Pháp nhân thương mại có là chủ thể của tội phạm Điều 236 và Điều 319 Bộ luật hình sự năm 2015?

20/03/2017
Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015 bổ sung trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại đối với những tội phạm được quy định tại Điều 76 của Bộ luật này, được đánh giá bước phát triển mang tính đột phá trong chính sách hình sự và tư duy lập pháp hình sự của Nhà nước ta, làm thay đổi nhận thức truyền thống về tội phạm và hình phạt, đáp ứng yêu cầu cấp bách từ thực tiễn khắc phục những bất cập, hạn chế trong việc xử lý các vi phạm pháp luật của pháp nhân thương mại trong thời gian qua, nhất là những vi phạm trong các lĩnh vực kinh tế và môi trường.
Về phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại, theo Điều 76 chỉ phải chịu đối với 31 tội danh thuộc hai nhóm tội phạm là các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế và các tội phạm về môi trường[1]. Các tội phạm này cũng tương đồng với lĩnh vực hoạt động chủ yếu của pháp nhân thương mại và đáp ứng yêu cầu của thực tiễn về tính phổ biến và yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm. Tuy nhiên, qua nghiên cứu và từ thực tiễn xử lý tình hình quản lý chất thải nguy hại khó phân hủy thải ra môi trường, theo Phụ lục A Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy; chất thải có chứa chất phóng xạ, gây nhiễm xạ môi trường thuộc nguồn phóng xạ loại có mức độ nguy hiểm dưới trung bình theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn bức xạ - phân nhóm và phân loại nguồn phóng xạ vượt quy chuẩn cho phép của tổ chức và những hệ lụy mà không ít các doanh nghiệp thi công công trình xâm phạm đến mồ mả, hài cốt gây ra thời gian qua, người viết muốn trao đổi quan điểm cá nhân về việc cần bổ sung chủ thể pháp nhân thương mại chịu trách nhiệm hình sự đối với 2 tội danh quy định tại Điều 236 và Điều 319 BLHS năm 2015.
Thứ nhất, Điều 236  BLHS năm 2015 quy định về tội vi phạm quy định về quản lý chất thải nguy hại
“1. Người nào có thẩm quyền mà cho phép chôn, lấp, đổ, thải trái quy định của pháp luật chất thải nguy hại thuộc danh mục các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy cần phải loại trừ theo quy định tại Phụ lục A Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy từ 3.000 kilôgam đến dưới 5.000 kilôgam; chất thải có chứa chất phóng xạ, gây nhiễm xạ môi trường thuộc nguồn phóng xạ loại có mức độ nguy hiểm dưới trung bình theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn bức xạ - phân nhóm và phân loại nguồn phóng xạ vượt quy chuẩn cho phép, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
a) Chất thải nguy hại thuộc danh mục các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy cần phải loại trừ theo quy định tại Phụ lục A Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy từ 5.000 kilôgam đến dưới 10.000 kilôgam; chất thải có chứa chất phóng xạ, gây nhiễm xạ môi trường thuộc nguồn phóng xạ loại có mức độ nguy hiểm trung bình theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn bức xạ - phân nhóm và phân loại nguồn phóng xạ vượt quy chuẩn cho phép;
b) Có tổ chức;
c) Phạm tội 02 lần trở lên;
d) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc trường hợp chất thải nguy hại thuộc danh mục các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy cần phải loại trừ theo quy định tại Phụ lục A Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy 10.000 kilôgam trở lên; chất thải có chứa chất phóng xạ, gây nhiễm xạ môi trường thuộc nguồn phóng xạ loại có mức độ nguy hiểm trên trung bình theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn bức xạ - phân nhóm và phân loại nguồn phóng xạ vượt quy chuẩn cho phép, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”
Theo quy định tại khoản 15 Điều 3 Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 và Điều 1 Nghị định 38/2015/NĐ-CP ngày 24/4/2015 của Chính phủ, về quản lý chất thải và phế liệu, thì: Quản lý chất thải nguy hại là quá trình phòng ngừa, giảm thiều, giám sát, phân loại, thu gom, vận chuyển, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nguy hại.
