Nghị quyết của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế

21/04/2015
Ngày 17/4, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Những năm qua, các cấp, các ngành đã tích cực triển khai chủ trương của Đảng về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và đạt được một số kết quả quan trọng. Quá trình thực hiện tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được thực hiện công khai, dân chủ, tạo được sự đồng thuận của các cấp, các ngành. Nhiều cán bộ, công chức, viên chức không đủ tiêu chuẩn, điều kiện về chuyên môn, nghiệp vụ, sức khỏe, phẩm chất được đưa ra khỏi bộ máy nhà nước; tuyển chọn những người có trình độ, năng lực chuyên môn cao hơn, đáp ứng yêu cầu công việc để bổ sung vào các cơ quan thuộc hệ thống chính trị. Chất lượng và cơ cấu của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có sự chuyển biến tích cực.

Tuy nhiên, hiệu quả công tác tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức còn hạn chế, tổng số biên chế có xu hướng tăng lên, nhất là trong khu vực sự nghiệp công lập và cán bộ, công chức cấp xã.

Mục tiêu tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; thu hút những người có đức, có tài vào hoạt động công vụ trong các cơ quan đảng, nhà nước và tổ chức chính trị - xã hội, đáp ứng được yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; góp phần nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, tiết kiệm, giảm chi thường xuyên, cải cách chính sách tiền lương.

Tỉ lệ tinh giản biên chế đến năm 2021 tối thiểu là 10%

Kiên trì thực hiện chủ trương tinh giản biên chế cán bộ, công chức, viên chức, bảo đảm không tăng tổng biên chế của cả hệ thống chính trị. Trường hợp phải thành lập tổ chức mới hoặc được giao nhiệm vụ mới thì các cơ quan tổ chức, đơn vị tự cân đối, điều chỉnh trong tổng số biên chế hiện có. Giữ ổn định biên chế của các tổ chức xã hội, xã hội - nghề nghiệp đến hết năm 2016. Từ năm 2017, thực hiện khoán hoặc hỗ trợ kinh phí để thực hiện các nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao.

Từng cơ quan, tổ chức, đơn vị của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập phải xây dựng kế hoạch tinh giản biên chế trong 7 năm (2015 - 2021) và từng năm trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt để tổ chức thực hiện. Trong đó, phải xác định tỉ lệ tinh giản biên chế đến năm 2021 tối thiểu là 10% biên chế của bộ, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Đối với đơn vị sự nghiệp công lập có nguồn thu sự nghiệp, khuyến khích đẩy mạnh chuyển đổi thêm 10% số lượng viên chức sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm và xã hội hóa, thay thế nguồn trả lương từ ngân sách nhà nước bằng việc trả lương từ nguồn thu sự nghiệp.

Sớm hoàn thành việc xác định vị trí việc làm trong các cơ quan, tổ chức hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội để làm căn cứ xác định biên chế phù hợp.

Đẩy mạnh thực hiện kiêm nhiệm đối với một số chức danh của cán bộ, công chức từ trung ương đến cấp xã, nhất là kiêm nhiệm đối với các chức danh cán bộ không chuyên trách ở cấp xã và ở thôn, tổ dân phố. Khoán kinh phí chi trả phụ cấp để khuyến khích giảm dần số lượng những người hoạt động không chuyên trách và tăng thu nhập của cán bộ, công chức cấp xã. Sớm sửa đổi Quy định về cán bộ, công chức cấp xã theo hướng tinh gọn, giảm bớt chức danh theo tinh thần Kết luận số 64-KL/TW, ngày 28-5-2013 của Hội nghị Trung ương 7 khóa XI. Giải quyết chế độ, chính sách đối với cán bộ chuyên trách cấp xã khi hết nhiệm kỳ mà không đủ điều kiện tái cử; xây dựng cơ chế quản lý cán bộ không chuyên trách ở cấp xã và ở thôn, tổ dân phố gắn với phát huy quyền làm chủ, giám sát của nhân dân và đẩy mạnh thực hiện các hình thức tự quản tại cộng đồng dân cư.

Kiện toàn tổ chức bộ máy đồng bộ, tinh gọn, ổn định, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ.

Tập trung rà soát, sắp xếp, kiện toàn tổ chức các cơ quan, đơn vị của Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội. Trước mắt, giữ ổn định tổ chức như hiện nay. Không thành lập các tổ chức trung gian; chỉ thành lập tổ chức mới trong trường hợp cá biệt thật sự cần thiết do yêu cầu của thực tiễn. Rà soát để sửa đổi quy định về tổ chức bộ máy và biên chế trong các văn bản pháp luật hiện hành không thuộc chuyên ngành Luật Tổ chức nhà nước.

Kiện toàn tổ chức bộ máy phải gắn với hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ. Tiếp tục củng cố và nâng cao hoạt động của mô hình quản lý đa ngành, đa lĩnh vực. Xem xét để hợp nhất các tổng cục, cục, vụ; cơ bản không để cấp phòng trong các đơn vị tham mưu thuộc cơ quan Trung ương.

Quy định chặt chẽ điều kiện, tiêu chí thành lập, giải thể, sáp nhập đơn vị hành chính các cấp theo hướng khuyến khích sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã, bảo đảm cơ bản không tăng số lượng đơn vị hành chính ở địa phương.

Hoàn thiện quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập theo ngành, lĩnh vực. Phân loại đơn vị sự nghiệp để thực hiện các hình thức chuyển đổi phù hợp. Đẩy mạnh xã hội hóa các đơn vị sự nghiệp công lập có khả năng tự bảo đảm toàn bộ chi phí hoạt động (trường đại học, học viện, viện nghiên cứu, cơ sở dạy nghề, bệnh viện...) theo hướng tiếp tục đẩy mạnh việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tài chính, nhân sự và khuyến khích thành lập các tổ chức cung ứng dịch vụ công thuộc các thành phần ngoài nhà nước, nhất là lĩnh vực giáo dục - đào tạo, y tế, khoa học…

Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chú trọng phẩm chất, trình độ, năng lực

Cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo ngạch, chức danh nghề nghiệp, vị trí việc làm và trình độ đào tạo phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, bảo đảm cơ cấu phù hợp về nữ, người dân tộc thiểu số.

Hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn chức danh, chức vụ công chức, viên chức từ thứ trưởng, chuyên gia, chuyên viên cao cấp và tương đương trở xuống theo hướng chú trọng phẩm chất, trình độ, năng lực. Mỗi tiêu chuẩn của chức vụ lãnh đạo, quản lý đều phải quy định ngạch công chức hoặc chức danh nghề nghiệp của viên chức tương ứng.

Chỉ bổ nhiệm chức danh chuyên gia, chuyên viên cao cấp đối với công chức làm nhiệm vụ nghiên cứu, tham mưu tổng hợp chiến lược ở các bộ, ban, ngành Trung ương, lãnh đạo cấp ủy, Ủy ban nhân dân, Hội đồng nhân dân và người đứng đầu các sở, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh.

Thanh Bình