“Ngày pháp luật” – Vai trò và ý nghĩa đối với hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật

27/09/2013

1. Mô hình “Ngày Pháp luật” trước khi Luật Phổ biến giáo dục pháp luật năm 2013 có hiệu lực

“Ngày Pháp luật” được Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của Chính phủ triển khai từ ngày 4/10/2010 thông qua Công văn số 3535/HĐPH gửi cho Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, tổ chức pháp chế các Bộ, ngành, đoàn thể ở trung ương.

Để triển khai mô hình trên, các địa phương đã chủ động, kịp thời ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, tạo tiền đề, cơ sở pháp lý quan trọng cho việc thực hiện. “Ngày pháp luật” trong các cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, chính trị - xã hội được thực hiện theo kế hoạch của mỗi đơn vị. Cụ thể, hàng tháng các đơn vị quy định một ngày, một thời gian nhất định trong ngày hoặc lồng ghép vào các chương trình khác của cơ quan, đơn vị mình một cách hợp lý và tạo điều kiện để cán bộ, công chức, nhân viên của đơn vị được học tập, nghiên cứu văn bản pháp luật. Trong học tập, nghiên cứu các văn bản pháp luật, các đơn vị chú trọng đến các văn bản pháp luật có liên quan đến lĩnh vực do ngành được giao quản lý, chú ý đến các văn bản pháp luật có tác động nhiều và ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống hàng ngày của người dân, được nhiều người quan tâm như: Đất đai, hôn nhân - gia đình, lao động - thương binh - xã hội, tài nguyên môi trường; giao thông, xây dựng...

Đồng thời, các đơn vị tổ chức trao đổi nghiệp vụ và rút kinh nghiệm việc vận dụng, áp dụng pháp luật trong giải quyết công việc hàng ngày của cán bộ, công chức nhằm hạn chế những sai sót trong thực thi công vụ, nâng cao ý thức chấp hành và tôn trọng pháp luật của cán bộ, công chức để người dân làm theo.

Qua một thời gian triển khai ở một số tỉnh, thành cho thấy thực tiễn tổ chức triển khai mô hình “Ngày pháp luật” khá đa dạng, tập trung vào hoạt động phổ biến, giới thiệu, quán triệt, nghiên cứu các nội dung pháp luật mới, cần thiết, liên quan thiết thực đến lĩnh vực công tác chuyên môn của cán bộ, công chức hoặc đời sống nhân dân thông qua các hình thức cụ thể, phù hợp với điều kiện hoạt động của từng cơ quan, đơn vị, địa phương. Việc tổ chức định kỳ “Ngày pháp luật” thực chất là bố trí một ngày trong tháng với lượng thời gian cần thiết (không nhất thiết phải cả ngày) để cán bộ, công chức và các tầng lớp nhân dân tham gia học tập, tìm hiểu pháp luật. Điều này đặc biệt có ý nghĩa bởi trong bối cảnh chúng ta đang đẩy mạnh xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, trong đó pháp luật phải được tôn trọng và chấp hành nghiêm chỉnh thì yêu cầu bắt buộc là mọi công dân mà trước hết là đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức phải hiểu biết và tuân thủ pháp luật.

Tại Công văn số 3535/HĐPH của Hội đồng phối hợp công tác phổ biến giáo dục pháp luật của Chính phủ ngày 4/10/2010 hướng dẫn việc triển khai “Ngày Pháp luật” có đề cập đến các nội dung cụ thể sau:

- Chủ thể, quy mô tổ chức, đối tượng thụ hưởng: Chủ thể tổ chức thực hiện “Ngày pháp luật” là cơ quan, đơn vị, địa phương, các tổ chức, đoàn thể (các bộ, ngành, tổ chức, đoàn thể ở Trung ương và các cơ quan, đơn vị, tổ chức trực thuộc; các cấp chính quyền địa phương và các cơ quan, đơn vị, tổ chức trực thuộc; các tổ chức, đoàn thể ở địa phương; các đơn vị thuộc các lực lượng vũ trang nhân dân, các đơn vị kinh tế v.v…).