Chất thải nguy hại được Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 quy định là chất thải chứa yếu tố độc hại, phóng xạ, lây nhiễm, dễ cháy, dễ nổ, gây ăn mòn, gây ngộ độc hoặc có đặc tính nguy hại khác. Theo Danh mục chất thải nguy hại ban hành kèm theo Thông tư 36/2015/TT-BTNMT ngày 30/6/2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, về quản lý chất thải nguy hại và Phụ lục A[2] Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy (POP)[3], 2001 thì các chất thải nguy hại này, gồm: Aldrin, CAS No: 309-002, Chlordane, CAs No: 57-74-9, Dieldrin, CAs No: 60-57-1, Endrin, CAS No: 72-20-8, Heptachlor, CAS No: 76-44-8, Hexachlorobenzene, CAs No: 118-74-1, Mirex, CAS No: 23855-85-5, Toxaphene, CAS No: 8001-35-2, Polychlorinated, Biphennyls (PCB) [4]. Mức độ ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy cần phải loại trừ theo quy định tại Phụ lục A Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy mà người phạm tội chôn, lắp, đổ trái phép ra môi trường từ 3.000 kg đến dưới 5.000 kg.
Ngoài các chất thải độc hại thuộc danh mục các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy cần phải loại trừ theo Phụ lục A của Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy (POP), 2001, Điều 236 BLHS năm 2015 còn quy định các chất thải có chưa chất phóng xạ, gây ô nhiễm môi trường thuộc nguồn phóng xạ loại có mức độ nguy hiểm dưới trung bình theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn bức xạ - Phân nhóm và phân loại nguồn phóng xạ vượt quy chuẩn cho phép (theo Thông tư số 24/2010/TT-BKHCN ngày 29/12/2010 của Bộ Khoa học và Công nghệ).
Như vậy, Điều 236 BLHS năm 2015 đã quy định theo hướng cụ thể hóa số lượng chất thải nguy hại mà người phạm tội cho phép chôn, lấp, thải ra môi trường và quy định rõ tiêu chuẩn đánh giá về việc chôn, lấp, thải chất thải có chứa chất phóng xạ, gây nhiễm xạ môi trường thuộc nguồn phóng xạ loại có mức độ nguy hiểm dưới trung bình theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn bức xạ - Phân nhóm và phân loại nguồn phóng xạ vượt quy chuẩn cho phép, làm căn cứ để xác định người có hành vi trên bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo tội này.
Ngoài ra, còn có thể xác định hành vi phạm tội theo quy định tại Điều 236 BLHS năm 2015, theo nhóm hành vi của chủ thể có trách nhiệm quản lý chất thải nguy hại, như:
-Nhóm các hành vi vi phạm quy định về quản lý chất thải nguy hại của chủ thể nguồn chất thải nguy hại gây ô nhiễm môi trường, gồm:
+Không đóng gói, bảo quản chất thải nguy hại theo chủng loại trong các bao bì chuyên dụng, hoặc thiết bị lưu chứa tạm thời chất thải nguy hại không đáp ứng yêu cầu kỹ thuật theo quy định;
+Không bố trí hoặc bố trí khu vực lưu giữ tạm thời chất thải nguy hại không đáp ứng yêu cầu kỹ thuật theo quy định;
+Không thu gom triệt để chất thải nguy hại vào khu vực lưu giữ tạm thời theo quy định; để chất thải nguy hại ngoài trời mà chất thải nguy hại đó có thể tràn, đổ, phát tán ra ngoài
+Để lẫn chất thải nguy hại khác loại với nhau hoặc để lẫn chất thải nguy hại với chất thải khác;
+Hành vi chuyển giao, cho, bán chất thải nguy hại cho tổ chức, cá nhân không có giấy phép quản lý chất thải nguy hại;
+Làm rò rỉ, tràn đổ chất thải nguy hại hoặc để xảy ra sự cố tràn đổ chất thải nguy hại ra môi trường đất, nước ngầm, nước mặt;
+Tự xử lý chất thải nguy hại khi không có công trình xử lý phù hợp và không được cơ quan có thẩm quyền cho phép;
+Chôn, lấp, đổ, thải chất thải nguy hại không đúng quy định về bảo vệ môi trường.
+Chuyển giao, cho, bán không đúng quy định, chôn, lấp, đổi, thải chất thải nguy hại thuộc Danh mục các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy (POP) theo quy định tại Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy gây ô nhiễm môi trường hoặc chôn, lấp, đổ, thái chất thải phóng xạ gây nhiễm xạ môi trường;
-Nhóm các hành vi vi phạm quy định về quản lý chất thải nguy hại của chủ thể hành nghề quản lý chất thải nguy hại có thề gây ô nhiễm môi trường, gồm:
+Chuyển giao, cho, bán chất thải nguy hại cho tổ chức, cá nhân không có đủ điều kiện về quản lý, xử lý, tiêu hủy chất thải nguy hại hoặc không có giấy phép quản lý chất thải nguy hại;
+Không lưu giữ chất thải nguy hại trước và sau khi xử lý trong thiết bị chuyên dụng phù hợp với loại hình chất thải nguy hại;
+Thiết bị chuyên dụng phục vụ lưu giữ chất thải nguy hại, khu vực lưu giữ tạm thời chất thải nguy hại hoặc thiết bị xử lý chất thải nguy hại không đáp ứng yêu cầu kỹ thuật theo quy định;
+Chôn, lấp, đổ, thải chất thải nguy hại thuộc Danh mục các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy (POP) theo quy định tại Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy gây ô nhiễm môi trường hoặc chôn, lấp, đổ, thái chất thải phóng xạ gây nhiễm xạ môi trường;
-Nhóm các hành vi vi phạm quy định về quản lý chất thải nguy hại của chủ thể tái sử dụng chất thải nguy hại có thể gây ô nhiễm môi trường, gồm:
+Tái sử dụng trực tiếp chất thải nguy hại không theo đúng mục đích ban đầu của phương tiện, thiết bị, sản phẩm, vật liệu, hóa chất là nguồn gốc phát sinh chất thải nguy hại này hoặc sử dụng cho mục đích khác hoặc chuyển giao lại cho một tổ chức, cá nhân khác mà không được phép tái sử dụng trực tiếp;
+Chôn, lấp, đổ, thải chất thải nguy hại không đúng quy định về bảo vệ môi trường;
+Chôn, lấp, đổ, chất thải nguy hại thuộc Danh mục các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy (POP) theo quy định tại Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy gây ô nhiễm môi trường hoặc chôn, lấp, đổ, thái chất thải phóng xạ gây nhiễm xạ môi trường;
Xét về chủ thể của tội phạm Điều 236 BLHS năm 2015, là người có năng lực trách nhiệm hình sự và từ đủ 16 tuổi trở lên.
Người viết thấy rằng, nếu cá nhân thực hiện hành vi phạm tội thì việc nhận thức tính nguy hiểm cho xã hội, hình thành động cơ, mục đích phạm tội, và thực hiện chỉ do chính cá nhân đó. Trường hợp pháp nhân thương mại có sự bàn bạc, thống nhất kế hoạch, thậm chí phương án đối phó với các cơ quan chức năng khi bị kiểm tra, giữa những người có chức vụ và quyền hạn của pháp nhân đó với nhau thì chắc chắn rằng tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi cũng như hậu quả gây ra sẽ lớn hơn rất nhiều lần so với cá nhân vi phạm. Ngay từ thời kỳ phong kiến, Quan vi phạm thì xử phạt nặng hơn thứ dân vi phạm cùng hành vi đó một bậc, đã trở thành một truyền thống. Đây là một tập quán tốt đẹp, nên không có lý gì không áp dụng một cách sáng tạo vào pháp luật hiện đại. Hơn nữa, để quyết định của pháp nhân thương mại  ban hành có trách nhiệm hơn, thì cũng nên quy định tổ chức pháp nhân đó phải chịu trách nhiệm hình sự như cá nhân phạm tội, thậm chí mức độ còn cao hơn so với cá nhân.
Trên thực tế, những chủ thể hành nghề quản lý chất thải nguy hại theo quy định tại Thông tư 36/2015/TT-BTNMT ngày 30/6/2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về quản lý chất thải nguy hại;  hoặc chủ nguồn thải, chủ xử lý chất thải nguy hại theo quy định tại Nghị định 38/2015/NĐ-CP thì khó có thể là cá nhân, vì theo quy định chủ thể thực hiện hoạt động quản lý chất thải nguy hại phải đăng ký ngành , nghề kinh doanh phù hợp trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy chứng nhận đầu tư hoặc giấy tờ tương đương.
Nghị định 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 của Chính phủ, quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường (có hiệu lực từ ngày 01/02/2017), thay thế   Nghị định số 179/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ, quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Nếu xét ý nghĩa của việc xử phạt đối với người vi phạm, mức độ tác động của cùng một loại hình phạt tiền đối với cá nhân và tổ chức cũng khác nhau. Do quy mô tài sản của tổ chức thông thường lớn hơn của cá nhân rất nhiều lần, nên mức phạt tiền tuy đã gây khó khăn cho cá nhân, buộc họ phải có những biện pháp tự kiềm chế hành vi của mình để không bị áp dụng biện pháp xử phạt, tức kiềm chế việc thực hiện các hành vi vi phạm, nhưng đối với các tổ chức thì lại hoàn toàn không đáng kể, dù mức xử phạt có gấp hai lần so với cá nhân. Như vậy, tổ chức pháp nhân thương mại vẫn có thể không dừng việc vi phạm pháp luật hoặc vẫn sẽ cố ý vi phạm trong tương lai và biện pháp xử lý vi phạm hành chính của Nhà nước coi như chưa phát huy được tác dụng. Thực tế pháp lý đã chứng minh cho nhận định này.
Dù BLHS năm 2015 đã thể hiện sự tiến bộ hơn, đó là, quy định việc truy cứu trách nhiệm hình sự pháp nhân thương mại trong giới hạn những tội phạm được quy định tại Điều 76 của Bộ luật này, nhưng nếu chỉ quy định xử lý trách nhiệm hình sự đối thể nhân phạm tội theo quy định tại Điều 236 BLHS năm 2015 là thiếu sót lớn, theo tác giả, cần phải khắc phục ngay “lỗ hổng”  này. Như đã phân tích, tại sao tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi và hậu quả nguy hại gây ra đối với môi trường của tổ chức pháp nhân là rất lớn, nhưng pháp luật hình sự chỉ quy định xử phạt tội danh này với thể nhân, mà lại loại trừ trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại? Nếu tổ chức vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này đến mức phải xử lý hình sự thì sẽ giải quyết như thế nào? Trong khi đó, tình hình vi phạm gây ôn nhiễm môi trường, đặc biệt ô nhiễm do chôn, lấp, đổ, thải trái quy định của pháp luật chất thải nguy hại thuộc danh mục các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy cần phải loại trừ theo quy định tại Phụ lục A Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy từ 3.000 kilôgam đến dưới 5.000 kilôgam; chất thải có chứa chất phóng xạ, gây nhiễm xạ môi trường thuộc nguồn phóng xạ loại có mức độ nguy hiểm dưới trung bình theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn bức xạ - phân nhóm và phân loại nguồn phóng xạ vượt quy chuẩn cho phép của không ít pháp nhân thương mại trong thời gian qua và hiện tại là rất đáng lo ngại, như: vụ việc 7.000 lít dầu thải có chứa hóa chất độc hại PCB được lưu giữ tại cảng Cái Lân (Quảng Ninh) từ năm 2008[5] ; UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có quyết định xử phạt vi phạm hành chính 435,2 triệu đồng đối với công ty cổ phần môi trường Sao Việt về hành vi vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường Qua phân tích các mẫu nước thu giữ tại hố thu gom nước mưa của công ty, có 7/12 chỉ tiêu vượt quá quy chuẩn cho phép, trong đó Cyanua vượt 61,76 lần, COD vượt 45 lần, BOD5 vượt 29 lần, nitơ - amoni vượt  20,46 lần[6];…
Thực tiễn áp dụng pháp luật hình sự trong lĩnh vực môi trường nói chung, quản lý chất thải nguy hại nói riêng ở nước ta chưa nhiều, nhưng với sự phát triển phức tạp của các hoạt động kinh tế và xã hội, các tội phạm về môi trường sẽ diễn ra phức tạp hơn, nên việc bổ sung chủ thể là pháp nhân thương mại đối với tội phạm quy định tại Điều 236 BLHS năm 2015 là điều thật sự cần thiết cả về lý luận và thực tiễn.
