Quy định xét tặng Kỷ niệm chương"Vì sự nghiệp Tư pháp"

22/06/2018
Ngày 7/6/2018, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ký ban hành Thông tư số 06/2018/TT-BTP quy định xét tặng Kỷ niệm chương"Vì sự nghiệp Tư pháp".
Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Tư pháp” (sau đây gọi là Kỷ niệm chương) là hình thức khen thưởng của Bộ Tư pháp nhằm ghi nhận, động viên đối với cá nhân có thành tích, công lao đóng góp cho sự nghiệp xây dựng, phát triển ngành Tư pháp Việt Nam.
Mẫu Kỷ niệm chương và Bằng chứng nhận Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Tư pháp” do Bộ Tư pháp quyết định, phù hợp với quy định chung, thể hiện đặc trưng của ngành Tư pháp Việt Nam và được đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước về thi đua, khen thưởng ở Trung ương.
Kỷ niệm chương được xét tặng một lần cho cá nhân, không truy tặng. Việc xét tặng Kỷ niệm chương được tiến hành hàng năm vào dịp kỷ niệm Ngày truyền thống ngành Tư pháp Việt Nam hoặc xét tặng đột xuất theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Tư pháp.
Việc xét tặng Kỷ niệm chương phải đảm bảo công khai, dân chủ, khách quan, công bằng, kịp thời theo đúng quy định của pháp luật và đúng đối tượng, tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục quy định tại Thông tư này.
Việc tổ chức trao tặng Kỷ niệm chương phải đảm bảo trang trọng, thiết thực, tránh phô trương, hình thức, lãng phí.
Đối tượng, tiêu chuẩn, điều kiện xét tặng Kỷ niệm chương đối với cá nhân đã và đang công tác trong ngành Tư pháp bao gồm:
- Lãnh đạo, nguyên Lãnh đạo Bộ Tư pháp.
- Lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp, Cục Thi hành án dân sự các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được đề nghị xét tặng Kỷ niệm chương khi có đủ các điều kiện sau:
+ Có thời gian giữ chức vụ tối thiểu 05 năm đối với cấp trưởng, 08 năm đối với cấp phó và hoàn thành tốt nhiệm vụ trong thời gian quy định;
+ Cá nhân công tác tại các ngành khác được điều động về ngành Tư pháp để bổ nhiệm các chức vụ quy định tại điểm a khoản này thì được đề nghị xét tặng Kỷ niệm chương khi có thời gian giữ chức vụ trong ngành Tư pháp tối thiểu 06 năm đối với cấp trưởng, 09 năm đối với cấp phó và hoàn thành tốt nhiệm vụ trong thời gian quy định;
+ Đối với nữ là cán bộ lãnh đạo thì thời gian giữ các chức vụ để đề nghị xét tặng Kỷ niệm chương quy định tại các điểm a, b khoản 2 Điều này được giảm 02 năm so với quy định chung;
+ Cá nhân có thời gian giữ chức vụ nhưng không đủ thời gian để đề nghị xét tặng theo tiêu chuẩn quy định đối với chức vụ đó thì được cộng với thời gian giữ chức vụ thấp hơn liền kề để đề nghị xét tặng Kỷ niệm chương theo chức vụ thấp hơn liền kề.
- Cá nhân đã và đang công tác tại các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp, Cục Thi hành án dân sự, Chi cục Thi hành án dân sự, Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp và công chức Tư pháp - Hộ tịch được đề nghị xét tặng Kỷ niệm chương khi có đủ 20 năm công tác trở lên đối với nam, 15 năm công tác trở lên đối với nữ và hoàn thành tốt nhiệm vụ trong thời gian quy định.
- Cá nhân công tác trong các ngành, tổ chức khác chuyển về ngành Tư pháp hoặc từ ngành Tư pháp chuyển sang làm công tác tư pháp tại các ngành, tổ chức khác được đề nghị xét tặng Kỷ niệm chương khi có đủ 22 năm công tác trở lên đối với nam, có đủ 17 năm công tác trở lên đối với nữ, trong đó có tối thiểu 10 năm công tác trong ngành Tư pháp và hoàn thành tốt nhiệm vụ trong thời gian quy định.
