Quy định việc thiết kế mẫu tiền, chế bản và quản lý in, đúc tiền Việt Nam

03/12/2014
Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Thông tư số 37/2014/TT-NHNN ngày 26 tháng 11 năm 2014 quy định việc thiết kế mẫu tiền, chế bản và quản lý in, đúc tiền Việt Nam.
 

Đối tượng áp dụng theo Thông tư là các đơn vị có liên quan thuộc Ngân hàng Nhà nước; Nhà máy in tiền Quốc gia; Tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến công việc thiết kế mẫu tiền, chế tạo bản in, khuôn đúc và in, đúc tiền.

Theo đó, căn cứ vào chủ trương thiết kế mẫu tiền đã được Thống đốc Ngân hàng nhà nước duyệt, Cục Phát hành và Kho quỹ nghiên cứu, xây dựng Đề án thiết kế mẫu tiền trình cấp có thẩm quyền theo quy định tại Thông tư này. Đề án thiết kế mẫu tiền phải xác định các nội dung: cơ cấu mệnh giá, kích thước, màu sắc, chất liệu, trọng lượng, chủ đề, kỹ thuật bảo an; công nghệ sản xuất; các yêu cầu kỹ thuật khác; kinh phí và việc tổ chức thực hiện Đề án.

Yêu cầu đối với mẫu thiết kế đồng tiền như sau: Có tính thẩm mỹ cao, thể hiện bản sắc văn hóa dân tộc; đảm bảo độ bền, khả năng chống giả cao và phù hợp với xu hướng thiết kế mẫu tiền trên thế giới. Dễ nhận biết các mệnh giá và tính xác thực của đồng tiền; thuận tiện trong sử dụng, bảo quản và kiểm đếm, kiểm tra tiền thật, tiền giả, phân loại tiền bằng máy. Phù hợp với vật liệu in, đúc tiền; công nghệ chế bản, in, đúc tiền; trang thiết bị của cơ sở in, đúc tiền.

Căn cứ vào nhiệm vụ in, đúc tiền hoặc yêu cầu nâng cao chất lượng, độ tinh xảo của đồng tiền, Cục Phát hành và Kho quỹ xây dựng, trình Thống đốc phê duyệt Kế hoạch chế tạo bản in gốc, khuôn đúc gốc của đồng tiền mới chưa phát hành hoặc Kế hoạch chế bản lại bản in gốc, khuôn đúc gốc của đồng tiền đang lưu hành. Việc chế tạo bản in gốc, khuôn đúc gốc phải thể hiện trung thực, đầy đủ nội dung của mẫu thiết kế chính thức và đáp ứng yêu cầu của hồ sơ trình duyệt mẫu thiết kế đồng tiền đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Việc lựa chọn cơ sở in, đúc tiền ở trong nước để chế tạo bản in gốc, khuôn đúc gốc do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quyết định trên cơ sở đề nghị của Cục Phát hành và Kho quỹ. Trường hợp chế tạo bản in gốc, khuôn đúc tiền gốc ở nước ngoài, Cục Phát hành và Kho quỹ báo cáo Thống đốc trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Việc lựa chọn cơ sở chế tạo bản in gốc, khuôn đúc tiền gốc ở nước ngoài thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu và bảo vệ bí mật nhà nước trong ngành ngân hàng.

Trong quá trình chế tạo bản in gốc, khuôn đúc gốc, cơ sở in, đúc tiền phải thực hiện in, đúc thử nhằm xác định mẫu in, đúc chuẩn có chất lượng cao nhất và hoàn thiện bản in, khuôn đúc.

Phương thức in, đúc thử được quy định tại Thông tư như sau: Đối với tiền kim loại: đúc, dập thử đơn hình trên phôi tiền kim loại. Đối với tiền giấy: in thử đơn hình trên loại chất liệu sẽ dùng để in tiền hoặc tương tự, được thực hiện theo mẫu thiết kế chính thức, hồ sơ trình duyệt mẫu thiết kế đã được phê duyệt; và in thử đa hình trên tờ in nguyên khổ theo mẫu in chuẩn đơn hình.

Thông tư cũng quy định, Cục trưởng Cục Phát hành và Kho quỹ quyết định loại khóa an toàn và việc cài đặt khóa an toàn cho từng mẫu tiền. Người cài đặt khóa an toàn do Cục trưởng Cục Phát hành và Kho quỹ chỉ định bằng văn bản, có trách nhiệm lập, bàn giao toàn bộ hồ sơ cho Cục trưởng Cục Phát hành và Kho quỹ ngay sau khi hoàn thành công việc.  Cục trưởng Cục Phát hành và Kho quỹ trực tiếp quản lý khóa an toàn và có trách nhiệm báo cáo Thống đốc bằng văn bản ngay sau khi cài đặt xong khóa an toàn. Cán bộ, công chức, viên chức liên quan đến việc cài đặt khóa an toàn có trách nhiệm bảo vệ bí mật nhà nước về khóa an toàn theo quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước.