          Thứ hai, Điều 319 BLHS năm 2015 có quy định Tội xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt, như sau:
“1. Người nào đào, phá mồ mả, chiếm đoạt những đồ vật để ở trong mộ, trên mộ hoặc có hành vi khác xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
b) Chiếm đoạt hoặc hủy hoại vật có giá trị lịch sử, văn hóa;
c) Vì động cơ đê hèn;
d) Chiếm đoạt bộ phận thi thể, hài cốt.”
Hành vi xâm phạm mồ mả là hành vi xâm phạm đến vị trí mai táng xác, hài cốt, tro hài cốt của người chết theo phong tục, nghi lễ, tôn giáo của cộng đồng dân cư. Hành vi xâm phạm mồ mả là hành vi xâm phạm đến nơi an nghỉ cuối cùng của người chết.
Về mặt khách quan: Theo như lời văn của điều luật mô tả, xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt là hành vi đào, phá mồ mả, chiếm đoạt những đồ vật trong mộ, trên mộ hoặc hành vi khác xâm phạm đến thi thể mồ mả, hài cốt. Đào, phá mồ mả là hành vi dùng công cụ như cuốc, xẻng, thuốc nổ,… làm thay đổi biến dạng, hư hỏng, hủy hoại mồ mả (nhưng không có mục đích chiếm đoạt đồ vật trong hoặc trên mồ mả). Chiếm đoạt đồ vật trong mộ, trên mộ (thường gần với việc đào, phá mồ mả) là hành vi lén lút hoặc công khai lấy đồ vật trong mồ mả (như quần áo, trang sức, kim phí quý… chôn theo người chết) hoặc trên mồ mả (như bia đá, tượng, hình ảnh…). Có hành vi khác xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt được thể hiện dưới dạng như lấy phần đất nơi an táng người chết (phần mộ) để làm nơi kinh doanh; vứt những đồ đạc có trên mộ đi nơi khác, vứt xương người chết hay xác người chết bừa bãi mà không chôn cất, giao cấu với xác người chết, mua bán hài cốt, giấu xác người chết…
Về mặt chủ quan: Người phạm tội thực hiện tội phạm này với lỗi cố ý. Chủ thể của tội phạm này là bất kỳ người nào có năng lực trách nhiệm hình sự.
Khi xác định hành vi nào là hành vi xâm phạm mồ mả, cần xác định:
Một là, người có hành vi cho dù là với bất kì mục đích gì mà xâm phạm trực tiếp đến xác, hài cốt, tro hài cốt của người chết, xâm phạm đến sự nguyên dạng của xác, hài cốt, tro hài cốt hoặc làm hao hụt hài cốt, tro hài cốt đã mai táng thì hành vi đó là hành vi xâm phạm mồ mả;
Hai là, người có hành vi di chuyển vị trí chôn cất xác, hài cốt, tro hài cốt của cá nhân trái với ý chí của những người thân thích của những người chết (trừ trường hợp phải di rời mồ mả theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền);
Ba là, người có hành vi thay đổi tấm bia ghi tên người chết có xác, hài cốt, tro hài cốt dưới mộ gây ra sự nhầm lẫn với người thân thích của người chết đó;
Bốn là, người có hành vi san phẳng mồ mả của người chết, làm mất dấu tích của ngôi mộ, khiến không thể phát hiện được vị trí của ngôi mộ đó.
