Nghiên cứu, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, tác phong Hồ Chí Minh qua tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”

13/03/2018
Tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” được Chủ tịch Hồ Chí Minh viết và hoàn thành vào tháng 10 năm 1947. Đây là thời điểm mà tình hình đất nước ta và công tác xây dựng Đảng đặt ra những yêu cầu mới. Chủ tịch Hồ Chí Minh với bút danh X.Y.Z, đây là tác phẩm làm “cẩm nang” cho tổ chức Đảng các cấp và cán bộ, đảng viên học tập, rèn luyện, tu dưỡng.
Tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” có 6 phần cô đọng trong 110 trang, tóm lược tác phẩm như sau:
1. Phê bình và sửa chữa
Trong phần này, tác phẩm chỉ rõ cán bộ, đảng viên cần phải thiết thực học tập, sửa chữa các khuyết điểm để công việc càng tiến bộ hơn. Muốn làm được như vậy thì mỗi cơ quan phải tổ chức ủy ban học tập, đề ra kế hoạch nghiên cứu, thảo luận, kiểm tra và thực hành, xác định thời gian tài liệu và cách thức học tập. Phải sửa đổi lối làm việc của Đảng khắc phục bệnh chủ quan, bệnh ích kỷ, hẹp hòi và bệnh ba hoa.
2. Mấy điều kinh nghiệm
2.1. Có cán bộ tốt việc gì cũng xong.
2.2. Chính sách khẩu hiệu thì đúng, nhưng cách làm, thực hành chưa đúng vì thế kết quả không đạt được mỹ mãn.
2.3. Phải biết nghiên cứu kinh nghiệm đến gốc. Bất kỳ công việc gì thành công hoặc thất bại cần phải nghiên cứu đến cội rễ. phân tích thật rõ ràng rồi kết luận. Đó là cái chìa khóa phát triển công việc và để giúp cho cán bộ tiến tới.
3.4. Phải nâng cao sáng kiến và lòng hăng hái
Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu ra: “Dân chủ, sáng kiến, hăng hái”.
3.5. Bất cứ điều gì cũng vì lợi ích của nhân dân mà làm và chịu trách nhiệm với nhân dân.
3.6. Cần khắc phục hai chứng bệnh ở cán bộ, đó là:
Bệnh khai hội: Khai hội không có kế hoạch, không chuẩn bị kỹ lưỡng, không thiết thực, khai hội lâu, khai hội nhiều mà không có hiệu quả thiết thực.
Bệnh nể nang không thiết thực phê bình, sợ mất lòng.
3. Tư cách và đạo đức cách mạng
3.1. Lý giải 12 điều về tư tưởng của đảng chân chính cách mạng.
3.2. Nêu phận sự của đảng viên, cán bộ
Một là, trong lợi ích của Đảng hơn hết.
Hai là, coi trọng đạo đức cách mạng: Nhân, nghĩa, trí, dũng, liêm.
Ba là, phải giữ kỷ luật…
Bốn là, đối với các hạng đảng viên thì số đông là vì dân, vì nước mà vào đảng, nhưng có một số vì lẽ khác mà vào đảng, vì thế phải cảm hóa họ , dạy dỗ họ, nâng cao sự hiểu biết và lòng phụ trách của họ. “Đối với những người không chịu nỗi khó nhọc, không chịu nỗi kỷ luật nghiêm khắc mà xin ra khỏi đảng, thì đảng vẫn bằng lòng”, đảng viên và cán bộ cũng là người. Ai cũng có tính tốt và tính xấu. Song đã hiểu biết, đã tình nguyện vào Đảng vì dân, vì nước, đã là người cách mạng thì phải cố gắng phát triển những tính tốt và sửa bỏ không tính xấu”.
