Hội nghị được thực hiện tại thành phố Đà Lạt, tình Lâm Đồng trong khuôn khổ Chương trình Đối tác Tư pháp (Dự án JPP), nhằm tạo ra diễn đàn cho các Sở Tư pháp và một số Bộ, ngành ở Trung ương trao đổi, thảo luận về nội dung của dự thảo Đề án. Hội nghị đã thu hút được sự tham gia của đại diện một số đơn vị thuộc Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Thông tin truyền thông; một số chuyên gia về Công nghệ thông tin; Sở Tư pháp, Công an tỉnh, Cục Hải quan, Cục Thuế, Chi cục Quản lý thị trường, Cảnh sát giao thông của 06 tỉnh: Lâm Đồng, Bình Thuận, Đồng Nai, Đắc Lắk, Khánh Hòa, Ninh Thuận.
Tại Hội thảo, Cục trưởng Đặng Thanh Sơn cho biết nhiệm vụ xây dựng, quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia xử lý vi phạm hành chính là nhiệm vụ mới và là một trong những nhiệm vụ trọng tâm cần triển khai để sớm thực hiện tốt công tác quản lý xử lý vi phạm hành chính, lần đầu tiên được quy định trong một văn bản có giá trị pháp lý cao, đó là Luật XLVPHC. Quy định về nhiệm vụ này trong Luật XLVPHC được xây dựng trên cơ sở Nghị quyết số 49/NQ-TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, tại điểm 2.7 mục 2 (Phần II) có quy định: “Tăng cường áp dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của các cơ quan tư pháp”; Quyết định 1755/QĐ-TTg ngày 22/9/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đưa Việt Nam trở thành nước mạnh về công nghệ thông tin và truyền thông”, góp phần thực hiện mục tiêu đến năm 2020 Chính phủ điện tử Việt Nam trở thành loại khá trên thế giới.
Bên cạnh đó, việc xây dựng, quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính còn xuất phát từ thực tiễn quản lý nhà nước đối với công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong giai đoạn hiện nay. Luật XLVPHC là đạo luật có nội dung lớn, phức tạp, liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn của rất nhiều cơ quan nhà nước từ trung ương đến địa phương. Mặt khác, việc xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng các biện pháp xử lý hành chính như giáo dục tại xã, phường, thị trấn; đưa vào trường giáo dưỡng; đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc; đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc còn liên quan trực tiếp đến quyền tự do, dân chủ của công dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Có thể khẳng định việc triển khai thi hành Luật XLVPHC tác động đến hầu hết các chủ thể trong xã hội. Điều này đòi hỏi phải thiết lập, xây dựng và quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính với mục đích theo dõi, quản lý việc xử phạt vi phạm hành chính của những người có thẩm quyền xử phạt thuộc các cơ quan nhà nước; theo dõi, nắm bắt số lượng, tính chất mức độ và xu hướng phổ biến của các hành vi vi phạm hành chính phục vụ cho việc xác định tái phạm vi phạm hành chính, phục vụ cho công tác truy cứu trách nhiệm hình sự (đối với các hành vi phạm tội mà theo quy định trong Bộ luật Hình sự thì trước đó đã bị xử phạt vi phạm hành chính); theo dõi, nắm bắt việc xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính theo quy định của Luật XLVPHC và các văn bản quy định chi tiết thi hành.
Theo ông Lê Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật, hiện nay, vẫn còn nhiều vấn đề trong dự thảo Đề án vẫn cần được làm rõ thêm, chẳng hạn như: việc thiết kế mô hình xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính; Thông tin đầu vào của Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính là toàn bộ dữ liệu thể hiện “vòng đời” của Quyết định xử phạt vi phạm hành chính/Quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính hay chỉ một số thông tin cơ bản; Về cơ cấu, bố cục, lộ trình thực hiện của Đề án.
Chỉ ra những thông tin cần có để phục vụ cho việc xác định tái phạm vi phạm hành chính, bà Lê Thị Hạ, Phó giám đốc Sở Tư pháp Lâm Đồng cho rằng cần phải bổ sung thông tin đầu vào của Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính các thông tin về các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính.
Chia sẻ về kinh nghiệm về xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia, ông Đặng Tùng Anh – Phó trưởng phòng Phòng Tư vấn dự án CNTT, Cục Tin học hóa, Bộ Thông tin truyền thông gợi ý Bộ Tư pháp nên theo mô hình lưu dữ liệu tập trung tại Bộ Tư pháp, xử lý phân tán tại các Bộ, ngành và địa phương.
Băn khoăn về kinh phí xây dựng Cơ sở dữ liệu về xử lý vi phạm hành chính cũng như lộ trình thực hiện Đề án, ông Trương Hồng Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ đề xuất Bộ Tư pháp cần tính toán cẩn trọng để đề ra lộ trình thực hiện Đề án hợp lý. Trước mắt, giai đoạn từ nay đến năm 2020 chỉ nên lựa chọn thực hiện thí điểm ở một số lĩnh vực như giao thông, tài nguyên môi trường, thuế, hải quan và ở một số địa phương.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Cục trưởng Đặng Thanh Sơn đánh giá cao nội dung và hiệu quả của Hội nghị. Theo đó, trong thời gian tới, Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật sẽ nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến góp ý tại Hội nghị để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Đề án./.
Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật