Đào tạo luật sư, cần đổi mới phương pháp

18/11/2008
Đề án "thành lập Tổ chức luật sư toàn quốc” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 18/1/2008. Đồng thời, Chính phủ cũng quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Đại hội đại biểu luật sư toàn quốc lần thứ nhất với 9 thành viên.

    Theo đó, tổ chức luật sư toàn quốc đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của luật sư, các Đoàn luật sư trong phạm vi cả nước; ban hành và giám sát việc tuân theo Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư; tổ chức bồi dưỡng thường xuyên về kiến thức pháp luật, kỹ năng hành nghề cho luật sư; tham gia xây dựng pháp luật, nghiên cứu khoa học pháp lý, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và thực hiện các hoạt động hợp tác quốc tế về luật sư...

     Theo số liệu của Bộ Tư pháp thì số lượng luật sư ở Việt Nam hiện nay còn rất thấp, chỉ khoảng 4.000. Trung bình 20.000 dân mới có 1 luật sư, trong khi ở Singapore, tỷ lệ này là 1.000 dân, Nhật Bản: 5.500 dân, Đan Mạch: 1.000 Thuỵ Điển 2.279, Ở các nước phát triển thì Mỹ có 1 luật sư/270 dân, Pháp: 500 dân. Như vậy, nếu tính hoạt động của luật sư tham gia bào chữa các phiên toà, chúng ta mới có 20% vụ án có luật sư (số liệu Bộ Tư pháp báo cáo trước Quốc Hội). Từ số liệu trên có thể thấy đội ngũ luật sư ở Việt Nam còn thấp. Tuy nhiên, điều quan trọng không phải chỉ nhìn ở số lượng mà phải đánh giá về mặt chất lượng và nhận thức về vai trò của luật sư đối với doanh nghiệp và cả  những người dân bình thường.  
    Ở nhiều nước trên thế giới, chi phí dịch vụ luật sư không rẻ mà rất đắt đỏ. Nhưng phía doanh nghiệp sẵn sàng trả tiền cho dịch vụ luật sư vì đơn giản là trong nền kinh tế toàn cầu, cạnh tranh, tư vấn pháp lý giúp bổ trợ doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả, đem lại lợi nhuận tốt. Với những người thông thường thì tiếp cận dịch vụ luật sư có thể giúp họ tiếp cận pháp quyền. Luật sư phải làm điều đó. Thậm chí có công việc luật sư sẵn sàng phục vụ miễn phí.

    Tuy nhiên ở Việt Nam, chi phí là một trong những lý do hạn chế doanh nghiệp hoặc người dân tìm đến với luật sư, một lý do khác là người Việt Nam chưa có thói quen sử dụng dịch vụ này như một điều thiết yếu. Chất lượng của đội ngũ luật sư trên thực tế còn thấp.    
      Do đó, để thúc đẩy pháp quyền, một nhà nước phải có hệ thống pháp lý để ngoài các doanh nghiệp và những người có điều kiện thì người nghèo cũng được đảm bảo có thể tiếp cận dịch vụ luật sư. Muốn làm được điều đó, nhà nước phải có bộ quy tắc độc lập, sự độc lập của bộ máy tư pháp cũng như sự độc lập của luật sư. Một nhà nước pháp quyền phải có toà án độc lập, luật sư độc lập cũng như cơ quan hành pháp để đảm bảo rằng không có tham nhũng.

        Như vậy có thể thấy yếu tố độc lập của luật sư có vai trò quan trọng trong việc góp phần đảm bảo thực hiện nhà nước pháp quyền. Tuy nhiên, nói đến  tính độc lập thì phải nói đến chất lượng đội ngũ luật sư. Ở Việt Nam, chất lượng đội ngũ luật sư còn thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu mong đợi. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên nhưng nguyên nhân cơ bản là do công tác đào tạo.

      Ở Việt Nam, để trở thành luật sư khá đơn giản, thậm chí là dễ dãi. Cụ thể: Chỉ cần tốt nghiệp Đại học chuyên ngành Luật dù là bằng chính quy hay đào tạo tại chức, sau đó học 6 tháng lấy chứng chỉ đào tạo nghề của Học viện tư pháp, sau đó thực tập 18 tháng (một năm rưỡi) tại một văn phòng luật sư. Với những người đang công tác từng làm điều tra viên, kiểm sát viên hay thẩm tra viên, thanh tra viên đã có thời gian trên 5 năm công tác thì thậm chí không cần học để lấy chứng chỉ đào tạo nghề.

     Thực tế đào tạo cho thấy : thời gian 6 tháng đạo tạo nghề là thời gian quá ngắn để chuyển tải kiến thức nghề nghiệp cơ bản đến học viên. Rất nhiều nội dung cần truyền đạt nhưng do thiếu thời gian nên đã được cắt ngắn hoặc bỏ qua.

