Hoạt động xuất bản ngành Tư pháp: Đặt lên hàng đầu nhiệm vụ chính trị

10/09/2009
Ngay từ những ngày đầu thành lập vào tháng 8/1945, hoạt động xuất bản của ngành Tư pháp đã diễn ra dù chưa thực sự sôi động. Còn hiện nay, ở tuổi lên 6, Nhà xuất bản (NXB) Tư pháp đang từng bước khẳng định thương hiệu của mình trên thị trường sách pháp luật.

Hơn 10 năm thực hiện xuất bản nhất thời

Theo Tuyên cáo của Chính phủ lâm thời do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu ngày 28/8/1945, Bộ Tư pháp là một trong số hơn 10 Bộ có trong Chính phủ. Nghị định số 37-NĐ ngày 01/12/1945 và Nghị định 01/CP ngày 11/02/1960 về tổ chức Bộ Tư pháp đã quy định nhiệm vụ tuyên truyền pháp luật của Bộ Tư pháp, trong đó có công tác xuất bản). Theo tư liệu do PGS-TS. Nguyễn Tất Viễn (Giám đốc kiêm Tổng biên tập NXB Tư pháp) cung cấp thì trong giai đoạn 1945-1960, Bộ Tư pháp đã xuất bản một số tài liệu tuyên truyền, hướng dẫn nghiệp vụ như các tập luật lệ về tư pháp.

Sau khi Uỷ ban Pháp chế thuộc Hội đồng Chính phủ thành lập (1972) được  6 năm thì năm 1978, NXB Pháp lý trực thuộc Uỷ ban Pháp chế ra đời và cho ra mắt độc giả những ấn phẩm pháp luật đầu tiên. Năm 1981, Bộ Tư pháp được tái lập. Ngày 22/11/1981, Hội đồng Bộ trưởng ra Nghị định 143-HĐBT quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của Bộ Tư pháp. Trong Bộ Tư pháp có NXB Pháp lý. Sau hơn 10 năm hoạt động tích cực và hiệu quả, do yêu cầu nhiệm vụ, năm 1992, NXB Pháp lý cùng một số NXB khác sáp nhập thành NXB Chính trị quốc gia.

Từ thời điểm sáp nhập trên, cùng với một số đơn vị khác thuộc Bộ và sự giúp đỡ của Ban tuyên huấn Trung ương (nay là ban Tuyên giáo Trung ương), Bộ Văn hoá -Thông tin (nay là Bộ Thông tin và Truyền thông), Tạp chí Dân chủ và Pháp luật (lúc ấy cũng do ông Viễn làm Tổng biên tập) đã thực hiện hoạt động xuất bản nhất thời. Việc xuất bản nhất thời của Bộ Tư pháp gặt hái được không ít kết quả với nhiều ấn phẩm sách pháp luật bên cạnh những ấn phẩm của NXB Chính trị quốc gia. Như vậy, có thể thấy, hoạt động xuất bản của ngành Tư pháp vẫn liên tục diễn ra nhưng dưới nhiều hình thức khác nhau với mục đích chủ yếu là chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ của ngành. Năm 2003, NXB Tư pháp chính thức được thành lập với Quyết định số 396/2003/QĐ-BTP ngày 8/9/2003 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp.

Tìm lời giải cho bài toán “vừa làm nhiệm vụ chính trị, vừa sản xuất kinh doanh”

Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn nhưng suốt 6 năm qua, NXB Tư pháp đã có nhiều đóng góp vào việc xuất bản và phát hành các loại sách nghiên cứu, hướng dẫn nghiệp vụ, sách tuyên truyền pháp luật… Gần đây, ngày 02/7/2009, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ký Quyết định phê duyệt Đề án kiện toàn tổ chức, đổi mới hoạt động của NXB Tư pháp giai đoạn 2009-2015, định hướng đến năm 2020 với những mục tiêu rất cụ thể. Theo đó NXB Tư pháp sẽ khắc phục cơ bản những hạn chế và đổi mới toàn diện về mặt tổ chức, cán bộ, về hoạt động nghiệp vụ… để có những ấn phẩm có chất lượng cao, phục vụ tốt hơn nữa sự nghiệp nghiên cứu khoa học pháp lý, hướng dẫn nghiệp vụ công tác tư pháp, tuyên truyền phổ biến pháp luật, hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị. Đồng thời nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh. Ông Viễn chia sẻ, đây là bài toán khó không chỉ của NXB Tư pháp mà còn là của nhiều NXB khác, nhưng trong bất cứ hoàn cảnh nào, nhiệm vụ chính trị vẫn được đặt lên hàng đầu.

Với chủ trương xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN thì những ấn phẩm về pháp luật của NXB Tư pháp chính là một công cụ tư tưởng quan trọng để nâng cao trình độ dân trí pháp lý. Không những thế, bản thân lãnh đạo NXB Tư pháp cũng xác định, luôn phải đặt nhiệm vụ chính trị lên hàng đầu với mong muốn nhanh chóng đưa NXB trở thành một trong những NXB hàng đầu về xuất bản sách pháp luật ở Việt Nam, từng bước vươn ra thị trường sách khu vực và thế giới. Bởi thế, thời gian tới, NXB sẽ chú trọng khai thác cả chiều rộng lẫn chiều sâu những đề tài, chủ đề lớn như tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước và pháp luật, cải cách tư pháp, tổ chức thực hiện quyền lực nhà nước ở Việt Nam, quyền dân chủ của công dân… Hướng đến xuất bản những cuốn sách mang tính kinh điển, có sức sống lâu bền như Lịch sử tư tưởng pháp lý Việt Nam, Biên niên sử ngành Tư pháp, Bình luận khoa học các đạo luật lớn… cũng như hợp tác với một số NXB nước ngoài để phát hành những ấn phẩm song ngữ nhằm quảng bá hình ảnh Việt Nam về mặt pháp luật ra thế giới. Mảng sách phổ biến, tuyên truyền pháp luật cũng tiếp tục được coi trọng/.

Cẩm Vân