Năm là, Trong Đảng vì có người chưa được học, làm được bốn chữ “Chí công vô tư” cho nên mắc phải chứng “Chủ nghĩa cá nhân”. Đó là thứ vi trùng rất độc gây ra các bệnh: Bệnh tham lam, bệnh lười biếng, bệnh kiêu ngạo, bệnh hiếu danh, thiếu bí mật, óc hẹp hòi, óc địa phương, óc lãnh tụ…bệnh hữu danh vô thực, kéo bè, kéo cánh, bệnh cận thị, bệnh cá nhân, bệnh lười biếng…
Sáu là, Đảng ta không phải từ trên trời rơi xuống, Đảng ở trong xã hội mà ra. Nói chung, đảng viên phần nhiều là tốt, nhưng vẫn còn một số chưa bỏ hết thói xấu mang từ xã hội vào đảng. Đảng phải làm công việc giải phóng dân tộc to lớn, phức tạp, vì vậy phải cố sức sữa chữa, cho tiệt nọc các chứng bệnh để cho đảng càng mạnh khỏe, bình an.
Bảy là, những khuyết điểm sai lầm vì sao mà có và từ đâu đến, mỗi đảng viên, mỗi cán bộ cần phải thật thà cố gắng tự sửa chữa và giúp nhau sửa chữa.
Tám là, đối với các khuyết điểm cần phân tích rõ ràng, cái gì đúng, cái gì sai, ra sức tranh đấu sửa chữa những khuyết điểm, khéo dùng cách phê bình và tự phê bình để giúp đồng chí khác sửa chữa những lỗi lầm; đoàn kết trong đảng bằng sự tranh đấu  nội bộ; nâng cao kỷ luật và uy tín của Đảng.
3.3. Tư cách và bổn phận đảng viên
3.4. Phải rèn luyện tính đảng
Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ, đảng viên phải:
- Đặt lợi ích của Đảng của dân tộc lên trên hết.
- Việc gì cũng phải điều tra rõ ràng, cẩn thận và phải làm đến nơi, đến chốn.
- Lý luận và thực hành phải luôn đi đôi với nhau.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ, kém tính đảng dẫn đến 12 căn bệnh: Ba hoa, địa phương, danh vị, thiếu kỷ luật, cẩu thả, xa quần chúng, chủ quan, hình thức, ích kỷ, hủ hóa, thiếu ngăn nắp, lười biếng.
Để khắc phục các bệnh trên, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra cần phải thực hành những điều sau đây:
Kiểm tra nghiêm ngặt, kiên quyết thực hành nghị quyết có hiệu quả; kiên quyết thi hành kỷ luật; thực hiện khẩu hiệu “Cần kiệm liêm chính, chí công vô tư”.
4. Vấn đề cán bộ
4.1. Cần phải: Huấn luyện nghề nghiệp, huấn luyện chính trị, huấn luyện văn hóa, huấn luyện lý luận cho cán bộ.
4.2. Biết dạy cán bộ và dùng cán bộ: Phải biết rõ cán bộ, cân nhắc cán bộ cho đúng, khéo dùng cán bộ, phân phối cán bộ cho hợp lý, giúp cán bộ cho đúng, giữ gìn cán bộ.
4.3. Lựa chọn cán bộ: Phải chọn những người rất trung thành và hăng hái trong công việc, luôn luôn quan hệ mật thiết với quần chúng, có thể phụ trách giải quyết các vấn đề trong những hoàn cảnh khó khăn, luôn giữ đúng kỷ luật.
4.4. Có năm cách đối với cán bộ: Chỉ đạo, nâng cao, kiểm tra, cải tạo và giúp đỡ cán bộ.
4.5. Mấy điểm lớn trong chính sách cán bộ: Hiểu biết cán bộ, khéo dùng cán bộ, cất nhắc cán bộ, thương yêu cán bộ, phê bình cán bộ.
5. Cách lãnh đạo
5.1. Lãnh đạo và kiểm soát
Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ, lãnh đạo đúng là: Quyết định mọi vấn đề cho đúng, tổ chức kiểm soát cho đúng.
Muốn lãnh đạo đúng, người lãnh đạo phải có mối liên hệ chặt chẽ với với các tầng lớp dân chúng.
5.2. Lãnh đạo như thế nào?
Bất cứ một vấn đề gì cũng phải dùng hai cách lãnh đạo: Một là liên hợp chính sách chung với sự chỉ đạo riêng, hai là liên minh người lãnh đạo với quần chúng…
5.3. Học hỏi quần chúng, nhưng không theo đuôi quần chúng, muốn vậy thì phải kiên quyết thực hành các nguyên tắc sau:
- Việc gì cũng phải học hỏi và bàn bạc với dân chúng, giải thích cho dân chúng.