     Cơ chế tập sự cũng là điều cần xem xét. Có những văn phòng mặc dù có ghi tên, xác nhận nhưng cả năm không biết người tập sự ở đâu, rồi qua một đợt kiểm tra hết tập sự (với yêu cầu chuyên môn không cao) đoàn luật sư sẽ kết nạp, Bộ Tư pháp cấp chứng chỉ hành nghề, thế là thành luật sư, không những có thể làm với văn phòng luật sư mà có quyền mở văn phòng luật riêng.

     Vấn đề đào tạo về ngành luật (nói chung) của Việt Nam thì còn mang tính chất lý luận và rất bất cập, mỗi trường luật đào tạo một kiểu. Ở một số trường, luật đang hiện hành như thế nào thì quán triệt như thế, giảng dạy cho học sinh, sinh viên. Nếu hệ thống pháp luật không ổn định, thay đổi liên tục thì sẽ gặp vấn đề bởi giáo trình của của các trường không thay đổi thường xuyên, không thể cập nhật những điểm mới về chính sách  pháp luật trong ngày một ngày hai để phục vụ cho học viên.

    Một số trường khác lại tập trung vào lý luận, tức những nguyên tắc chung, sinh viên tốt nghiệp làm nghiên cứu được, nhưng không có tính thực tiễn thì cũng chỉ là mớ lý luận suông. Ở trường an ninh hay cảnh sát có cấp bằng cử nhân luật, nhưng đào tạo ở đây cũng hoàn toàn khác nhau, chưa hẳn đã chuyên sâu vấn đề luật pháp. 

    Năng lực, trình độ của luật sư chưa đáp ứng được đòi hỏi của khách quan và chưa đủ độ tin cậy để Nhà nước giao nhiều việc cho luật sư. Đấy là chưa nói đến phẩm chất đạo đức.

    Tham khảo về đào tạo luật sư ở Thuỵ Điển thì để trở thành một luật sư độc lập, trước tiên phải được đào tạo 5 năm trong trường Đại học về luật học.

    Sau khi tốt nghiệp, phải đến thực tập bắt buộc ở một hãng luật trong vòng 5 năm nữa. Sau đó, phải tham gia một kỳ thi sát hạch. Kế đó mới được nộp đơn thi gia nhập làm thành viên của Đoàn luật sư Thuỵ Điển.  
    Nhưng để được chính thức được hành nghề độc lập, người đó phải chứng minh sự chuyên nghiệp, phải đưa ra được thư giới thiệu chứng thực năng lực của các toà án, các luật sư nơi mà người đó đã làm việc, liên lạc trong suốt thời gian 5 năm thực tập. Tất nhiên với điều kiện không bị phê phán, chê trách nhiều. Hoàn thành kỳ thi của Đoàn luật sư là có thể trở thành thành viên của Đoàn Luật sư và làm việc độc lập. Thuỵ Điển cũng rất coi trọng bảo vệ danh hiệu luật sư. 

    Ở Đan Mạch, thời gian thực tập sau tốt nghiệp kéo dài 3 năm nhưng sau đó, để trở thành luật sư độc lập thì cũng phải thi vào Đoàn Luật sư và Cộng đồng Luật. Sau đó, sẽ phải đến toà để thẩm phán hoặc các luật sư trưởng kiểm tra, xem xét liệu người đó có đủ năng lực làm nghề không

    Từ những điều nêu trên cho thấy, Việt Nam sẽ phải chịu sự cạnh tranh khốc liệt nếu không đẩy nhanh việc đào tạo, thiết lập đội ngũ luật sư có chuẩn mực cao và đảm bảo thu nhập xứng đáng cũng như sự độc lập thực sự cho luật
    Khi Việt Nam chuẩn bị thành lập Liên đoàn Luật sư toàn quốc cũng có nghĩa là Liên đoàn sẽ được chấp thuận trong cộng đồng pháp lý quốc tế. Nhưng để được chấp thuận, luật sư Việt Nam phải đảm bảo những chuẩn mực nhất định, độc lập, phục vụ theo nguyên tắc, điều lệ của mình. Các đoàn luật sư thế giới sẵn sàng trao đổi kinh nghiệm và nếu Việt Nam muốn gia nhập cộng đồng quốc tế, tuy nhiên, Việt Nam cũng phải đảm bảo được những chuẩn mực quốc tế.

     Chính vì những đòi hỏi trên mà sau khi có quyết định của Chính phủ về việc thành lập Liên đoàn Luật sư toàn quốc, Bộ Tư pháp đã trình lên Chính phủ Đề án đào tạo cấp tốc luật sư và chuyên gia pháp luật phục vụ yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế. Đề án này đã được Chính phủ phê duyệt với mức kinh phí lên tới 6,809 triệu USD tương đương 108,9 tỷ đồng để đào tạo 50  luật sư và 50 chuyên gia pháp luật có đẳng cấp quốc tế.

