Nội dung cơ bản của Thông tư liên tịch số 23/2014/TTLT-BTP-BNV

06/01/2015
Ngày 22 tháng 12 năm 2014, tại trụ sở Bộ Tư pháp, liên bộ Bộ Tư pháp và Bộ Nội vụ đã ký ban hành Thông tư liên tịch số 23/2014/TTLT-BTP-BNV hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Tư pháp thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Phòng Tư pháp thuộc Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.

Một số nội dung cơ bản của Thông tư liên tịch số 23/2014/TTLT-BTP-BNV, cụ thể như sau:

1. Về bố cục của Thông tư liên tịch số 23/2014/TTLT-BTP-BNV 

Thông tư liên tịch số 23/2014/TTLT-BTP-BNV gồm có 03 Chương, 08 Điều, cụ thể:

Chương I: Sở Tư pháp, gồm 03 Điều, quy định về vị trí và chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn, cơ cấu tổ chức và biên chế.

Chương II: Phòng Tư pháp, gồm 03 Điều, quy định về vị trí và chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn, tổ chức và biên chế.

Chương III: Tổ chức thực hiện, gồm 02 Điều, quy định về hiệu lực thi hành và trách nhiệm thi hành.

2. Về nội dung của Thông tư liên tịch số 23/TTLT-BTP-BNV

Trên cơ sở quy định của pháp luật, căn cứ Nghị định số 24/2014/NĐ-CP, Nghị định số 37/2014/NĐ-CP và tình hình tổ chức cán bộ các cơ quan tư pháp địa phương, Thông tư liên tịch số 23/2014/TTLT-BTP-BNV đã rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp và trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp trong việc tổ chức thực hiện Thông tư, cụ thể:

2.1 Về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Tư pháp

a) Về chức năng, nhiệm vụ

- Bổ sung chức năng của Sở Tư pháp trong các lĩnh vực mới được giao như: Kiểm soát thủ tục hành chính, bồi thường nhà nước, quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

- Sửa đổi, bổ sung và biên tập lại các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Sở Tư pháp trong các lĩnh vực như: Theo dõi thi hành pháp luật; phổ biến, giáo dục pháp luật; xây dựng xã, phường, thị trấn tiếp cận pháp luật; lý lịch tư pháp; bồi thường nhà nước; công chứng; luật sư; tư vấn pháp luật; bán đấu giá tài sản; giám định tư pháp; đăng ký giao dịch bảo đảm; công tác pháp chế…

b)Về cơ cấu tổ chức của các Sở Tư pháp

Trên cơ sở các quy định của pháp luật và việc rà soát tình hình tổ chức, cán bộ của các Sở Tư pháp, Thông tư liên tịch số 23/2014/TTLT-BTP-BNV quy định hướng dẫn về cơ cấu của các Sở Tư pháp, cụ thể:

- Đối với Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, các tổ chức thuộc Sở Tư pháp được thành lập phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, bao gồm Văn phòng, Thanh tra và không quá 09 Phòng chuyên môn, nghiệp vụ; trường hợp vượt quá thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân chỉ đạo xây dựng Đề án thành lập tổ chức và phải thống nhất với Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp trước khi quyết định.

- Đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác, cơ cấu tổ chức của Sở Tư pháp có Văn phòng Sở, Thanh tra Sở và 06 Phòng chuyên môn, nghiệp vụ (Phòng Lý lịch tư pháp được thành lập tại các thành phố trực thuộc Trung ương theo quy định).