Khi xác định hành vi xâm phạm mồ mả còn cần hiểu theo nghĩa rộng là hành vi xâm phạm đến không gian (phạm vi), hình dáng, tường rào bao bọc xung quanh ngôi mộ. Bởi vị trí ngôi mộ được xây dựng có mối liên hệ hữu cơ với mục đích giữ gìn, bảo vệ xác, hài cốt, tro hài cốt của người có ngôi mộ đó, do vậy mọi hành vi làm biến dạng kiến trúc liên quan đến mục đích bảo vệ người đã chết được nguyên vẹn, đều bị coi là hành vi xâm phạm mồ mả.
Một số đồng bào dân tộc nước ta như người Gia Rai, M’Nông, Cơ Tu… có phong tục bỏ mả. Hành vi xâm phạm mồ mả không phụ thuộc vào nghi lễ và phong tục mai táng cá nhân qua đời do vậy hành vi xâm phạm đến những ngôi mộ đã bị bỏ theo phong tục cũng được xác định là hành vi trái pháp luật.
Không chỉ vậy, những ngôi mộ không có tử thi do hài cốt người chết đuối hay do thú dữ vồ… không tìm thấy xác. Thân nhân làm hình nhân và làm lễ an táng theo như lễ an táng thông thường mà dân gian thường gọi là hình thức chiêu hồn nạp tang, mộ gió nếu bị xâm phạm thì vẫn coi như hành vi xâm phạm mồ mả như trường hợp bình thường. Vì những ngôi mộ đó được dựng lên, con cháu họ hàng của người đã khuất cũng đã gửi vào đó một ý niệm tâm linh sâu sắc đồng thời họ cũng đã phải bỏ ra những chi phí cần thiết để xây dựng lên ngôi mộ đó. Không thể coi việc xâm phạm đến mộ có tử thi thì phải bồi thường còn xâm phạm đến mộ không có tử thi thì không.
Thời gian gần đây, trên nhiều phương tiện thông tin đăng tải việc Công ty trách nhiệm hữu hạn Th, chủ đầu tư Dự án khu biệt thự sinh thái vườn đồi T vì lợi nhuận trước mắt muốn thu hồi vốn nhanh đã gấp rút giải phóng mặt bằng một cách vội vã cho di dời hơn 100 mồ mã là khu nghĩa địa H bao đời nay những người dân ở xã Ph, thành phố N vẫn an táng người thân của họ ở đó mà họ không hề hay biết. Trước đó, ngày 15/1/2015, UBND tỉnh K đã ban hành Quyết định số 85/QĐ-UBND về việc phê duyệt Dự án khu biệt thự sinh thái vườn đồi T (khu biệt thự nghĩ dưỡng cao cấp) tại xã P, thành phố N. Theo đó, quy mô dự án thực hiện trên diện tích 9,2ha. Khi phê duyệt dự án, UBND tỉnh K đã nhấn mạnh: Chủ đầu tư cùng UBND thành phố N, xã P phải thống nhất được phương án di dời mộ, quy hoạch nơi chôn cất mới, rồi mới tiến hành di dời. Thế nhưng, vì quá nôn nóng đẩy nhanh tiến độ xây khu nghỉ dưỡng nên chỉ sau vài lần thông báo qua loa trên báo, đài, chủ đầu tư đã vội vả thuê người đào bới hàng loạt ngôi mộ ở nghĩa trang này để chuyển đi nơi khác[7]
Hành động quá xem thường pháp luật này của chủ đầu tư Dự án khu biệt thự sinh thái vườn đồi Tcó căn cứ để xử lý trách nhiệm hình sự về tội “Xâm phạm mồ mả, hài cốt” theo quy định của BLHS không, đang là vấn đề “nóng” được rất nhiều người quan tâm.
