây, nhất là trong hai năm trở lại đây, cuộc đấu tranh chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước và Nhân dân rất quyết liệt. Những vụ đại án thời gian qua lần lượt được đưa ra xét xử nghiêm minh, có cán bộ nguyên là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng cũng chịu sự xét xử của pháp luật. Công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng của Đảng thể hiện rõ không có “vùng cấm” nào.
Trong những năm qua, Đảng ta cũng đã xây dựng nhiều giải pháp cho công tác phòng, chống tham nhũng. 
Toàn Đảng đang tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ kết hợp với triển khai thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Mỗi cán bộ, đảng viên, đặc biệt là những người có chức, có quyền phải tự soi mình hàng ngày, đối chiếu các biểu hiện để rèn luyện, tu dưỡng.
Để làm theo tư tưởng của Bác Hồ trong đấu tranh ngăn chặn và đẩy lùi nguy cơ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, đồng thời tiếp tục quán triệt và thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X (2006-2011) Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, cần tập trung thực hiện một số vấn đề như:
1. Thường xuyên tự giác tu dưỡng, rèn luyện, phê bình và tự phê bình
Tự phê bình và phê bình phải nhằm mục đích để giúp nhau tiến bộ nên động cơ phải trong sáng, dựa trên “tình đồng chí thương yêu nhau”; không vì phê bình mà công kích áp đặt khuyết điểm cho nhau. Khi phê bình người khác không được xoi mói “bới lông, tìm vết” để tìm cơ hội “hạ bệ’ lẫn nhau; “tránh công kích cá nhân, cãi bướng, trả thù, tiểu khí”. Thực hành tự phê bình và phê bình  phải dân chủ, không mệnh lệnh, áp đặt.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “Tự phê bình và sữa chữa có khi dễ, nhưng có khi cũng khó khăn, đau đớn vì tự ái, vì thói quen, hoặc vì nguyên nhân khác. Đó là một cuộc đấu tranh”. Vì thế thực hiện tự phê bình và phê bình  phải “Ráo riết, triệt để”, đúng mức, thật thà không nể nang, không thêm bớt.
Tự phê bình và phê bình  phải “biết cách phê bình sáng suốt, khôn khéo, như chiếu tấm gương cho mọi người soi thấu những khuyết điểm của mình, để tự mình sữa chữa”. Tự phê bình và phê bình  phải được tiến hành trong tổ chức, chứ không phải gặp đâu nói đó. Người đứng đầu phải rất công minh, tạo được chỗ dựa tin cậy, khơi dậy được không khí dân chủ, thẳng thắn để ai cũng có thể nói rõ chính kiến của mình.
2. Xây dựng và lựa chọn cán bộ lãnh đạo, quản lý các cơ quan Đảng, Nhà nước có tài có đức
Sinh thời Người cho rằng, Cán bộ là cái dây chuyền của bộ máy. Nếu dây chuyền không tốt, không chạy thì động cơ dù tốt, dù chạy, toàn bộ máy cũng tê liệt. Cán bộ là những người đem chính sách của Chính phủ, của Đoàn thể thi hành trong nhân dân, nếu cán bộ dở thì chính sách hay cũng không thể thực hiện được. Chính vì cán bộ là cái gốc của mọi công việc nên việc lựa chọn cán bộ phải tuân theo những tiêu chuẩn nhất định như phải có đạo đức cách mạng, phải tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc, với sự nghiệp cách mạng của nhân dân; có mối liên hệ mật thiết với nhân dân, hiểu biết nhân dân, luôn chú ý đến lợi ích của nhân dân; người cán bộ phải có năng lực lãnh đạo, tổ chức thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, có trí tuệ, có trình độ chuyên môn và nghiệp vụ giỏi, chí công vô tư.
3. Tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, thanh tra và kê khai tài sản cá nhân. 
Tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, thanh tra và kê khai tài sản cá nhân được coi là giải pháp quan trọng trong công tác phòng, chống tham nhũng. Việc kiểm tra giúp cho các cấp uỷ, chính quyền nắm chắc được tình hình chấp hành nghị quyết, chính sách, biết ai làm đúng, ai làm sai. Nếu tổ chức kiểm tra được chu đáo thì bao nhiêu ưu điểm và khuyết điểm của cán bộ lãnh đạo, quản lý chúng ta đều thấy rõ. Việc kê khai tài sản cá nhân cũng phải được thực hiện một cách nghiêm túc, trung thực, không được hình thức, qua loa.