Căn cứ vào yêu cầu, nhiệm vụ của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và tình hình, điều kiện cụ thể của bộ, ngành, đoàn thể, địa phương, cơ quan, đơn vị, các chủ thể xác định quy mô tổ chức “Ngày pháp luật” phù hợp, hiệu quả, tránh lãng phí. Trong điều kiện hiện tại, nên tổ chức theo qui mô nhỏ là phù hợp, có tính khả thi, dễ thực hiện.

“Ngày pháp luật” được tổ chức cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, người sử dụng lao động, cán bộ, chiến sỹ các lực lượng vũ trang nhân dân, đoàn viên, hội viên các tổ chức, đoàn thể và tất cả các tầng lớp nhân dân.

- Hình thức triển khai: Căn cứ vào đặc thù, điều kiện (hoặc kế hoạch công tác) các bộ, ngành, đoàn thể, địa phương, cơ quan, đơn vị, chủ động lựa chọn hình thức triển khai “Ngày pháp luật” phù hợp. Có thể lựa chọn một trong số các hình thức sau: Tổ chức học tập, quán triệt văn bản pháp luật tập trung có báo cáo viên pháp luật tham gia giới thiệu về các nội dung pháp luật; Sưu tầm tài liệu pháp luật để tự nghiên cứu (đề cương giới thiệu Luật, văn bản pháp luật, sách, báo, tờ gấp pháp luật…); Tổ chức tọa đàm, giao lưu, trao đổi thảo luận về các nội dung pháp luật; Tổ chức học tập pháp luật thông qua việc nghiên cứu tài liệu tại tủ sách pháp luật; Nghiên cứu, tìm hiểu pháp luật qua các phương tiện thông tin đại chúng; Lồng ghép việc phổ biến văn bản pháp luật với việc tổ chức nội dung sinh hoạt khác của cơ quan, đơn vị, địa phương với thời lượng, thời gian thích hợp; Các hình thức phù hợp khác.

- Nội dung sinh hoạt: Nội dung sinh hoạt trong “Ngày pháp luật” cần gắn và phục vụ việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, đơn vị, địa phương, tập trung vào các văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành, các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo có liên quan thiết thực đến phạm vi quản lý, lĩnh vực hoạt động, công tác của từng cơ quan, đơn vị, địa phương.

- Thời gian tổ chức: “Ngày pháp luật” được tổ chức định kỳ mỗi tháng một lần. Tùy tình hình, điều kiện cụ thể của từng cơ quan, đơn vị, địa phương, Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật các tỉnh, thành phố; Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, tổ chức pháp chế các bộ, ngành, đoàn thể hướng dẫn lựa chọn thời gian tổ chức thực hiện “Ngày pháp luật” cho phù hợp, thống nhất trên phạm vi toàn tỉnh, thành phố, bộ, ngành mình.

2. “Ngày Pháp luật” theo quy định của Luật Phổ biến giáo dục pháp luật năm 2013

Sau hơn 02 năm thi hành hiệu quả, mô hình “Ngày Pháp luật” đã chính thức được luật hóa trong Luật Phổ biến giáo dục pháp luật năm 2013 tại Điều 8 cụ thể như sau: “Ngày 09 tháng 11 hằng năm là Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Ngày Pháp luật được tổ chức nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội”. Như vậy, bắt đầu từ năm 2013, chúng ta có một ngày quan trọng để khẳng định tính thượng tôn của pháp luật.

Để việc thực hiện Ngày Pháp luật được thống nhất, hiệu quả trên phạm vi cả nước, ngày 04/4/2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 28/2013/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phổ biến giáo dục pháp luật (sau đây viết tắt là Nghị định số 28). Liên quan đến “Ngày Pháp luật”, Luật Phổ biến giáo dục pháp luật năm 2013 và Nghị định số 28 quy định về một số vấn đề chính như:

Thứ nhất, về nội dung tổ chức “Ngày Pháp luật”, theo quy định của khoản 1 Điều 6 Nghị định số 28, “Ngày Pháp luật” được tổ chức với các nội dung: (1) Khẳng định vị trí, vai trò của Hiến pháp, pháp luật trong quản lý nhà nước và đời sống xã hội; (2) Giáo dục cán bộ, công chức, viên chức và người dân ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật; ý thức bảo vệ pháp luật; lợi ích của việc chấp hành pháp luật; (3) Tuyên truyền, phổ biến các quy định của Hiến pháp, pháp luật thiết thực với đời sống của nhân dân, gắn với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị; (4) Vận động nhân dân nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật; (5) Biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân tiêu biểu trong xây dựng pháp luật, thực thi pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật, gương người tốt, việc tốt trong thực hiện pháp luật; (6) Nội dung khác theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp.

