Sở Tư pháp Đà Nẵng tổ chức góp ý dự thảo Quy chế cộng tác viên trợ giúp pháp lý

25/09/2007
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Tư pháp, vừa qua Sở Tư pháp thành phố Đà Nẵng đã tổ chức cuộc họp lấy ý kiến góp ý dự thảo Quy chế cộng tác viên trợ giúp pháp lý. Tham dự cuộc họp có đại diện các tổ chức giúp việc Giám đốc Sở, trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước và một số công chức là cộng tác viên trợ giúp pháp lý của trung tâm.

Các đại biểu tham dự cuộc họp đã tham gia sôi nổi, đóng góp nhiều ý kiến để hoàn chỉnh dự thảo Quy chế cả về hình thức lẫn nội dung văn bản. Các ý kiến tham gia về nội dung tập trung vào các vấn đề như sau:

1. Về điều kiện tham gia cộng tác viên: Việc liệt kê các chức danh như khoản 2 Điều 4 dự thảo Quy chế là chưa đầy đủ và rất khó vận dụng Bên cạnh đó, việc liệt kê cụ thể những đối tượng nêu trên sẽ dẫn đến tình trạng, có một số đối tượng có thời gian làm công tác pháp luật từ 03 năm trở lên nhưng không thuộc đối tượng đã nêu tại khoản 2 dự thảo sẽ không được làm cộng tác viên trợ giúp pháp lý. Bên cạnh đó, khoản 3 Điều 4 dự thảo quy định: “Những người có kiến thức pháp luật có uy tín trong cộng đồng…công chứng viên”, quy định trên chưa phù hợp vì đối tượng này thuộc“đối tượng đang thường trú ở vùng kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số và miền núi” nêu tại khoản 2 Điều 4 dự thảo, do đó việc tách đối tượng này ra thành đối tượng riêng tại khoản 3 là không phù hợp, nội dung tại khoản này có sự trùng lặp khi liệt kê đối tượng là “công chứng viên” đã nêu ở khoản 2 dự thảo và những đối tượng đã nêu tại khoản 3 cũng chưa được liệt kê đầy đủ. Bên cạnh đó, nội dung tại khoản 3 Điều 4 dự thảo chưa quy định cụ thể như thế nào là có kiến thức pháp luật, do đó rất khó vận dụng trên thực tiễn vì không phải mọi trường hợp già làng, trưởng bản…đều là người có kiến thức pháp luật.

2. Về thủ tục công nhận, cấp, thu hồi thẻ cộng tác viên: Quy định như khoản 1 Điều 6 dự thảo là chưa đầy đủ, chưa nêu ra được quy trình nhận và thời gian giải quyết hồ sơ của Giám đốc Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước trước khi trình Giám đốc Sở xem xét, quyết định công nhận và cấp thẻ cộng tác viên như quy định tại Điều 27 Nghị định số 07/2007/NĐ-CP. Bên cạnh đó, quy định tại khoản 3 Điều 6 dự thảo là không chính xác vì khoản 1 Điều 20 Nghị định 07/2007/NĐ-CP chỉ quy định một trường hợp về bổ nhiệm, miễn nhiệm đối với Trợ giúp viên pháp lý, không quy định về việc thu hồi thẻ cộng tác viên, các trường hợp bị thu hồi thẻ cộng tác viên được quy định tại khoản 1 Điều 30 Nghị định 07/2007/NĐ-CP, do đó đề nghị sửa lại nội dung này như sau: “Khi cộng tác viên thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 30 của Nghị định số 07/2007/NĐ-CP thì trong thời hạn…”. Đề nghị bỏ nội dung “làm bản tường trình” ở khoản 2 Điều 6 dự thảo vì không cần thiết. Dự thảo cần quy định rõ hồ sơ đề nghị cấp lại thẻ cộng tác viên sẽ bao gồm những loại giấy tờ gì và xây dựng thêm mẫu đơn đề nghị cấp lại thẻ cộng tác viên cho phù hợp và thống nhất với nội dung nêu tại khoản 2 Điều 6 dự thảo (trong mẫu đơn đề nghị cấp lại thẻ cộng tác viên sẽ nêu rõ lý do tại sao đề nghị cấp lại thẻ).

3. Về hợp đồng công tác: Quy định như Điều 7 dự thảo là chưa phù hợp vì hợp đồng cộng tác thực hiện trợ giúp pháp lý được thực hiện trên cơ sở bình đẳng, tự nguyện, có sự thương lượng giữa hai bên là cộng tác viên và Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước, do đó không chỉ có cộng tác viên mới có quyền yêu cầu thay đổi, bổ sung nội dung hợp đồng mà Trung tâm cũng có quyền yêu cầu cộng tác viên bổ sung, thay đổi nội dung hợp đồng và yêu cầu thay đổi, bổ sung hợp đồng phải có sự thoả thuận đồng ý của cả hai bên.

4. Về hình thức trợ giúp pháp lý của cộng tác viên: Đề nghị sửa tiêu đề của Điều 8 dự thảo cho phù hợp với cách sử dụng từ tại Luật Trợ giúp pháp lý là “Hình thức trợ giúp pháp lý của cộng tác viên”. Việc quy định “Cộng tác viên không phải là luật sư chỉ tham gia trợ giúp pháp lý bằng hình thức tư vấn pháp luật, tham gia hoà giải và hướng dẫn các thủ tục hành chính, khiếu nại và tham gia trợ giúp pháp lý lưu động là không phù hợp, vì theo quy định tại khoản 2 Điều 22 Luật Trợ giúp pháp lý thì “Cộng tác viên không phải là luật sư chỉ tham gia trợ giúp pháp lý bằng hình thức tư vấn pháp luật”, mặt khác theo quy định tại Điều 28 Luật Trợ giúp pháp lý thì việc tư vấn pháp luật được thực hiện bằng việc hướng dẫn, giải đáp, đưa ra ý kiến, cung cấp thông tin pháp luật, giúp soạn thảo văn bản liên quan đến vụ việc trợ giúp pháp lý, do đó việc quy định cộng tác viên được tham gia hoà giải là không chính xác (hoạt động hoà giải thuộc hình thức trợ giúp pháp lý khác theo quy định tại Điều 31 Luật Trợ giúp pháp lý). Ngoài ra, việc quy định hình thức trợ giúp pháp lý của cộng tác viên là “tham gia trợ giúp pháp lý lưu động” là không phù hợp, nội dung tại Điều 8 đang đề cập đến hình thức trợ giúp pháp lý của cộng tác viên, trong khi đó theo quy định tại Điều 27 Luật Trợ giúp pháp lý thì hình thức trợ giúp pháp lý chỉ có 04 hình thức là “tư vấn pháp luật, tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng, các hình thức trợ giúp pháp lý khác” không có hình thức trợ giúp pháp lý lưu động, “trợ giúp pháp lý lưu động” là một hoạt động trợ giúp pháp lý của Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước./.

Tạ Tự Bình