Triển khai thực hiện chiến lược xây dựng pháp luật đến năm 2020

06/02/2007
Ngày 5-2, tại Hà Nội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị triển khai thực hiện chiến lược xây dựng pháp luật đến năm 2020 với sự chủ trì của Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng.
Dự hội nghị có ông Phạm Thế Duyệt, Chủ tịch Ủy ban T.ƯMTTQ Việt Nam; các thành viên Ủy ban Thường vụ QH, lãnh đạo các cơ quan của QH, các bộ trưởng-thành viên Chính phủ, thủ trưởng các cơ quan thuộc Chính phủ, lãnh đạo các đoàn thể ở T.Ư; các văn phòng: T.Ư Đảng, QH, Chủ tịch nước, Chính phủ; lãnh đạo Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao và Vụ trưởng Vụ pháp chế của các bộ, ngành, đoàn thể ở T.Ư; lãnh đạo các viện nghiên cứu và các cơ sở đào tạo về pháp luật.

Khai mạc Hội nghị, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, trong những năm qua, hệ thống pháp luật Việt Nam từng bước được đổi mới theo hướng đẩy mạnh cải cách hành chính. Công tác lập pháp được đổi mới cả về hình thức và nội dung, từng bước đưa luật vào cuộc sống, được sự ủng hộ của cử tri, góp phần hoàn thiện Nhà nước pháp quyền. Chúng ta đã xây dựng được nhiều luật và văn bản hướng dẫn thi hành, góp phần nâng cao hiệu lực trong hoạt động của các cơ quan nhà nước. Tuy nhiên, hệ thống pháp luật Việt Nam chưa đồng bộ, chưa toàn diện, chất lượng chưa cao, chưa sát thực tế cuộc sống. Số lượng có tăng nhưng so với nhu cầu vẫn còn thiếu. Do đó, cần đẩy mạnh công tác xây dựng luật theo hướng cụ thể hóa hơn nữa và ngày càng dân chủ hơn, để luật nhanh chóng đi vào cuộc sống, giảm dần việc ban hành pháp lệnh và văn bản hướng dẫn thi hành. Chúng ta đã có chiến lược cải cách hành chính, cải cách tư pháp và ngày 24-5-2005, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 48/NQ/T.W về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020. Chủ tịch đề nghị các đại biểu thảo luận, bàn biện pháp thực hiện hiệu quả Nghị quyết nói trên của Bộ Chính trị.

Trình bày nội dung cơ bản của Nghị quyết này, Phó Chủ tịch QH Nguyễn Văn Yểu cho biết, mục tiêu của Nghị quyết đặt ra là: Xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, trọng tâm là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân; đổi mới căn bản cơ chế xây dựng và thực hiện pháp luật; phát huy vai trò và hiệu lực của pháp luật để góp phần quản lý xã hội, giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế, hội nhập quốc tế, xây dựng Nhà nước trong sạch, vững mạnh, thực hiện quyền con người, quyền tự do, dân chủ của công dân, góp phần đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020.

Kế hoạch của Ủy ban Thường vụ QH thực hiện Nghị quyết số 48 do Bộ trưởng Bộ Tư pháp Uông Chu Lưu trình bày đã đề cập các nhiệm vụ trọng tâm của giai đoạn từ nay đến năm 2012. Theo đó, xây dựng pháp luật: Xây dựng và tổ chức triển khai Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh giai đoạn 2007-2012; Tổng rà soát hệ thống pháp luật, kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật sai trái; nghiên cứu, xây dựng các tập án lệ. Thực hiện các giải pháp tăng cường năng lực hoạt động của QH, Ủy ban Thường vụ QH, Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của QH, đại biểu QH; Xây dựng cơ chế huy động hiệu quả trí tuệ của mọi tầng lớp nhân dân tham gia vào quá trình xây dựng và thi hành pháp luật; tăng cường hiệu lực, hiệu quả thi hành pháp luật, kiện toàn tổ chức và hoạt động của các cơ quan thi hành pháp luật. Phát triển hệ thống thông tin và phổ biến, giáo dục pháp luật, tăng cường khả năng tiếp cận của nhân dân đối với hệ thống pháp luật. Tăng cường chất lượng công tác phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật theo nội dung của Chiến lược xây dựng pháp luật. Phát triển hệ thống đào tạo nguồn nhân lực làm công tác pháp luật, và đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp.

Trên cơ sở đó, nhiều đại biểu đã tham gia thảo luận, kiến nghị nhiều giải pháp nhằm góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết 48 của Bộ Chính trị

(Theo Nhân dân)