Một trong những điểm mới của Thông tư là việc hướng dẫn về tên gọi của các phòng chuyên môn, nghiệp vụ của Sở Tư pháp trên cơ sở tổng kết thực hiện Thông tư liên tịch số 01/2009/TTLT-BTP-BNV để tạo sự thống nhất trong quản lý, chỉ đạo chuyên môn, nghiệp vụ các lĩnh vực công tác tư pháp của Bộ Tư pháp và để thực hiện yêu cầu của Bộ Nội vụ trong việc thống nhất tổ chức, tạo cơ sở để xác định vị trí việc làm theo Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.

c) Đối với việc hướng dẫn biên chế đối với các Sở Tư pháp

Thông tư hướng dẫn việc bố trí biên chế của các Sở Tư pháp theo hướng, bảo đảm mỗi Phòng chuyên môn thuộc Sở có Trưởng phòng, không quá 02 Phó trưởng phòng và các công chức khác; giao thẩm quyền cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong việc quyết định về số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp thuộc Sở Tư pháp theo quy định của pháp luật; đồng thời quy định việc tuyển dụng, bố trí công chức, viên chức của Sở Tư pháp phải căn cứ vào vị trí việc làm, chức danh, tiêu chuẩn, cơ cấu ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp của viên chức nhà nước theo quy định của pháp luật.

2.2 Về việc hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các Phòng Tư pháp

a) Về chức năng: Chức năng của Phòng Tư pháp được quy định phù hợp với khoản 2 Điều 7 Nghị định số 37/2014/NĐ-CP ngày 05/5/2014 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.

b) Về nhiệm vụ, quyền hạn: Thông tư đã sửa đổi, bổ sung quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Phòng Tư pháp phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành trong một số lĩnh vực như: kiểm soát thủ tục hành chính; quản lý và đăng ký hộ tịch; bồi thường nhà nước; quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; xây dựng xã, phường, thị trấn tiếp cận pháp luật; sửa đổi, bổ sung nhiệm vụ: theo dõi tình hình thi hành pháp luật; phổ biến, giáo dục pháp luật, hoà giải ở cơ sở…

c) Về tổ chức, biên chế: Thông quy quy định tổ chức, biên chế của Phòng Tư pháp có Trưởng phòng, không quá 03 Phó Trưởng phòng và các công chức khác. Biên chế công chức của Phòng Tư pháp do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định trong tổng biên chế công chức của huyện được cấp có thẩm quyền phê duyệt; việc bố trí công tác đối với công chức của Phòng Tư pháp phải căn cứ vào vị trí việc làm, chức danh, tiêu chuẩn, cơ cấu ngạch công chức theo quy định và đảm bảo đủ lực lượng để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.

2.3 Về hướng dẫn công tác tư pháp của Ủy ban nhân dân cấp xã

Để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong việc xây dựng, ban hành Thông tư liên tịch giữa các Bộ, ngành và Bộ Nội vụ theo hướng chỉ tập trung hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức đối với các cơ quan chuyên môn của UBND cấp tỉnh và cấp huyện, Thông tư liên tịch số 23/2014/TTLT-BTP-BNV không quy định việc hướng dẫn công tác tư pháp của Ủy ban nhân dân cấp xã thành một chương riêng, đồng thời, bổ sung và giao trách nhiệm cụ thể cho Ủy ban nhân dân cấp huyện trong việc chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra chuyên môn, nghiệp vụ công tác tư pháp của Ủy ban nhân dân cấp xã theo quy định của pháp luật (Khoản 2, Điều 8)

Việc quy định cụ thể trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp trong việc tổ chức thực hiện Thông tư, trong đó có trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp huyện trong việc chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra chuyên môn, nghiệp vụ công tác tư pháp của Ủy ban nhân dân cấp xã nhằm bảo đảm xác định rõ trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp trong việc tổ chức thực hiện Thông tư, tạo cơ sở và thuận lợi cho việc tổ chức thực hiện công tác tư pháp một cách thống nhất, toàn diện từ Trung ương đến cơ sở.

Thông tư liên tịch số 23/2014/TTLT-BTP-BNV sẽ có hiệu lực kể từ ngày 15/2/2015, trong thời gian tới, Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Nội vụ hướng dẫn việc tổ chức triển khai thực hiện Thông tư, theo dự kiến, nội dung của Thông tư sẽ được giới thiệu tại Hội nghị tổng kết công tác tư pháp năm 2014 và triển khai công tác tư pháp năm 2015./.