Thứ hai, về hình thức tổ chức “Ngày Pháp luật”, khoản 2 Điều 6 Nghị định số 28 khẳng định “Ngày Pháp luật” được tổ chức dưới các hình thức sau: (1) Mít tinh; hội thảo; tọa đàm; (2) Thi tìm hiểu pháp luật; (3) Tuyên truyền, phổ biến pháp luật lưu động; triển lãm; (4) Các hình thức khác theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp.

Thứ ba, về trách nhiệm hướng dẫn và trách nhiệm tổ chức “Ngày Pháp luật”. Hàng năm, Bộ Tư pháp sẽ có trách nhiệm hướng dẫn nội dung, hình thức tổ chức Ngày pháp luật trong phạm vi cả nước. Trên cơ sở hướng dẫn tổ chức Ngày Pháp luật của Bộ Tư pháp, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Uỷ ban nhân dân các cấp hướng dẫn về nội dung, hình thức tổ chức Ngày Pháp luật; Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam hướng dẫn nội dung, hình thức tổ chức Ngày Pháp luật cho các tổ chức thành viên.

Thứ tư, về chính sách hỗ trợ đối với cá nhân, tổ chức tham gia vào hoạt động “Ngày Pháp luật”. Với mục đích khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia thực hiện phổ biến giáo dục pháp luật hoặc hỗ trợ kinh phí, cơ sở vật chất, phương tiện cho hoạt động này, Nghị định số 28 quy định rõ các chính sách hỗ trợ đối với các cá nhân, tổ chức tham gia công tác này. Cụ thể, tại khoản 1 Điều 8 Nghị định 28 quy định các tổ chức, doanh nghiệp tham gia thực hiện phổ biến giáo dục pháp luật hoặc hỗ trợ kinh phí, cơ sở vật chất, phương tiện cho hoạt động phổ biến giáo dục pháp luật được hưởng các chính sách hỗ trợ sau đây:

a) Được cơ quan nhà nước cấp phát tài liệu pháp luật, cung cấp thông tin miễn phí về chính sách, pháp luật liên quan đến lĩnh vực pháp luật được phổ biến, giáo dục; được bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ, kỹ năng ph biến, giáo dục pháp luật không thu tiền trong trường hợp tham gia thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật bằng nguồn kinh phí của mình;

b) Được thực hiện hoạt động quảng cáo khi tham gia phổ biến, giáo dục pháp luật miễn phí hoặc hỗ trợ kinh phí, cơ sở vật chất, phương tiện cho hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật trên cơ sở thỏa thuận bằng văn bản giữa các bên phù hợp với quy định của pháp luật về quảng cáo;

c) Được khen thưởng theo quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng.

Đồng thời nhằm xã hội hóa công tác phổ biến giáo dục pháp luật, theo Nghị định số 28, Nhà nước khuyến khích Hội Luật gia Việt Nam, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, các hội công chứng, các tổ chức xã hội, nghề nghiệp khác về pháp luật, trung tâm tư vấn pháp luật, tổ chức hành nghề luật sư, công chứng tham gia thực hiện phổ biến giáo dục pháp luật miễn phí cho nhân dân; tạo điều kiện cho thành viên của tổ chức mình tham gia phổ biến giáo dục pháp luật miễn phí cho nhân dân thông qua hoạt động chuyên môn hoặc theo yêu cầu của cá nhân, tổ chức...

3. Vai trò, ý nghĩa của “Ngày Pháp luật” đối với hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật

Có thể khẳng định “Ngày Pháp luật” sẽ là một hình thức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật rất hiệu quả, bởi pháp luật quy định cho “Ngày pháp luật” được triển khai dưới nhiều hình thức khác nhau. Với các hình thức đa dạng “Ngày Pháp luật” sẽ giúp cho những chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước đến gần với người dân hơn và dễ dàng đi vào cuộc sống.