Tin vào dân chúng, đưa mọi vấn đề cho dân chúng thảo luận và tìm cách giải quyết.
- Luôn luôn phải theo tình hình của dân chúng nơi đó và lúc đó, theo trình độ giác ngộ của dân chúng, theo sự tình nguyện của dân chúng mà tổ chức họ, tùy hoàn cảnh thiết thực trong nơi đó, và lúc đó đưa ra tranh đấu.
- Khéo tập trung ý kiến của quần chúng, biến nó thành đường lối lãnh đạo, chỉ đạo quần chúng.
- “Phải đưa chính trị vào giữa dân gian”. Kết hợp hai cách chỉ đạo từ trên xuống và phản ánh kịp thời từ dưới lên.
6. Chống thói ba hoa
Phần này, gồm các nội dung sau:
6.1. Thói ba hoa biểu hiện nhiều vẻ: Dài dòng, rỗng tuếch, thói “cầu kỳ, khô khan, lúng túng, báo cáo lông bông, lụp xụp, cẩu thả, “sáo cũ”, nói không ai hiểu, thói ba hoa gắn với bệnh chủ quan, hẹp hòi.
6.2. Cách chữa thói ba hoa
- Mỗi tư tưởng, mỗi câu nói, chữ viết phải tỏ rõ tư tưởng và lòng ước ao của quần chúng.
- Phải luôn dùng những lời lẽ, những thí dụ giản đơn, thiết thực và dễ hiểu.
- Khi viết, khi nói phải cố gắng làm cho ai cũng phải hiểu.
- Chưa điều tra, chưa nghiên cứu, chưa biết rõ thì chưa nói, chưa viết.
Trước khi nói phải nghĩ cho chắc, phải sắp đặt ý cẩn thận, sau khi viết phải xem đi, xem lại ba, bốn lần, nếu là tài liệu quan trọng phải xem đi, xem lại chín, mười lần.
Từ những nội dung trên cho thấy, Tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” đã đề cập nhiệm vụ sửa chữa, đổi mới công tác xây dựng đảng, chỉnh đốn đảng trên tất cả các mặt: Chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, nhằm sửa chữa các khuyết điểm, phát huy những ưu diểm. Đây là tác phẩm đầu tiên của Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp đặt vấn đề  và trình bày một cách hệ thống tư tưởng đổi mới về xây dựng, chỉnh đốn đảng trong điều kiện đảng cầm quyền. Từ khi ra đời, tác phẩm ‘Sửa đổi lối làm việc” đã thực sự trở thành cẩm nang hết sức bổ ích, hữu dụng, góp phần nâng cao năng lực và sức chiến đấu của đảng. Gía trị thực tiễn của tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” đối với các vấn đề: Ngăn chặn, đẩy lùi những sai lầm, khuyết điểm trong đảng, bài học về công tác tư tưởng, lý luận của đảng, những nguyên tắc xây dựng đảng về đạo đức; những chỉ dẫn quý báu về công tác cán bộ của đảng; đổi mới toàn diện phương thức lãnh đạo của đảng; bài học về phong cách công tác khoa học, dân chủ, quần chúng cho cán bộ, đảng viên; công tác xây dựng đảng, chỉnh đốn đảng hiện nay.
