Hướng dẫn thi hành Luật Quốc tịch Việt Nam: Tránh phương hại đến quyền lợi người dân

30/12/2009
Hôm qua (ngày 29/12), Hội đồng thẩm định đã họp thẩm định dự thảo 5 Thông tư Liên tịch (TTLT) Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao và Bộ Công an hướng dẫn thi hành Nghị định số 78/2009/NĐ-CP ngày 22/9/2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam.

Khắc phục vướng mắc

TTLT được xây dựng nhằm khắc phục những vướng mắc của các địa phương trong quá trình giải quyết các việc về quốc tịch nhiều năm qua. Điều 1 dự thảo TTLT đã hướng dẫn một quy trình thống nhất, chặt chẽ để việc giải quyết hồ sơ quốc tịch đi vào nền nếp, trật tự, khoa học ngay từ khâu tiếp nhận.

Một trong những vướng mắc hiện nay khi giải quyết hồ sơ xin thôi quốc tịch Việt Nam là khi công dân nộp hồ sơ thì giấy tờ bảo đảm việc cho nhập quốc tịch của nước ngoài còn thời hạn nhưng khi hồ sơ được chuyển về Bộ Tư pháp thì giấy tờ đó đã hết hạn. Để đảm bảo quyền lợi của người dân, dự thảo quy định trách nhiệm của cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài “có biện pháp hỗ trợ đương sự làm thủ tục xin gia hạn hoặc xin cấp mới”. Tuy nhiên, với quy định “3 tháng kể từ khi cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài thông báo cho đương sự” trong các trường hợp trên để đương sự bổ sung giấy tờ thì quá ngắn vì hoàn tất các loại giấy tờ cho các việc liên quan đến quốc tịch là tương đối phức tạp, cần có thời gian nhiều hơn.

Ông Nguyễn Khánh Ngọc (Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế - Bộ Tư pháp) cho rằng, trong trường hợp thôi hoặc bị tước quốc tịch thì phải thu lại toàn bộ giấy tờ tùy thân (chứng minh thư, hộ chiếu…). Tuy nhiên không phải ai cũng nộp hết giấy tờ này sau khi đã thôi hoặc bị tước quốc tịch nên nếu thừa nhận ngay quốc tịch Việt Nam dựa trên các giấy tờ này là thiếu thực tế. Do đó, cần quy định ngoài các giấy tờ trên phải có xác nhận của cơ quan chức năng (trong hoặc ngoài nước) về việc người đó vẫn còn quốc tịch Việt Nam. Xác nhận này được thể hiện dưới dạng một văn bản hành chính do UBND cấp tỉnh (Sở Tư pháp) dựa vào yêu cầu của đương sự cấp. Như vậy vừa đáp ứng yêu cầu của công dân, vừa đảm bảo yêu cầu của công tác quản lý Nhà nước về quốc tịch.

Song PGS-TS. Hoàng Thế Liên (Chủ tịch Hội đồng thẩm định, Thứ trưởng Bộ Tư pháp) nhắc nhở, cần thận trọng để tránh suy diễn, “đụng chạm” đến thẩm quyền của Chủ tịch nước – người duy nhất có quyền quyết định cho thôi, tước hoặc trở lại quốc tịch Việt Nam của đương sự. Do đó, giấy xác nhận đó chỉ có thể xác nhận còn hay đã thôi quốc tịch Việt Nam, mà không thể ghi là “có” hay “không có” quốc tịch Việt Nam. Hơn nữa, các quy định trong dự thảo về chứng minh quốc tịch Việt Nam và gốc Việt Nam vẫn còn lẫn lộn, cần quy định lại để dễ hiểu hơn.

Đảm bảo sự bình đẳng cho công dân

Về quy định thông báo có quốc tịch nước ngoài (điều 8 dự thảo TTLT), ông Liên băn khoăn đến việc có phương hại đến quyền lợi người dân và có thể gây ra sự bất bình đẳng giữa người thông báo và người không thông báo vì nếu thông báo sẽ được ghi chú vào sổ hộ tịch? Theo dự thảo TTLT, việc thông báo không bị áp dụng chế tài mà chỉ khuyến khích để phục vụ công tác quản lý Nhà nước do việc có quốc tịch nước nào là tùy pháp luật nước đó quy định, pháp luật Việt Nam không thể can thiệp.

Theo quy định của Luật Quốc tịch, những người có đồng thời quốc tịch Việt Nam và nước ngoài trước ngày 01/7/2008 phải đăng ký để giữ quốc tịch Việt Nam (trong vòng 5 năm kể từ ngày Luật Quốc tịch Việt Nam 2008 có hiệu lực). Quy định này nhằm phục vụ hoạt động quản lý Nhà nước và lợi ích của công dân (nhất là khi cần bảo hộ công dân đối với người Việt Nam ở nước ngoài). Do đó, dự thảo TTLT cần xác định rõ người dân có trách nhiệm phải tự chứng minh bằng các loại giấy tờ tùy thân, còn cơ quan nhà nước chỉ tiến hành xác minh trong các trường hợp đặc biệt. Như vậy, vừa tăng cường ý thức của người dân về quốc tịch của mình, vừa giúp cơ quan Nhà nước đỡ “vất vả” trong điều kiện chưa có cơ sở dữ liệu chung để xác định tình trạng quốc tịch Việt Nam của đương sự - như ý kiến của Thứ trưởng Liên.

Đồng thời, cũng nên có quy định đưa “bản đồ” các cơ quan có thẩm quyền, thủ tục, điều kiện… liên quan đến vấn đề đăng ký quốc tịch lên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp, không nên “giấu” để tạo thuận tiện cho người dân thực hiện quyền của mình về đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam theo quy định của Luật Quốc tịch hiện hành./.

Huy Anh

Theo số liệu của Vụ Hành chính Tư pháp (Bộ Tư pháp), đến nay, Việt Nam đã giải quyết cho 80.000 trường hợp thôi quốc tịch Việt Nam, hơn 300 trường hợp nhập quốc tịch Việt Nam và hơn 50 trường hợp trở lại quốc tịch Việt Nam.