Quốc hội thảo luận dự án luật quản lý thuế; chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; hoạt động giám sát năm 2007

31/10/2006
Ngày 30-10, kỳ họp thứ 10, QH khóa XI vào ngày làm việc thứ 11, các đại biểu thảo luận tại hội trường về dự án Luật Quản lý thuế và Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2007; Chương trình hoạt động giám sát của QH năm 2007.

Dự án có tính khả thi cao

Buổi sáng, với sự chủ trì của Phó Chủ tịch QH Trương Quang Ðược, các đại biểu đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Ngân sách của QH Nguyễn Ðức Kiên, trình bày báo cáo của Ủy ban Thường vụ QH giải trình, tiếp thụ, chỉnh lý dự án Luật Quản lý thuế. Báo cáo đề cập 31 vấn đề còn ý kiến khác nhau, trong đó nêu rõ các loại ý kiến về từng vấn đề cụ thể và ý kiến của Ủy ban Thường vụ QH về mỗi vấn đề đó, cũng như việc chỉnh lý dự thảo. Theo đó, dự thảo trình QH xem xét tại phiên họp này gồm 14 chương với 121 điều.
Qua thảo luận, nhìn chung, ý kiến phát biểu đều nhất trí với báo cáo giải trình, tiếp thụ, chỉnh lý của Ủy ban Thường vụ QH và cho rằng, báo cáo đã tiếp thụ khá nhiều ý kiến đóng góp của các đại biểu QH thảo luận tại kỳ họp thứ 9 cũng như tại Hội nghị đại biểu QH chuyên trách ngày 11-8-2006 và đã được chỉnh lý khá tốt vào dự thảo. Do đó, dự án có tính khả thi cao.
Tuy nhiên, đi vào từng vấn đề cụ thể, các đại biểu QH đã nêu những vấn đề cần được xem xét kỹ hơn hoặc cần được sửa đổi, bổ sung. Vấn đề thứ nhất được nhiều đại biểu đề cập là quy định về tổ chức kinh doanh dịch vụ làm thủ tục về thuế. Theo Ðiều 19 dự thảo luật, thì tổ chức kinh doanh dịch vụ làm thủ tục về thuế là doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ có điều kiện được thành lập và hoạt động theo quy định của Luật Doanh nghiệp, thực hiện các thủ tục về thuế khi người nộp thuế yêu cầu.
Ðiều luật chỉ quy định tổ chức này chịu trách nhiệm với người nộp thuế theo nội dung thỏa thuận trong hợp đồng dịch vụ làm thủ tục về thuế. Do vậy, đại biểu Trần Văn Nam (Bình Dương) tỏ ý băn khoăn và đề nghị cần bổ sung quy định về trách nhiệm liên đới của tổ chức kinh doanh dịch vụ làm thủ tục về thuế khi tổ chức này thực hiện không đúng quy định của pháp luật về thuế, chứ không chỉ chịu trách nhiệm với người nộp thuế theo nội dung hợp đồng. Ðại biểu Nguyễn Ngọc Trân (An Giang) cũng đề nghị quy định trách nhiệm của tổ chức này trước cơ quan quản lý thuế. Ðại biểu Nguyễn Hoàng Anh (TP Hải Phòng) đề nghị cần quy định tổ chức này phải có một khoản tiền ký quỹ để ràng buộc trách nhiệm.
Vấn đề thứ hai, có nhiều ý kiến đề cập là quy định về điều tra trốn thuế, gian lận thuế (mục 4 Chương 10). Theo các Ðiều 84, 85 thì: Cơ quan quản lý thuế thực hiện điều tra đối với trường hợp người nộp thuế có dấu hiệu trốn thuế, gian lận thuế liên quan nhiều tổ chức, cá nhân khác. Tổng cục Thuế, Cục thuế, Tổng cục Hải quan, Cục hải quan được tổ chức lực lượng chuyên trách làm nhiệm vụ điều tra trốn thuế, gian lận thuế. Về vấn đề này, ý kiến các đại biểu QH còn khác nhau.
Theo đại biểu Trần Văn Nam (Bình Dương), quy định cho cơ quan quản lý thuế có thẩm quyền điều tra trốn thuế, gian lận thuế là không hợp lý, đề nghị giao cho cơ quan điều tra của Bộ Công an. Ngược lại, đại biểu Trần Hữu Hậu (Tây Ninh) không đồng ý như vậy, vì cho rằng, giao cho cơ quan điều tra Bộ Công an dễ bị hình sự hóa vấn đề, mặc dù thực tế vừa qua nhiều doanh nghiệp bị ngành thuế, hải quan hành mà không làm sao được. Ðại biểu này tán thành như dự thảo và đề nghị cần bổ sung quy định về kiểm soát hành vi và xử lý hành vi vi phạm của công chức thuế, hải quan.
Một vấn đề khác cũng có nhiều đại biểu quan tâm thảo luận là quy định về Hội đồng tư vấn thuế xã, phường, thị trấn. Theo quy định tại Ðiều 11, Hội đồng này do Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã quyết định thành lập theo đề nghị của chi cục trưởng chi cục thuế quản lý thuế tại địa bàn xã, phường, thị trấn. Hội đồng tư vấn thuế xã, phường, thị trấn gồm đại diện Ủy ban Nhân dân, Mặt trận Tổ quốc, Công an xã, phường, thị trấn; đại diện các hộ kinh doanh, đại diện Chi cục thuế quản lý địa bàn xã, phường, thị trấn. Hội đồng tư vấn thuế xã, phường, thị trấn có nhiệm vụ tư vấn với cơ quan thuế về mức thuế của các hộ kinh doanh trên địa bàn, bảo đảm đúng pháp luật, công bằng, hợp lý và phải được ghi nhận bằng biên bản họp của Hội đồng.