Sửa đổi lề lối làm việc được Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ là bắt đầu từ “phê bình và sửa chữa”, đây là sự thống nhất chặt chẽ của công tác tự phê bình và phê bình trong đảng. Mục đích của sự phê bình cốt là để giúp nhau sữa chữa, cùng nhau tiến bộ, để sửa chữa cách làm cho tốt hơn, đúng hơn; để đoàn kết và thống nhất nội bộ. Vì vậy, tự phê bình và phê bình theo Chủ tịch Hồ Chí Minh phải thực hiện ráo riết, phải triệt để, thật thà, không nể nang, không thêm, bớt, phải chỉ rõ ưu điểm và khuyết điểm. Đồng thời, không nên dùng những từ ngữ mỉa mai, chua cay, châm chọc. Người bị phê bình thì phải vui lòng nhận xét để sửa đổi, không nên vì bị phê bình mà nảm chí ,oán ghét người phê bình. Khuyết điểm thì có nhiều thứ, cũng như bệnh có nhiều loại theo Chủ tịch Hồ Chí Minh có ba chứng bệnh rất nguy hiểm, đó là bệnh chủ qun, bệnh hẹp hòi và bệnh ba hoa. Trong ba loại bệnh này thì căn bệnh thứ ba, thói ba hoa, Chủ tịch Hồ Chí Minh tách riêng và đặt ở phần sau cùng của tác phẩm với đơn thuốc chữa thói ba hoa mà mọi người phải hiểu phải nhớ và phải thực hành. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: Bệnh chủ quan, bệnh ích kỷ, hẹp hòi mỗi chứng bệnh là một kẻ địch. Mỗi kẻ địch bên trong là đồng minh của kẻ địch bên ngoài. Địch bên ngoài không đáng sợ, địch bên trong đáng sợ hơn, vì nó phá hoại tự trong phá ra. Vì vậy, mối cán bộ, đảng viên, mỗi ngày phải tự kiểm điểm, tự phê bình, tự sửa chữa, tự rửa mặt hàng ngày. Được như thế thì trong đảng sẽ không có bệnh và sẽ mạnh khỏe vô cùng.
Nhận thức được các nguy cơ bên trong ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cán bộ, đảng viên và hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Đảng ta luôn bám sát tình hình thực tiễn, kịp thời chỉ đạo để công tác tự phê bình và phê bình thực hiện nghiêm túc. Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII chỉ rõ: “Trong tự phê bình còn giấu giếm, không giám nhận khuyết điểm, khi có khuyết điểm thì thiếu thành khẩn, không tự giác nhận kỷ luật. Trong phê bình thì nể nang, né tránh, ngại va chạm, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh, lợi dụng phê bình để nịnh bợ, lấy lòng nhau, hoặc vu khống, bôi nhọ, chỉ trích, phê phán người khác với động cơ cá nhân không trong sáng”.
Đại hội XII của Đảng đã đề ra yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn đảng với các nhóm giải pháp cơ bản, trong đo có nhấn mạnh việc đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, những biểu hiện “Tự diễn biến”, “Tự chuyển hóa” trong nội bộ. Đặc biệt là nhóm giải pháp về công tác chính trị tư tưởng, tự phê bình và phê bình, thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 11.5.2016 của Bộ Chính trị.
Tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” đã ra đời hơn 70 năm, nhưng luôn là một trong các văn kiện hết sức quan trọng, là kiệt tác trong kho tàng về công tác xây dựng đảng, làm nền tảng tư tưởng hết sức quan trọng trong chỉ đạo công tác xây dựng đảng, chỉnh đốn đảng. Sửa đổi lề lối làm việc là nhiệm vụ thường xuyên, khách quan của cách mạng, là qui luật phát triển của Đảng cầm quyền, là yêu cầu nâng cao hiểu biết lý luận, thực tiễn đối với cán bộ, đảng viên, là những chỉ dẫn quý báu về cán bộ và công tác cán bộ của đảng.
Tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” có giá trị to lớn để đổi mới phương thức lãnh đạo của đảng, tăng cường mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa đảng với nhân dân; cải cách bộ máy; giáo dục đạo đức cách mạng; phương pháp học tập, làm việc cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ trong giai đoạn hiện nay.
 Những luận điểm nêu trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” vẫn giữ nguyên giá trị đối với sự nghiệp cách mạng nước ta hiện nay, đặc biệt là trong quá trình đổi mới, chỉnh đốn đảng, đổi mới đội ngũ cán bộ, đảng viên của đảng trong thời kỳ mới. Làm tốt các nhiệm vụ này, mỗi cán bộ, đảng viên đã góp phần xây dựng tổ chức đảng luôn trong sạch, vững mạnh./.
 
                                                         NGUYỄN QUỐC HUY,  Chủ tịch Hội CCB cơ quan Bộ Tư pháp