Người nhận con nuôi: Phải hơn con nuôi 25 tuổi mới đảm bảo “an toàn”

16/11/2009
Thảo luận tại hội trường về Dự án Luật Nuôi con nuôi ngày 12/11/2009, các đại biểu đánh giá cao sự chuẩn bị có chất lượng của Chính phủ về dự án luật, nhưng cũng đóng góp nhiều ý kiến để các điều luật có tính khả thi cao, đặc biệt là hạn chế những tiêu cực về cho nhận con nuôi như thời gian qua đã từng xảy ra ở một số địa phương.

Bố nuôi và bé gái: cách 20 tuổi là “an toàn”

Để đảm bảo những lợi ích tốt nhất của trẻ khi được nhận làm con nuôi, dự thảo Luật đề ra các quy định về điều kiện đối với người nhận con nuôi, trong đó người nhận phải hơn con nuôi từ 20 tuổi trở lên.

Đại biểu Ngô Doãn Thanh, Hà Nội đồng tình với dự thảo Luật, và cho rằng khoảng cách giữa người nhận và con nuôi không nên quá lớn về độ tuổi sẽ tạo ra sự cách biệt về lối sống, tâm sinh lý. Tuy nhiên, đại biểu Thanh đề nghị cần khống chế người nhận con nuôi không quá 50 tuổi để đảm bảo có thể nuôi dưỡng trẻ một cách tốt nhất.

Đồng tình, đại biểu Bùi Thị Lệ Phi, Cần Thơ cho rằng, mặc dù độ tuổi của người nhận con nuôi của Dự thảo ngắn hơn so với luật của một số nước lân cận như Trung Quốc, nhưng bà Phi cho rằng quy định này phù hợp với Luật Hôn nhân và Gian đình, là khoảng cách an toàn. Nhất là với bố nuôi và bé gái. Còn việc có bị lợi dụng xâm hại hay không đó là vấn đề thuộc phạm trù đạo đức, đã có các quy định khác ràng buộc. Đại biểu Phi cũng không tán thành quy định mỗi người được nhận một hoặc nhiều con nuôi mà đề nghị chỉ được nhận 1-2 con cho phù hợp với quy mô gia đình Việt Nam.

Tuy nhiên, Đại biểu Ngô Minh Hồng, TP Hồ Chí Minh lại nêu thực tế, nhiều trường hợp lợi dụng việc nuôi con nuôi để chung sống với nhau như vợ chồng, hoặc bóc lột tình dục. “Vấn đề này đã trở thành một hiện tượng xã hội”, bà Hồng nhấn mạnh và cho biết bà không đồng tình với dự thảo người nhận hơn con nuôi 20. “Nên quy định là 25 tuổi. Khoảng cách như vậy mới đảm bảo độ chín về nhân cách”. Bà Hồng đề nghị.

Người khuyết tật trên 15 tuổi có được làm con nuôi?

Dự thảo Luật Nuôi con nuôi quy định người được nhận làm con nuôi phải là trẻ em từ 15 tuổi trở xuống, người trên 15 tuổi nếu là thương binh, người khuyết tật, người mất năng lực hành vi dân sự hoặc làm con nuôi của người già yếu, cô đơn.

Đại biểu Nguyễn Đình Liêu, Ninh Thuận không đồng tình, vì cho rằng đây là những đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt không nên quy định làm con nuôi mà nên có chính sách trợ giúp, hỗ trợ cho họ được sống trong gia đình gốc. Do đó, ông Liêu đề nghị nên bỏ quy định này.

Đại biểu Lý Vân Kiều, Quảng Trị lo ngại: người khuyết tật được hiểu như thế nào? Kỳ họp này, Quốc hội đang thảo luận về Dự án người khuyết tật, còn đang tranh cãi về khái niệm khuyết tật và tàn tật. “Nếu đưa vào quy định này, sợ khó thực hiện”, đại biểu Kiều nêu ý kiến.

Liên quan đến điều kiện của người nhận con nuôi, dự thảo luật quy định, những trường hợp người đang bị hạn chế một số quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên hoặc bị kết án mà chưa được xóa án tích về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự của người khác; ngược đãi hoặc hành hạ ông, bà, cha, mẹ, vợ, chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình; mua bán, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em… không được nhận con nuôi. Đại biểu Thái Thị An Chung, Ngô Minh Hồng và một số đại biểu khác đề nghị cấm tuyệt đối với những người đã từng phạm các tội này, dù họ đã được xóa án tích hay chưa.

 Đối với người nhận con nuôi thuộc diện già yếu, cô đơn, Dự thảo quy định không phải đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 1 (có năng lực hành vi dân sự, độ tuổi, điều kiện kinh tế, chỗ ở…).

Đại biểu Đinh Ngọc Lượng, Cao Bằng phản ứng: nếu không có tư cách đạo đức, không có sức khỏe, hay điều kiện về kinh tế thì không được cho nhận con nuôi. Ông Lượng phân tích: nếu những người này được nhận con nuôi thì sẽ đi ngược lại với tinh thần chung của dự thảo luật, đó là đảm bảo tìm được một gia đình thay thế tốt nhất cho trẻ. Ông Lượng đề nghị bỏ quy định này.

Nhiều đại biểu khác đề nghị làm rõ khái niệm người nhận con nuôi phải có điều kiện về kinh tế.

Giao Tổ dân phố xác nhận là không khả thi

Trong số 23 ý kiến phát biểu tại hội trường, nhiều đại biểu đánh giá dự án luật có nhiều quy định chặt chẽ, nhất là đối với việc cho con nuôi người nước ngoài. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng quy định chặt chẽ nhưng cũng không có nghĩa là “phình” ra thêm một vài loại thủ tục hành chính.

Đại biểu Nguyễn Thị Minh Hồng, TP Hồ Chí Minh đề nghị xem xét lại quy định về Hội đồng tư vấn, có thể thay việc thành lập hội đồng bằng việc xác định rõ các tiêu trí về thời gian, hồ sơ…. Đại biểu Lý Vân Kiều, Quảng Trị cho rằng hồ sơ phải có xác nhận của tổ trưởng dân phố là không khả thi, thẩm quyền này nên giao cho UBND cấp xã.

Cũng về vấn đề thẩm quyền, một số ý kiến đồng ý việc đăng ký nuôi con nuôi trong nước nhưng đề nghị việc chấm dứt nên bằng quyết định của Tòa án.

Bình An