Công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả - Nhìn từ góc độ theo dõi THPL

26/05/2016
Năm 2015, Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan lựa chọn chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả là lĩnh vực trọng tâm, liên ngành để tổ chức theo dõi tình hình thi hành pháp luật. Việc lựa chọn lĩnh vực nêu trên xuất phát từ thực tế đây là lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của nhiều bộ, ngành, hiện đang phát sinh nhiều khó khăn, vướng mắc, cũng như tồn tại nhiều “điểm nóng” trong dư luận xã hội. Nhìn từ góc độ theo dõi tình hình thi hành pháp luật, chúng tôi rút ra một số vấn đề chủ yếu trong lĩnh vực nêu trên như sau:
1. Về tình hình ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành văn bản quy phạm pháp luật
Kết quả theo dõi cho thấy, việc xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành văn bản quy phạm pháp luật về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đã được các Bộ, ngành và địa phương quan tâm, triển khai thực hiện. Tuy nhiên, thực tế cho thấy vẫn còn tồn tại một số hạn chế, vướng mắc sau đây:
a) Công tác rà soát luật, pháp lệnh, lập danh mục và xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết luật, pháp lệnh, nhất là đối với thông tư và thông tư liên tịch còn chậm, chưa kịp thời đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; tiến độ ban hành văn bản quy định chi tiết vẫnchưa đáp ứng yêu cầu phải có hiệu lực cùng thời điểm với văn bản được quy định chi tiết theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
  b) Một sốvăn bản quy định chi tiết thi hành pháp luật về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả qua rà soát, kiểm tra cho thấy vẫn còn thiếu tính khả thi hoặc chưa bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật. Trong năm 2015, Bộ Tư pháp đã phát hiện và kiến nghị xử lý 04 văn bản liên quan đến lĩnh vực chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả có dấu hiệu trái pháp luật; 02 văn bản của Bộ, ngành quy định về hiệu lực thi hành không phù hợp với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; 09 văn bản của địa phương có thể thức là quyết định cá biệt nhưng nội dung chứa quy phạm pháp luật.
  2. Về tình hình bảo đảm các điều kiện cho thi hành pháp luật
Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả được các Bộ, ngành và địa phương quan tâm, chú trọng thực hiện. Nổi bật trong số các hình thức tuyên truyền nêu trên có thể kể đến Chương trình truyền hình “Chống buôn lậu, hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng” do Ban Chỉ đạo quốc gia 389 phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam - Trung tâm tin tức 24h phát sóng định kỳ trên sóng VTV1 hàng ngày để thông tin, tuyên truyền về tình hình hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; UBND Thành phố Hà Nội đã phối hợp với Đài Phát thanh và truyền hình Hà Nội thực hiện phát sóng chuyên mục “Chung tay chống hàng giả”.
Tổ chức bộ máy thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước trong lĩnh vực này từng bước được kiện toàn, đồng thời các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cũng đã bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ để tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được giao.Các lực lượng có chức năng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Công an, Hải quan, Thuế, Quản lý thị trường, Bộ đội Biên phòng, Thanh tra các Sở, ngành...) đã được các cấp có thẩm quyền quan tâm, kiện toàn, củng cố theo hướng tập trung, chuyên sâu, phân định rõ trách nhiệm, phối hợp tốt trong hoạt động liên ngành. Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389) được thành lập ở Trung ương và các địa phương trên toàn quốc đã tạo nên sự biến chuyển mạnh mẽ trong trong công tác phối hợp giữa các lực lượng có chức năng, nhiệm vụ đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Các Bộ, ngành, địa phương cũng đã quan tâm, chú trọng đầu tư kinh phí mua sắm trang thiết bị, phương tiện và đảm bảo nhu cầu hoạt động thường xuyên cho các lực lượng làm nhiệm vụ chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả nên đã góp phần đấu tranh phòng ngừa có hiệu quả trong lĩnh vực này.