Có ý kiến đề nghị bỏ điều luật này vì cho rằng, hoạt động của Hội đồng sẽ không hiệu quả do không có nghiệp vụ. Có ý kiến tỏ ra băn khoăn và cho rằng, nếu thấy thật cần thiết thì phải quy định rõ trong luật về hoạt động của Hội đồng, nếu không sẽ gây ách tắc trong việc thực hiện quản lý thuế.
Các ý kiến phát biểu còn đề cập nhiều vấn đề khác của dự thảo, như: tên gọi của luật, nghĩa vụ của người nộp thuế, tài sản quốc phòng không bị kê biên, việc hoàn trả số thuế nộp thừa, bảo mật thông tin của người nộp thuế.
Chương trình xây dựng luật và hoạt động giám sát của QH
Buổi chiều, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch QH Nguyễn Văn Yểu, QH nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ QH, Chủ nhiệm Văn phòng QH Bùi Ngọc Thanh đọc Tờ trình của Ủy ban Thường vụ QH về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2007; Chương trình hoạt động giám sát của QH năm 2007.
Về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2007, tờ trình nêu rõ: Trong năm 2007, sẽ có ba kỳ họp QH, bao gồm: Kỳ họp thứ 11 (kỳ họp cuối cùng) của QH khóa XI; kỳ họp thứ nhất và kỳ họp thứ hai của QH khóa XII, dành thời giờ cho việc tổng kết nhiệm kỳ QH khóa XI, và làm công tác nhân sự cho QH và Chính phủ mới, cho nên thời giờ để QH xây dựng luật không nhiều, do đó, kỳ họp thứ 11, QH khóa XI (tháng 3-2007) chỉ thông qua hai dự án luật: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức QH, Luật Tương trợ tư pháp.
Tại kỳ họp thứ hai, QH khóa XII sẽ thông qua tám dự án luật, một nghị quyết, đáng chú ý có Luật Thuế thu nhập cá nhân; trình QH cho ý kiến chín dự án luật, trong đó có Luật Bảo hiểm y tế, Luật thủ tục hành chính, Luật công vụ... Tờ trình cũng nêu rõ năm 2007 sẽ xem xét, thông qua 13 dự án Pháp lệnh, và chuẩn bị 15 dự án luật khác trình QH, trong đó, đáng chú ý có các luật: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự, kèm theo đó là Bộ luật Tố tụng hình sự; Luật Trưng cầu ý dân; Luật Về phí và lệ phí; Luật Báo chí (sửa đổi)...
Về Chương trình hoạt động giám sát của QH năm 2007, tờ trình nêu rõ: Do đặc thù của năm 2007, QH chỉ lựa chọn một số vấn đề thật sự cấp thiết để đưa vào chương trình giám sát. Trong đó, đáng chú ý là QH xem xét các báo cáo công tác cả nhiệm kỳ khóa XI của QH, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan của QH, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao; xem xét báo cáo của Chính phủ về việc tổ chức thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; QH cũng sẽ giám sát chuyên đề việc chấp hành pháp luật về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ QH sẽ giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về đền bù, giải phóng mặt bằng và giải quyết việc làm cho người dân có đất bị thu hồi. Bên cạnh đó, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của QH sẽ giám sát một số chuyên đề khác, và báo cáo kết quả với QH.
Thảo luận về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2007, các đại biểu QH bày tỏ sự tán thành với dự kiến chương trình, đồng thời yêu cầu cần coi trọng chất lượng các dự án luật được trình, cân nhắc ưu tiên các dự án luật cần thiết, thí dụ: Luật Vệ sinh an toàn thực phẩm, Luật Thủ tục hành chính, Luật Quảng cáo... Ðại biểu K'sor Phước (Gia Lai) đề nghị QH sớm cho ý kiến về dự án Luật Dân tộc; đại biểu Phạm Phương Thảo (TP Hồ Chí Minh) đề nghị QH có một nghị quyết cho phép TP Hồ Chí Minh làm thí điểm việc xây dựng chính quyền đô thị (tùy địa bàn, tính chất mà xây dựng chính quyền từ một đến ba cấp ở TP Hồ Chí Minh).
Thảo luận về Chương trình hoạt động giám sát của QH năm 2007, các đại biểu QH tán thành cao với dự kiến,  lưu ý cần nâng cao chất lượng hoạt động giám sát, và giám sát việc thực hiện kết quả giám sát ở những nơi và lĩnh vực đã được giám sát. Các đại biểu Huỳnh Văn Tý (Bình Thuận), Trần Kim Mai (Tiền Giang), K'sor Phước (Gia Lai) và một số đại biểu khác đề nghị giám sát lĩnh vực giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là vấn đề đất đai, vấn đề đình công; vấn đề dạy nghề, giải quyết việc làm cho nông dân sau thu hồi đất; việc quy hoạch và quản lý quy hoạch đô thị; giám sát việc thực hiện Pháp lệnh cán bộ, công chức; việc thực hiện bảo đảm trật tự an toàn giao thông; việc thực hiện chế độ ưu đãi người có công (liên quan việc giải quyết chính sách tồn đọng sau chiến tranh)...
(Theo Nhân dân)