Hành vi xâm phạm mồ mả, hài cốt bị coi là tội phạm và được quy định trong BLHS chỉ điều chỉnh đối với cá nhân con người (thể nhân) cụ thể khi thực hiện một trong những hành vi khách quan mà điều luật mô tả, mà không đề cập đến vai trò của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp (pháp nhân) là chủ thể thực hiện tội phạm này! Do vậy, không chỉ Điều 246 BLHS năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009), mà cả Điều 319 BLHS năm 2015, thì cũng không đủ cơ sở để truy cứu trách nhiệm hình sự pháp nhân – Công ty trách nhiệm hữu hạn T, với tư cách là chủ thể thực hiện tội phạm này. Bởi lẽ, về điều kiện và phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại theo quy định của BLHS năm 2015, không quy định pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm quy định tại Điều 319 BLHS năm 2015.
Không chỉ có trường trường hợp của Công ty TNHH T, mà trên các phương tiện thông tin đăng tải nhiều vụ việc đau lòng khác, như: Công ty TNHH Đ được chính quyền xã cho phép khai thác đất khu nghĩa trang làm đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi đã “múc” luôn mồ mả người thân của nhiều người dân ở thôn B, xã B, huyện  B, tỉnh N[8]; hoặc trường hợp 2.741 ngôi mộ tại thị xã Y, tỉnh P đã bị chính quyền địa phương tự ý di dời trong quá trình giải phóng mặt bằng, mà theo quy định, khi di chuyển mồ mả, UBND phường và chủ đầu tư phải có trách nhiệm thông báo, di dời, tôn tạo các phần mộ đó tại chỗ mới. Tuy nhiên, họ đều không nhận được bất kỳ thông báo nào[9]
Từ thực tiễn này, tác giả kiến nghị khi sửa đổi, bổ sung BLHS năm 2015 sắp tới, nghiên cứu bổ sung tội phạm quy định tại Điều 319 “Xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt” vào phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại, tại Điều 76 BLHS năm 2015.
 
ThS.LS Lê Văn Sua
 
[1] Điều 188 (tội buôn lậu); Điều 189 (tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới); Điều 190 (tội sản xuất, buôn bán hàng cấm); Điều 191 (tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm); Điều 192 (tội sản xuất, buôn bán hàng giả); Điều 193 (tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm); Điều 194 (tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh); Điều 195 (tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, vật nuôi); Điều 196 (tội đầu cơ); Điều 200 (tội trốn thuế); Điều 203 (tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ); Điều 209 (tội cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán); Điều 210 (tội sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán); Điều 211 (tội thao túng thị trường chứng khoán); Điều 213 (tội gian lận trong kinh doanh bảo hiểm); Điều 216 (tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động); Điều 217 (tội vi phạm quy định về cạnh tranh); Điều 225 (tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan); Điều 226 (tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp); Điều 227 (tội vi phạm các quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên); Điều 232 (tội vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng); Điều 234 (Tội vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ động vật hoang dã); Điều 235 (tội gây ô nhiễm môi trường); Điều 237 (tội vi phạm phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố môi trường); Điều 238 (tội vi phạm quy định về bảo vệ an toàn công trình thủy lợi, đê điều và phòng, chống thiên tai; vi phạm quy định về bảo vệ bờ, bãi sông); Điều 239 (tội đưa chất thải vào lãnh thổ Việt Nam); Điều 242 (tội huỷ hoại nguồn lợi thuỷ sản); Điều 243 (tội huỷ hoại rừng); Điều 244 (tội vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm); Điều 245 (tội vi phạm các quy định về quản lý khu bảo tồn thiên nhiên); Điều 246 (tội nhập khẩu, phát tán các loài ngoại lai xâm hại).