Qua theo dõi cho thấy, tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực này còn tồn tại một số hạn chế, vướng mắc như: (i) Công tác phổ biến, tập huấncác quy định của pháp luật về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả ở một số Bộ, ngành, địa phương còn dàn trải, thiếu trọng tâm, trọng điểm, chưa sát với nhu cầu. Việc tuyên truyền, giải thích một số chính sách, quy định mới còn thiếu kịp thời, chưa tạo được sự lan tỏa sâu rộng; (ii) Tổ chức bộ máy của các lực lượng chức năng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả chậm được đổi mới; chất lượng, số lượng cán bộ, công chức thực thi nhiệm vụ chưa bảo đảm so với yêu cầu thực tiễn và (iii) Kinh phí thực hiện công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả còn hạn chế.Mặc dù hoạt động thường xuyên của các lực lượng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đã được bố trí, bảo đảm kinh phí từ nguồn ngân sách của nhà nước, nhưng trên thực tế mức chi cho các hoạt động mang tính nghiệp vụ, đặc thù (Ví dụ như: Điều tra, xác minh; mua tin; kiểm tra, giám định; bắt giữ xử lý vi phạm; bồi thường tổn thất do nguyên nhân khách quan; thanh toán bồi dưỡng làm đêm, thêm giờ…) còn thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế hoạt động. Cơ sở vật chất, trang thiết bị chuyên dùng, kỹ thuật nghiệp vụ cho công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (trụ sở làm việc, phương tiện, công cụ hỗ trợ, kho lưu giữ tang vật, phương tiện vi phạm) tại cấp tỉnh và cơ sở còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu phục vụ công tác (số lượng ít, phương tiện hư hỏng, lạc hậu).
3. Về tình hình tuân thủ pháp luật
Tổng hợp Báo cáo của các Bộ, ngành và địa phương cho thấy, tính đến ngày 15/11/2015, các Bộ, ngành, địa phương đã chỉ đạo lực lượng chức năng các cấp đẩy mạnh phối hợp đấu tranh có hiệu quả, phát hiện, bắt giữ, xử lý 186.989 vụ việc vi phạm (tăng 6.47% so với cùng kỳ năm 2014), số thu nộp ngân sách nhà nước(NSNN) từ tiền xử phạt vi phạm hành chính, bán hàng tịch thu và công tác thanh tra, kiểm tra, truy thu thuế ước đạt 11.535 tỷ 863 triệu đồng (tăng 5,75% so với cùng kỳ năm 2014); khởi tố 1.123 vụ đối với 1.281 đối tượng. Bên cạnh đó, tình hình tuân thủ pháp luật trong lĩnh vực này thời gian qua còn tồn tại những hạn chế, bất cập như: (i) Quy định của pháp luật trong lĩnh vực này vẫn chưa được thi hành kịp thời, đầy đủ, hướng dẫn chưa chính xác hoặc thiếu thống nhất; nhiều quyết định áp dụng pháp luật do cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền ban hành có vi phạm về trình tự, thủ tục, thẩm quyền, không bảo đảm tính chính xác; (ii) Một bộ phận cán bộ, công chức, người có thẩm quyền có nhận thức yếu kém, thậm chí vi phạm pháp luật, buông lỏng quản lý, tiếp tay cho hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, làm hàng giả, nhất là ở một số lĩnh vực, ngành hàng có lợi nhuận lớn. Ý thức tuân thủ pháp luật của một bộ phận người dân chưa cao, chuộng hàng rẻ nên vẫn tiêu thụ hàng gian, hàng lậu hoặc tiếp tay cho buôn lậu; một bộ phận doanh nghiệp còn tâm lý chạy theo lợi nhuận mà bất chấp quy định của pháp luật và (iii) Tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại tại các địa bàn trọng điểm có dấu hiệu ngày càng phức tạp,với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi và mức độ vi phạm ngày càng nghiêm trọng ở cả các cửa khẩu và nội địa, tổ chức hoạt động theo đường dây, ổ nhóm, tụ điểm, có sự cấu kết chặt chẽ giữa các chủ đầu nậu trong và ngoài nước.
Xuất phát từ thực trạng nêu trên, bên cạnh việc hoàn thiện hệ thống pháp luật thì các Bộ, ngành liên quan cần tăng cường phối hợp trong chỉ đạo, điều hành hoạt động của các lực lượng chức năng (ở Trung ương và địa phương), cũng như thúc đẩy các hoạt động nhằm nâng cao ý thức sử dụng hàng hóa, sản phẩm theo tiêu chí “người tiêu dùng thông thái”. Đồng thời, ngoài việc phát huy vai trò, trách nhiệm của cán bộ, công chức trong thực hiện công vụ thì cũng cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm minh cán bộ, công chức có hành vi tiêu cực, tiếp tay cho các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả./.
Hồ Quang Huy - Ngô Lan Hương