Đối tượng, tiêu chuẩn, điều kiện xét tặng Kỷ niệm chương đối với cá nhân đang làm công tác tư pháp bao gồm:
- Cá nhân trực tiếp làm công tác pháp chế tại Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, doanh nghiệp nhà nước thuộc các Bộ, ngành ở Trung ương; Cá nhân đang công tác tại các cơ quan Thi hành án Quân đội;  Luật sư; Công chứng viên làm việc tại các Văn phòng Công chứng; Đấu giá viên làm việc tại các doanh nghiệp bán đấu giá tài sản; Thừa phát lại; Quản tài viên; Giám định viên Tư pháp; Hòa giải viên thương mại; Trọng tài viên được đề nghị xét tặng Kỷ niệm chương khi có đủ 22 năm làm công tác tư pháp trở lên đối với nam, có đủ 17 năm làm công tác tư pháp trở lên đối với nữ.
- Cá nhân là hòa giải viên ở cơ sở được đề nghị xét tặng Kỷ niệm chương khi có đủ 10 năm trở lên liên tục trực tiếp làm công tác hoà giải tại thôn, làng, ấp, bản, tổ dân phố hoặc có đủ 08 năm trở lên liên tục trực tiếp làm công tác hoà giải và có thành tích xuất sắc được khen thưởng từ 03 Giấy khen hoặc 01 Bằng khen của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về công tác hoà giải. Đối với hòa giải viên nữ thì thời gian làm công tác hòa giải quy định tại khoản này được giảm 02 năm.
Đối tượng, tiêu chuẩn, điều kiện xét tặng Kỷ niệm chương đối với cá nhân khác có công lao đóng góp cho sự phát triển ngành Tư pháp Việt Nam bao gồm:
- Cá nhân công tác tại các cơ quan Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội thuộc các trường hợp:
+ Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương; Lãnh đạo Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Bí thư, phó Bí thư tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương, người đứng đầu Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh, Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
+ Cấp phó của người đứng đầu Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh; người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Giám đốc, Phó Giám đốc sở, ngành và tương đương; Bí thư, Phó Bí thư huyện ủy, quận ủy, thị ủy, thành ủy, Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh được đề nghị xét tặng Kỷ niệm chương khi có thời gian giữ chức vụ đủ 01 nhiệm kỳ trở lên.
- Cá nhân là người Việt Nam ở nước ngoài, người nước ngoài được đề nghị xét tặng Kỷ niệm chương khi có công lao, thành tích xuất sắc trong việc xây dựng và củng cố mối quan hệ hợp tác giữa các nước, các tổ chức quốc tế với ngành Tư pháp, đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng, phát triển ngành Tư pháp Việt Nam.
- Cá nhân có sáng kiến, giải pháp, công trình khoa học được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận, có giá trị thực tiễn, đóng góp thiết thực, hiệu quả cho sự phát triển của ngành Tư pháp; cá nhân có giúp đỡ, ủng hộ xứng đáng về tài chính hoặc vật chất cho sự phát triển ngành Tư pháp Việt Nam.
- Các trường hợp khác theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Tư pháp.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 21 tháng 8 năm 2018. Quyết định số 101/2005/QĐ-BTP ngày 02/3/2005 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc ban hành Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Tư pháp” và Quyết định số 04/2008/QĐ-BTP ngày 19/3/2008 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc ban hành Quy chế xét tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Tư pháp” hết hiệu lực kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực.
Huy chương “Vì sự nghiệp Tư pháp” được tặng thưởng theo quy định tại Quyết định số 713/TC ngày 22 tháng 11 năm 1995 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp có giá trị tương đương với Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Tư pháp”. Cá nhân đã được tặng Huy chương “Vì sự nghiệp Tư pháp” thì không xét tặng Kỷ niệm chương theo Thông tư này.