Đóng góp ý kiến vào 14 dự thảo Luật trình Quốc hội trong kỳ họp thứ 10

11/09/2006
Trong 2 ngày 7-8/9, Hội nghị toàn thể của Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh đã hoàn tất việc tổng hợp các ý kiến và góp ý để chỉnh lý, hoàn thiện 14 dự thảo Luật trình Quốc hội xem xét, thông qua vào kỳ họp thứ 10 sắp tới. Trong đó, các dự thảo Luật cư trú, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật tổ chức Quốc hội, Luật chuyển giao công nghệ và Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người... đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của các cơ quan chức năng và người dân thành phố.

 Tán thành với yêu cầu sửa đổi, bổ sung Luật tổ chức Quốc hội nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới hoạt động của Quốc hội, nhiều ý kiến đã đề nghị chú trọng hơn nữa đến việc luật hóa quy trình bỏ phiếu tín nhiệm các chức danh trong chính phủ cũng như Quốc hội. Theo đó, cần có những quy định khoa học và khả thi hơn về cách thức tập hợp đề nghị bỏ phiếu tín nhiệm của các đại biểu Quốc hội, coi đây là một giải pháp thiết thực để bộ máy của Quốc hội thực sự năng động. Nhiều ý kiến tán thành với việc thành lập mới trên cơ sở chia tách một số ủy ban trong Quốc hội song cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các ủy ban này sau khi thành lập trên cơ sở nghiên cứu và giải trình thỏa đáng. Đoàn đại biểu Quốc hội TP cho rằng nên có hướng nâng dần số lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách song không vượt quá tỷ lệ 40% đồng thời có các tiêu chí cụ thể về tiêu chuẩn, khả năng của các đại biểu QH chuyên trách, nghiên cứu việc giảm số lượng đại biểu để hoạt động của Quốc hội tập trung và có chất lượng cao hơn.

Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người đã được hầu hết các chuyên gia y tế đầu ngành và đại diện các bệnh viện, trung tâm y tế trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đóng góp ý kiến. Nhiều ý kiến đã nhấn mạnh đề nghị dự thảo có những quy định thích hợp và điều kiện chặt chẽ để chống việc mua bán, thương mại hóa hoạt động hiến, lấy ghép mô, bộ phận cơ thể người. Mặt khác, dự thảo cũng cần đưa ra những tiêu chí rõ ràng để đáp ứng các yêu cầu về chuyên môn, nhu cầu của cộng đồng và đạo đức truyền thống xã hội, nhất là tiêu chí về y đức trong quá trình thực hiện lấy, ghép mô, tạng, đồng thời xây dựng các biện pháp chế tài cụ thể và chặt chẽ hơn. Nhiều ý kiến đề nghị Luật cần điều chỉnh cả nội dung hiến xác với những quy định trình tự và thủ tục cụ thể, chỉ nên có những quy định mang tính nguyên tắc về việc xác định chết não, các thẩm quyền, thủ tục xác định chết não cũng như điều kiện cụ thể nên để Chính phủ quy định trong các văn bản liên quan. Hầu hết ý kiến cũng cho rằng cần có lộ trình phù hợp để tư nhân có thể tham gia thành lập ngân hàng mô với quy định rõ ràng, chặt chẽ về nguyên tắc phi thương mại của các ngân hàng mô dạng này và giao thẩm quyền quy định, cấp phép cũng như kiểm tra hoạt động của các ngân hàng mô nhà nước cũng như tư nhân cho cơ quan đầu mối của chính phủ.

Về hoạt động chuyển giao công nghệ, nhiều nhà khoa học khi tham gia góp ý vào dự thảo Luật chuyển giao công nghệ đề nghị bổ sung các điều khoản quy định về chính sách đối với hoạt động này tại vùng nông thôn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, điều chỉnh lại các khái niệm về “tác giả công nghệ“, “bên thứ ba” trong quá trình nhượng quyền thương mại, “công nghệ cao“, “doanh nghiệp công nghệ“ rõ ràng hơn, tránh những khó khăn phát sinh trong quá trình chuyển giao công nghệ thực tiễn do cách hiểu và vận dụng khác nhau của hệ thống cơ quan hành pháp./.

(Theo TTXVN)