Để phát huy tác dụng tích cực của việc kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản trong công tác phòng, chống tham nhũng, Bộ Chính trị cũng đã yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng thực hiện tốt một số việc như: Tăng cường lãnh đạo để thống nhất nhận thức của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và của cơ quan, tổ chức, đơn vị, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị về việc kê khai, kiểm soát việc kê khai tài sản theo quy định của Đảng, Nhà nước; Lãnh đạo, thực hiện nghiêm túc việc kê khai và công khai bản kê khai tài sản theo quy định của pháp luật. Cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức thuộc diện kê khai tài sản theo quy định của pháp luật phải kê khai trung thực, đầy đủ, rõ ràng, đúng thời hạn. Chi ủy tổ chức việc công khai bản kê khai tài sản của đảng viên thuộc diện phải kê khai trong sinh hoạt chi bộ. Cấp ủy tổ chức công khai bản kê khai tài sản của cấp ủy viên trong sinh hoạt cấp ủy; Tăng cường lãnh đạo và tiến hành công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra việc thực hiện quy định của Đảng và Nhà nước về kê khai, kiểm soát việc kê khai tài sản. Xử lý nghiêm minh những cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân chậm tổ chức việc kê khai; không kê khai, kê khai không trung thực; không giải trình được nguồn gốc tài sản tăng thêm; không tổ chức việc công khai bản kê khai; không chủ động xác minh hoặc không xử lý kịp thời những vi phạm quy định về kê khai, kiểm soát việc kê khai tài sản…
4. Bổ nhiệm có thời hạn và luân chuyển cán bộ
Kinh nghiệm cho thấy việc bổ nhiệm có thời hạn không quá lâu, việc luân chuyển cán bộ, có tác dụng tích cực ít ra trên ba phương diện. Một là, góp phần tăng cường tính năng động, tính đổi mới của bản thân cán bộ quản lý. Người không có năng lực tương xứng sẽ nhanh bị đào thải. Hai là, khắc phục bệnh kinh nghiệm chủ nghĩa, chủ quan, trì trệ của người đã được vào guồng máy. Ba là, tạo cơ hội cho người khác vươn lên khẳng định mình. Nhờ vậy, bệnh quan liêu sẽ được hạn chế tới mức tối đa. Do đó, cần phải đẩy mạnh hơn nữa công tác bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý có thời hạn và luân chuyển cán bộ, góp phần vào cuộc đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng.
Vấn đề quan trọng và mấu chốt đối với nhiệm vụ chống quan liêu, tham nhũng chính là phải xử lý cán bộ lãnh đạo, quản lý vi phạm pháp luật  một cách kiên quyết, công minh, để người có khuyết điểm phải chịu kỷ luật, người có tội phải bị xử tội, bất kể họ là ai, ở cấp bậc nào. Người đứng đầu một tổ chức, một địa phương, một ngành đến toàn quốc đã để cho cán bộ tham nhũng có tính nghiêm trọng, kéo dài thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và nhận kỷ luật đầu tiên trước Đảng, trước dân.
Muốn đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng có hiệu quả phải sử dụng những giải pháp đồng bộ cả về nhận thức tư tưởng và tổ chức, luật pháp và chính sách; các giải pháp vừa có tính chiến đấu cao, vừa khoa học, vừa kiên quyết và mạnh mẽ. Trong đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, cán bộ lãnh đạo, quản lý có vai trò và nhiệm vụ rất quan trọng. Họ vừa là hạt nhân, vừa đi đầu trong cuộc đấu tranh này ; tự mình nêu gương sáng theo lời dạy của Bác Hồ: “Cần, kiệm, liêm, chính ...” ; đồng thời phải thực hiện nghiêm chỉnh mọi chủ trương của Đảng và Nhà nước về chống quan liêu, tham nhũng.

Tài liệu tham khảo:
1. Chuyên đề Tư tưởng Hồ Chí Minh về chống quan liêu, tham nhũng của TS Chu Thái Thành, Vụ trưởng Vụ Văn hóa-Xã hội, Tạp chí Cộng sản.