 [3] POP là từ viết tắt của cụm từ tiếng Anh Persistant Organic Polutants, được dùng để chỉ nhóm chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy trong môi trường với 4 đặc tính chính:
-Độc tính cao: được chứng minh là có ảnh hưởng xấu tới môi trường sinh thái và sức khỏe cộng đồng.
-Khó phân hủy: bền vững cao đối với quá  trình phân hủy tự nhiên,  tồn tại trong một thời gian dài khi phát thải vào môi trường;
-Khả năng di chuyển phát tán xa: có thể di chuyển xa khỏi nguồn phát thải ban đầu theo gió, các d ng chảy hay nhờ vào các loài di cư.
-Khả năng tích tụ sinh học cao: hấp thụ dễ dàng vào các mô mỡ và tích tụ trong cơ thể của các sinh vật sống (tích tụ sinh học) theo chuỗi thức ăn.
Theo Công ước Stockholm, các hợp chất POP được chia thành 3 nhóm: 
-Nhóm các hoá chất bị cấm triệt để và cần phải  tiêu huỷ,bao gồm 8 loại hóa chất bảo vệ thực vật (BVTV) rất độc hại là Aldrin, Chlordane, Dieldrin, DDT, Endrin, Heptachlor, Mirex, Toxaphene và PCB; 
-Nhóm các hoá chất công nghiệp cần giảm sản xuất và cấm sử dụng:HCB (cũng được dùng làm thuốc BVTV) và PCB; 
-Nhóm các hoá chất phát sinh không chủ định: Dioxin/Furan và PCB. 
 
[4] PCB là một trong 22 nhóm chất hữu cơ khó phân hủy được quy định trong Công ước Stockholm sẽ được dừng sử dụng vào năm 2020 và tiêu hủy an toàn vào năm 2028 tại Việt Nam. PCB là một nhóm hợp chất thơm của halogen được tạo thành khi thay thế từ 1 đến 10 nguyên tử hiđro trong phân tử biphenyl bằng các nguyên tử clo. PCB có 10 đồng đẳng và 209 cấu tử, trong đó 130 cấu tử được đưa vào sản xuất thương mại.
PCB là hóa chất có độc tính thuộc nhóm 2A là nhóm có khả năng gây ung thư, được coi là “sát thủ vô hình” với sức khỏe con nguời. Con người bị phơi nhiễm PCB qua các con đường tiêu hóa, hô hấp và tiếp xúc qua da. Riêng trẻ sơ sinh có thể bị phơi nhiễm PCB từ sữa mẹ khi người mẹ bị phơi nhiễm PCB. [truy cập ngày 05/3/2017 - http://pec.evnspc.vn/index.php/Tin-tuc/Tin-nganh-dien/chat-nguy-hai-pcb.html]
[5] http://tapchimoitruong.vn/pages/article.aspx?item=X%E1%BB%AD-l%C3%BD-7.000-l%C3%ADt-d%E1%BA%A7u-th%E1%BA%A3i:-C%E1%BA%A7n-s%E1%BB%B1-quy%E1%BA%BFt-t%C3%A2m-t%E1%BB%AB-nhi%E1%BB%81u-ph%C3%ADa-38571
[6] http://tuoitre.vn/tin/chinh-tri-xa-hoi/20161008/cong-ty-xu-ly-chat-thai-lai-xa-thai-ra-moi-truong/1184947.html
[7] http://baophapluat.vn/kinh-doanh-phap-luat/khanh-hoa-pho-thu-tuong-chi-dao-xac-minh-lam-ro-vu-dn-di-doi-hang-tram-ngoi-mo-lay-mat-bang-287568.html
[8]http://nld.com.vn/ban-doc/lay-dat-nghia-trang-lam-duong-cao-toc-muc-luon-mo-ma-cua-dan-20150703111514943.htm
[9] http://vtv.vn/trong-nuoc/hang-nghin-ngoi-mo-bi-di-doi-nguoi-dan-khong-he-hay-biet-20160805102132921.htm