     Theo đề án, căn cứ trên nhu cầu sử dụng đã được khảo sát, từ 2008-2010 đề án đặt ra mục tiêu sẽ đào tạo gấp rút 100 luật sư và chuyên gia pháp luật am hiểu pháp luật và tập quán thương mại quốc tế, thông thạo ngoại ngữ, giỏi kỹ năng hành nghề luật sư quốc tế, có khả năng được cấp chứng chỉ hành nghề luật sư của các nước đã được đào tạo.

    Sau khi đào tạo, các luật sư và chuyên gia pháp luật sẽ được sử dụng và tư vấn trong những dự án lớn của Chính phủ, tham gia tranh tụng quốc tế để bảo vệ lợi ích của phía Việt Nam. Đây cũng được xác định là nòng cốt để từng bước hình thành và phát triển đội ngũ luật sư, chuyên gia pháp luật đạt tiêu chuẩn quốc tế của Việt Nam.

    Các học viên tham gia chương trình này sẽ phải vượt qua các kỳ tuyển chọn và gửi đi đào tạo nghề luật sư tại các cơ sở đào tạo nghề Anh, Mỹ và Úc và thực hành nghề nghiệp tại các hãng luật quốc tế của nước này. Các học viên sẽ trải qua hai giai đoạn là: là đào tạo tại các trường học và thực hành tại các công ty luật từ 3-12 tháng.

    Đối với những người đã qua đào tạo luật sư hoặc có bằng thạc sỹ luật học của các nước trên thì có thể xem xét gửi đi ngay để thực hành nghề nghiệp tại các công ty luật nước này. Đối với người chưa qua đào tạo thì sẽ được cho đi học và sau đó thực hành nghề tại các hãng luật quốc tế.

    Việc lựa chọn Anh, Mỹ và Úc đề đạo các luật sư vì đây là nơi có nghề luật sư và dịch vụ phát triển, có các hãng luật lớn đứng đầu thế giới, sử dụng ngôn ngữ tiếng Anh thông dụng trong thương mại quốc tế. Pháp luật của các nước này thường được thừa nhận như chuẩn mực của các giao dịch thương mại quốc tế.

    Sau khi đào tạo về nước, các luật sư vẫn có thể tiếp tục làm việc tại các công ty luật, các tổ chức trước đây mà mình tham gia, nhưng Bộ Tư pháp sẽ quản lý và các luật sư sẽ có trách nhiệm thực hiện các công việc của Chính phủ và doanh nghiệp theo yêu cầu như đã cam kết. Các chuyên gia pháp luật sẽ tiếp tục làm việc trong các cơ quan tổ chức và tham gia các công việc khi Nhà nước cần. Các học sinh - sinh viên sẽ được đặc cách tuyển dụng vào các cơ quan nhà nước.

    Điều này cho thấy việc đạo tạo các luật sư đẳng cấp quốc tế là vấn đề cấp thiết. Việc Việt Nam tham gia WTO đã đặt doanh nghiệp và các cơ quan nhà nước trước sức ép cạnh tranh gay gắt. Trong đó, sẽ xảy ra rất nhiều tranh chấp pháp lý quốc tế và các vấn đề liên quan đến pháp luật thương mại quốc tế. Trong khi đó, chúng ta còn thiếu một đội ngũ luật sư giỏi, thông thạo pháp luật quốc tế và ngoại ngữ để tư vấn cho Nhà nước,doanh nghiệp và tham gia giải quyết các tranh chấp, dẫn đến thua thiệt trong các vụ tranh chấp thương mại quốc tế.

      Trong thời gian tới, nếu chúng ta hình thành được các nhóm chuyên gia pháp luật và luật sư có trình độ quốc tế tham gia giải quyết tranh chấp thương mại, tư vấn đàm phán, hỗ trợ kinh doanh thì sẽ hạn chế tối đa các rủi ro pháp lý có thể phát sinh trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay. Muốn đạt được điều này, chúng ta cần phải có một chiến lược đào tạo lâu dài, hiệu quả ngay từ bước đầu bằng các biện pháp như : xây dựng, củng cố đội ngũ giảng viên, sửa đổi, bổ sung tài liệu giảng dạy và học tập, tăng thời gian đào tạo luật sư đồng thời có cơ chế tập sự, kiểm tra hết tập sự chặt chẽ, có chất lượng. Ngoài ra, Việt Nam cũng phải thúc đẩy nhanh quá trình hợp tác quốc tế trong đào tạo luật sư nhằm giúp cho luật sư Việt Nam có cơ hội tiếp xúc, giao lưu, học tập kinh nghiệm của đội ngũ luật sư các nước phát triển. Nếu thực hiện tốt những điều trên, chất lượng đội ngũ luật sư Việt Nam sẽ được nâng lên và rút ngắn được khoảng cách về tính chuyên nghiệp, uy tín nghề nghiệp giữa hoạt động của luật sư Việt Nam với luật sư trên thế giới.

LH