“Ngày Pháp luật” sẽ góp phần nâng cao nhận thức của người dân về vai trò của luật pháp trong đời sống xã hội và mục tiêu xây dựng Nhà nước pháp quyền của Đảng và Nhà nước ta.

Thông qua sinh hoạt “Ngày Pháp luật” sẽ phổ biến, tuyên truyền đến người dân những văn bản pháp luật mới ban hành. Bên cạnh đó, các cán bộ làm công tác tuyên truyền pháp luật còn giải đáp những thắc mắc của người dân liên quan đến các lĩnh vực pháp luật, từ đó giúp người dân hiểu được các quy định luật pháp và tuân thủ thực hiện. Bên cạnh đó, “Ngày Pháp luật” còn là cơ hội để người dân tham gia thể hiện sự hiểu biết của mình về pháp luật và có những góp ý tham gia vào công tác xây dựng luật,…Có thể khẳng định “Ngày Pháp luật” thực sự có ý nghĩa đối với hoạt động xây dựng chính sách, pháp luật.

“Ngày Pháp luật” được triển khai tại tất cả các tỉnh thành trong cả nước, từ các cơ quan Nhà nước cấp trung ương đến địa phương với nhiều hình thức phong phú, đa dạng: Mít tinh, hội thảo, tọa đàm, thi tìm hiểu pháp luật, tuyên truyền, phổ biến pháp luật lưu động, triển lãm,… thực sự sẽ trở nên gần gũi, thiết thực với các cán bộ, công chức, viên chức và toàn thể nhân dân, từ đó, giúp các cán bộ, công chức, viên chức và người dân dễ dàng tiếp cận, nắm bắt các quy định của pháp luật, tuân thủ và thực hiện pháp luật một cách nghiêm minh. Với ý nghĩa đó “Ngày Pháp luật” thực sự sẽ trở thành ngày thượng tôn pháp luật.

Để “Ngày Pháp luật” được triển khai thống nhất, hiệu quả trong cả nước, ngày 25/9/2013, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành Công văn số 6902/BTP-PBGDPL về việc tổ chức thực hiện “Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” năm 2013. Theo đó, Bộ Tư pháp hướng dẫn thực hiện “Ngày Pháp luật” năm 2013 với chủ đề Toàn dân xây dựng, thi hành và bảo vệ Hiến pháp vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh và các khẩu hiệu bao gồm: “Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”; “Hưởng ứng Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ”; “Nghiêm chỉnh chấp hành Hiến pháp, pháp luật là bảo vệ chính bạn, gia đình bạn và xây dựng xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”; “Thực hiện pháp luật là quyền và nghĩa vụ của mọi công dân”; “Tôn trọng và chấp hành pháp luật là nét đẹp văn hóa của mỗi người dân”; “Cán bộ, công chức, viên chức gương mẫu chấp hành và bảo vệ pháp luật”.

Những hướng dẫn cụ thể trong Công văn số 6902 đối với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và cơ quan Trung ương của tổ chức chính trị - xã hội thành viên của Mặt trận; Hội Luật gia Việt Nam; Liên đoàn Luật sư Việt Nam; Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, sẽ là cơ sở quan trọng để “Ngày Pháp luật” được triển khai sâu rộng, thống nhất trên phạm vi toàn quốc.

Bảo Hân

Tài liệu tham khảo:

1. Luật Phổ biến giáo dục pháp luật năm 2013;

2. Nghị định số 28/2013/NĐ-CP ngày 4/4/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phổ biến giáo dục pháp luật;

3. Công văn số 3535/HĐPH của Hội đồng phối hợp công tác phổ biến giáo dục pháp luật của Chính phủ ngày 4/10/2010 về việc triển khai thực hiện “Ngày pháp luật”.

4. Công văn số 6902/BTP-PBGDPL của Bộ Tư pháp ngày 25/9/2013 về việc tổ chức thực hiện “Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” năm 2013;

5. Tổ chức Ngày pháp luật vào 9.11 hàng năm, trên trang web http://www.phapluatttp.vn;

6. Đỗ Thành Trung, Mô hình “Ngày pháp luật” phát huy hiệu quả, trên trang web http://dienbientv.vn;

7. Lan Phương, Từ năm nay, có một Ngày để cả nước thượng tôn pháp luật, trên trang web http://www.moj.gov.vn;