Hồ sơ trình duyệt mẫu in, đúc thử đơn hình bao gồm: Văn bản đề nghị Thống đốc Ngân hàng nhà nước phê duyệt mẫu in, đúc thử đơn hình và nghiệm thu bản in gốc, khuôn đúc gốc; Mẫu in, đúc thử đơn hình; Tài liệu kỹ thuật về bản in, khuôn đúc; Kết quả thí nghiệm, đánh giá về chất lượng kỹ thuật của mẫu in, đúc thử đơn hình.

Hồ sơ trình duyệt mẫu in thử đa hình: Văn bản đề nghị Cục Phát hành và Kho quỹ phê duyệt mẫu in thử đa hình; Mẫu in chuẩn đơn hình; Mẫu in thử đa hình; Kết quả thí nghiệm, đánh giá về chất lượng kỹ thuật của mẫu in thử đa hình trên cơ sở mẫu in chuẩn đơn hình.

Thống đốc phê duyệt mẫu in, đúc thử đơn hình và nghiệm thu bản in gốc, khuôn đúc gốc trên cơ sở kết quả thẩm định, đề nghị của Cục Phát hành và Kho quỹ, hồ sơ trình duyệt mẫu in, đúc thử đơn hình và hồ sơ trình duyệt mẫu thiết kế đồng tiền theo quy định tại Thông tư này. Cục trưởng Cục Phát hành và Kho quỹ phê duyệt mẫu in chuẩn đa hình trên cơ sở mẫu in chuẩn đơn hình, tiêu chuẩn kỹ thuật đồng tiền, kết quả thẩm định mẫu in thử đa hình.

Trường hợp cần nghiên cứu, thử nghiệm và ứng dụng những phát triển mới trong công nghệ bảo an nhằm nâng cao khả năng chống giả, độ bền và độ sạch của đồng tiền Việt Nam, Cục Phát hành và Kho quỹ trình Thống đốc xem xét, quyết định việc chế bản và in, đúc thử mẫu nghiên cứu, mẫu dự phòng. Việc chế bản và in, đúc thử mẫu nghiên cứu, mẫu dự phòng được thực hiện như đối với chế bản, in, đúc thử mẫu tiền mới theo quy định tại Thông tư này.

Việc in, đúc tiền tại cơ sở in, đúc tiền được thực hiện trên cơ sở Hợp đồng in, đúc tiền được ký giữa Ngân hàng Nhà nước và cơ sở in, đúc tiền trên cơ sở kế hoạch in, đúc tiền được Thống đốc phê duyệt. Mẫu in chuẩn đa hình (đối với tiền giấy) và mẫu đúc chuẩn đơn hình (đối với tiền kim loại) được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Tiêu chuẩn kỹ thuật của từng loại tiền được Thống đốc phê duyệt. Việc chế tạo bản in sản xuất, khuôn đúc sản xuất của cơ sở in, đúc tiền để thực hiện hợp đồng in, đúc tiền với Ngân hàng Nhà nước phải đảm bảo chính xác như bản in gốc, khuôn đúc gốc và phù hợp với số lượng tiền cần in, đúc quy định trong hợp đồng in, đúc tiền với Ngân hàng Nhà nước.

Trường hợp in, đúc tiền ở nước ngoài, Cục Phát hành và Kho quỹ báo cáo Thống đốc trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Việc lựa chọn cơ sở in, đúc tiền nước ngoài được thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu, đảm bảo chất lượng đồng tiền và an ninh, an toàn trong quá trình in, đúc tiền.

Hợp đồng chế bản, in, đúc tiền phải quy định cụ thể trách nhiệm của cơ sở in, đúc tiền trong việc quản lý, sử dụng bản in, khuôn đúc và hồ sơ, tài liệu mật về in, đúc tiền, đảm bảo phù hợp với quy định về bảo vệ bí mật nhà nước trong ngành ngân hàng và các quy định của pháp luật có liên quan. Việc in, đúc tiền của cơ sở in, đúc tiền chịu sự kiểm tra, giám sát, kiểm toán nội bộ của Ngân hàng Nhà nước theo quy định của pháp luật.

Trong quá trình sản xuất, cơ sở in, đúc tiền phải tuân thủ quy trình công nghệ in, đúc tiền và các quy định về quản lý chất lượng trong quá trình in, đúc tiền, đảm bảo sản phẩm giao cho Ngân hàng Nhà nước đạt tiêu chuẩn kỹ thuật đồng tiền. Kết quả kiểm tra chất lượng của cơ sở in, đúc tiền phải thể hiện bằng văn bản, có xác nhận của người có thẩm quyền của cơ sở in, đúc tiền. Cục Phát hành và Kho quỹ có trách nhiệm kiểm tra, đánh giá khả năng thực hiện hợp đồng của cơ sở in, đúc tiền về các nội dung liên quan đến quy trình công nghệ chế bản, in, đúc tiền; việc quản lý chất lượng nguyên, vật liệu chính, bán thành phẩm, thành phẩm trong quá trình sản xuất nhằm đảm bảo chất lượng tiền in, đúc và việc đảm bảo an ninh, an toàn trong từng công đoạn sản xuất.

Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 12 tháng 01 năm 2015 và thay thế Thông tư số 23/2009/TT-NHNN ngày 02/12/2009 quy định việc thiết kế mẫu, chế bản và quản lý in, đúc tiền Việt Nam.