Hướng dẫn về quản lý trường hợp với người khuyết tật

10/01/2015
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội vừa ban hành Thông tư số 01/2015/TT-BLĐTBXH ngày 06 tháng 01 năm 2015 hướng dẫn về quản lý trường hợp với người khuyết tật.
 

Theo đó, Quy trình quản lý trường hợp với người khuyết tật gồm các bước: Thu thập thông tin và nhu cầu của người khuyết tật; Xây dựng kế hoạch trợ giúp người khuyết tật; Thực hiện kế hoạch trợ giúp người khuyết tật; Theo dõi, rà soát việc thực hiện kế hoạch trợ giúp người khuyết tật và Đánh giá và kết thúc quản lý trường hợp với người khuyết tật.

Người quản lý trường hợp đánh giá nhu cầu của người khuyết tật trên các lĩnh vực như Hỗ trợ sinh kế; Chăm sóc sức khỏe, y tế; Giáo dục, học nghề, việc làm; Mối quan hệ gia đình và xã hội; Các kỹ năng sống; Tham gia, hòa nhập cộng đồng; Tâm lý, tình cảm và các nhu cầu khác.

Trường hợp người khuyết tật không cung cấp được đầy đủ thông tin, người quản lý trường hợp có trách nhiệm phối hợp với đại diện gia đình hoặc người giám hộ đánh giá nhu cầu của người khuyết tật.

Căn cứ kết quả đánh giá nhu cầu của người khuyết tật, người quản lý trường hợp xác định người khuyết tật cần được quản lý trường hợp theo các tiêu chí như Có nhu cầu được trợ giúp liên tục; Có nhu cầu được trợ giúp lâu dài; Tự nguyện tham gia hay Đủ điều kiện để nhận dịch vụ tại địa phương.

Người quản lý trường hợp chủ trì, phối hợp với người khuyết tật, gia đình hoặc người giám hộ của người khuyết tật và các tổ chức, cá nhân liên quan để xây dựng kế hoạch trợ giúp người khuyết tật.

Người quản lý trường hợp phối hợp với các cơ quan, đoàn thể cấp xã và các cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội hỗ trợ người khuyết tật thực hiện kế hoạch. Các nội dung hỗ trợ gồm: Tư vấn, giới thiệu người khuyết tật tiếp cận các cơ quan, đơn vị chức năng hoặc cơ sở cung cấp dịch vụ y tế, việc làm, giáo dục, xã hội và cơ sở khác; Chuyển tuyến, kết nối với các cơ quan, đơn vị chức năng hoặc cơ sở cung cấp dịch vụ y tế, việc làm, giáo dục, xã hội và cơ sở khác đáp ứng nhu cầu của người khuyết tật; Hỗ trợ người khuyết tật tiếp cận, thụ hưởng các chính sách và chương trình trợ giúp xã hội; Vận động nguồn lực thực hiện kế hoạch trợ giúp người khuyết tật.

Người quản lý trường hợp theo dõi và đánh giá quá trình thực hiện kế hoạch trợ giúp người khuyết tật theo các nội dung: Kết quả thực hiện kế hoạch trợ giúp người khuyết tật; Mức độ đáp ứng nhu cầu của người khuyết tật; Khả năng sống độc lập và năng lực hòa nhập cộng đồng của người khuyết tật; Mức độ phù hợp của các dịch vụ được cung cấp cho người khuyết tật; Khả năng kết nối dịch vụ và Các nội dung khác có liên quan.

Người quản lý trường hợp ghi chép đầy đủ, chính xác các thông tin theo dõi quy trình quản lý trường hợp với người khuyết tật. Hồ sơ quản lý trường hợp người khuyết tật được lưu trữ và bảo mật tại đơn vị theo quy định của pháp luật hiện hành về lưu trữ. Việc chia sẻ thông tin cá nhân của người khuyết tật phải có sự đồng ý của người khuyết tật, gia đình hoặc người giám hộ của người khuyết tật và Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc người đứng đầu cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20 tháng 02 năm 2015.