Cần mở rộng chủ thể cung cấp thông tin

27/11/2015
Sáng nay (27/11), thảo luận về dự thảo Luật tiếp cận thông tin (TCTT), Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cho rằng cần tiếp tục làm rõ, giải quyết một cách thỏa đáng các vấn đề về TCTT để Luật TCTT có tính khả thi.
 

Đa số ĐBQH cơ bản tán thành với sự cần thiết ban hành TCTT nhằm cụ thể hóa và bảo đảm thực hiện quy định của Hiến pháp về quyền TCTT của công dân. Theo ĐB Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn), cần quy định tương ứng với các chủ thể về mức độ tiếp cận thông tin theo từng đối tượng. Đồng thời, không điều chỉnh việc TCTT trong các lĩnh vực cụ thể mà pháp luật chuyên ngành quy định như thông tin thuộc bí mật nhà nước, bí mật đời tư, bí mật kinh doanh.  

Cho rằng, quy định như dự thảo luật là bảo đảm được quyền tiếp cận thông tin của công dân theo quy định của Hiến pháp, bảo đảm không làm ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của cá nhân, tổ chức, ĐB Đỗ Ngọc Niễn (Bình Thuận) cho rằng, vấn đề bí mật nhà nước hiện vẫn còn nhiều nội dung chưa được cụ thể, thiếu thống nhất về “độ mật” nên có thể hạn chế quyền TCTT của người dân.

Do đó, “dự thảo Luật cần phải làm rõ tính chất “mật” của tài liệu phụ thuộc vào chủ thể ban hành hay phụ thuộc vào nội dung thông tin nhằm tránh tình trạng chủ thể ban hành tài liệu lợi dụng quy định về độ mật gây cản trở quyền TCTT của người dân” - ĐB Đỗ Ngọc Niễn.

Đồng thời, dự thảo Luật quy định quyền TCTT của công dân trong phạm vi thông tin của nhà nước và thông tin công quyền khiến ĐBQH lo ngại hạn chế quyền TCTT của công dân bởi có nhiều thông tin do cơ quan, tổ chức nắm giữ có tác động đến quyền con người, quyền và lợi ích cơ bản của công dân, liên quan đến đời sống, sự tồn tại của người dân mà người dân cần phải biết, có quyền được biết. Do đó, một số ĐBQH đề nghị cần mở rộng thêm chủ thể cung cấp thông tin một cách hợp lý.

Ngoài ra, ĐB Phùng Đức Tiến (Hà Nam) đề nghị cần nghiên cứu, bổ sung quy định cấm việc công dân lợi dụng quyền TCTT theo luật này để đưa ra những yêu cầu vô lý nhằm gây phiền hà cho các cơ quan Nhà nước nhằm mục đích trục lợi cá nhân. Thậm chí trì hoãn, cản trở việc giải quyết các việc theo thủ tục của các cơ quan có thẩm quyền./.

H.Giang